15 năm góp nhặt được 1,5 tỷ đồng, tuyệt vọng tìm mua chung cư

Thu nhập hai vợ chồng trẻ chỉ khoảng 15 triệu đồng, giấc mơ mua nhà tại Hà Nội ngày càng xa khi thị trường căn hộ giá rẻ đang có nguy cơ "tuyệt chủng".

"Đốt đuốc" tìm nhà giá rẻ

Làm việc tại Hà Nội hơn 8 năm, vợ chồng anh Đỗ Văn Lâm (Hà Nam) vẫn khát khao có nhà ở Hà Nội. Năm 2019, anh Lâm kết hôn và gia đình có thêm một thành viên mới. Chính vì thế, mong muốn có nhà cửa ổn định và tiện cho con cái đi học sau này càng trở nên áp lực với vợ chồng anh.

Trong khi đó, tổng thu nhập hai vợ chồng chỉ khoảng 15 triệu đồng. Chi phí chi tiêu hàng tháng như thuê nhà, ăn uống, tiền học của con cũng phải 10 triệu đồng dù vợ chồng anh đã tiết kiệm đối đa.

Phân khúc nhà ở lý tưởng nhất đối với thế hệ trẻ vẫn chung cư giá rẻ, diện tích vừa phải, mức giá dao động từ 1-2 tỷ đồng. Anh Lâm tính toán, nếu tiết kiệm được khoảng 100 triệu đồng mỗi năm thì ít nhất 15 năm nữa, vợ chồng anh mới có thể mua được nhà tại Hà Nội. "Vợ chồng mình cũng đã tìm hiểu một số dự án nhà ở nhưng để mua được những căn hộ này là điều khó khăn", anh Lâm chia sẻ. 

15 năm góp nhặt được 1,5 tỷ đồng, tuyệt vọng tìm mua chung cư - 1

Gia đình trẻ và mơ ước mua nhà (Ảnh mang tính minh họa).

Trên thị trường căn hộ tại Hà Nội, số lượng nhà giá rẻ đang hạn chế. Nhà ở xã hội thì có điều kiện không phải ai cũng mua được, chưa kể phải đóng thêm một khoản tiền chênh. Trong khi đó, những căn hộ tầm 1 tỷ đồng như anh Lâm mong muốn đều vắng bóng trên thị trường. Điều mà những người mua nhà như anh khó có thể mua nhà do gói vay ưu đãi mua nhà ở lãi suất thấp không có.

"Cách đây mấy năm có gói 30 nghìn tỷ đồng, nếu thời điểm đó mình kết hôn có gia đình, vay mượn thêm thì cũng mua được nhà. Nhưng giờ thì không thể, giá nhà cao, vay lãi suất thấp không có, còn điều kiện mua nhà ở xã hội thì không đủ", anh lo lắng. Đây chỉ là một điển hình trong rất nhiều gia đình trẻ hiện nay, nhất là những người trẻ ở quê lên thành phố lập nghiệp.

Tương tự anh Lâm, vợ chồng chị Đỗ Thu Trang (Hòa Bình) cũng mong có cơ hội để mua nhà ở Hà Nội. Hai vợ chồng chị dành dụm được 500 triệu đồng. "Cách đây mấy năm, chỉ cần 500 triệu đồng là mình có thể mua nhà giá rẻ khoảng 1 tỷ đồng nhờ vay thêm gói ưu đãi lãi suất của ngân hàng", chị cho biết.

Theo chị Trang, số lượng nhà ở xã hội có hạn nên quy định rất chặt với người mua. Mọi người trông vào các căn hộ thương mại, nhưng giá chung cư ở Hà Nội thấp nhất hiện nay cũng trên 20 triệu đồng. Thậm chí, những căn có mức giá bình dân như vậy phải "đốt đuốc" mới tìm ra.

Lãi suất cho vay mua nhà, sau khi hết thời gian ưu đãi, hiện dao động khoảng 10-11%/năm tùy ngân hàng. Nếu một người vay 1 tỷ đồng trong thời hạn 10 năm, mỗi tháng phải trả cả gốc lẫn lãi khoảng 16,6 triệu đồng, tương đương xấp xỉ 200 triệu đồng/năm. Nếu vay 15 năm, số tiền phải trả mỗi tháng 14 triệu đồng. Trường hợp lãi suất cho vay tăng, sau 10 năm số tiền cả gốc lẫn lãi phải trả có thể gần gấp đôi số tiền vay ban đầu.

Dập tắt giấc mơ mua nhà

Năm 2013, gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng ra đời được xem như "một mũi tên trúng hai đích" khi vừa là liều thuốc "cấp cứu" cho thị trường đang bị đóng băng, vừa hỗ trợ người thu nhập thấp có điều kiện sở hữu nhà. Với lãi suất thấp chỉ dưới 6%/năm, thời hạn 10 năm, người có thu nhập trung bình ở Hà Nội có thể vay mua nhà.

Cùng với đó, nhờ vay được gói ưu đãi này, nhiều chủ đầu tư đã tung ra thị trường loại hình căn hộ giá rẻ, một số dự án nhà ở thương mại đã và đang xin chuyển sang nhà ở xã hội. Thị trường chứng kiến một cơn "sốt nóng" tại dự án Chung cư Đại Thanh có diện tích từ 42,1-66m2 có giá gốc từ 14-14,7 triệu đồng/m2. Với giá bán từ 14-14,7 triệu đồng/m2 (đã bao gồm VAT và 2% phí bảo trì), thì giá mỗi căn hộ tại dự án chỉ từ 600-900 triệu đồng.

Hàng loạt dự án nhà ở xã hội và nhà ở giá rẻ khác nằm trong gói vay ưu đãi đã được triển khai, tạo điều kiện cho hàng nghìn gia đình mua nhà Hà Nội. Một ông lớn bất động sản thời điểm đó tuyên bố sẽ phát triển hàng nghìn căn hộ có mức giá từ 700 triệu đồng tại Hà Nội.

15 năm góp nhặt được 1,5 tỷ đồng, tuyệt vọng tìm mua chung cư - 2

Hiếm nhà giá rẻ trên thị trường (Ảnh: Duy Khánh).

Đến năm 2016, gói vay ưu đãi này kết thúc. Giấc mơ nhà tại Hà Nội cũng bị dập tắt khi không ít dự án đang triển khai dang dở, khiến người mua tới nay chưa thể có nhà. Nhận thấy việc sinh lời từ căn hộ giá thấp không còn hấp dẫn, "ông lớn" bất động sản cũng đổi hướng sang căn hộ giá cao. Gói vay ưu đãi không còn, người dân khó tiếp cận được nguồn vốn này.

Phân khúc căn hộ tại Hà Nội đang là cuộc chơi của các chủ đầu tư giá cao, căn hộ dưới 1,5 tỷ đồng/căn vốn khan hiếm từ 2018 nay 2 tỷ đồng/căn 2 phòng ngủ cũng rất khó tìm. Thông tin từ Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho thấy, tại Hà Nội, phân khúc nhà ở chung cư giá dưới 25 triệu đồng/m2 gần như tuyệt chủng.

Theo số liệu từ Savills Việt Nam, sự lệch pha rõ nét ở phân khúc căn hộ Hà Nội khi giá chào bán sơ cấp thị trường Hà Nội khoảng trên 35 triệu đồng/m2, tăng 5% theo năm, với hạng B tăng mạnh nhất 11% theo năm. Các dự án bình dân tập trung chủ yếu ở các quận/huyện Từ Liêm, Gia Lâm, Hà Đông, Long Biên và Hoàng Mai.

Như vậy, một căn hộ 70m2 sẽ có giá 2,5 tỷ đồng, với mức thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam ở mức 2.800 USD/người/năm (2019) tức khoảng 65 triệu đồng thì một người sẽ phải tích cóp trong khoảng 37 năm thu nhập, không tính mọi khoản chi phí ăn tiêu, sinh hoạt.

Cơ hội sở hữu nhà của người trẻ mua nhà lần đầu càng xa vời hơn.

Theo bà Nguyễn Thị Vân, đại diện Savills Việt Nam, loại hình căn hộ giá rẻ lợi nhuận giới hạn dẫn tới không nhiều chủ đầu tư mong muốn tham gia lĩnh vực này, nhiều dự án quy hoạch làm nhà ở xã hội chưa thể triển khai. Các chủ đầu tư thông thường họ vẫn phải tính tới lợi nhuận nên họ sẽ đầu tư căn hộ giá cao thay vì nhà ở xã hội.

Liên quan đến chính sách phát triển nhà ở xã hội, chiều 9/4, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) kiến nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định số 49/2021 theo hướng chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại dưới 2 ha tại các đô thị loại đặc biệt và loại I hoặc nhỏ hơn 5 ha tại các đô thị loại II và III phải lựa chọn hình thức dành quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội hoặc nộp bằng tiền tương đương giá trị quỹ đất 20% và xác định giá trị tiền sử dụng đất phải nộp đối với quỹ đất 20% tại dự án theo đúng quy định.

Bên cạnh đó, cần có những gói vay ưu đãi như gói 30.000 tỷ đồng như trước để người dân có thể tiếp cận được nguồn tài chính này.

Số lượng người trẻ sống và làm việc tại các đô thị lớn ngày càng tăng, nhu cầu nhà ở là tất yếu. Chính vì thế, để có cơ hội mua nhà lần đầu tiên, họ cần nhiều hỗ trợ từ chính sách.