10 năm chưa có nhà, đại gia mất hút, ngàn người Tết bơ vơ

Qua nhiều cái Tết, người mua nhà vẫn mòn mỏi chờ đợi được giao nhà. Chủ đầu tư vướng vòng lao lý, dự án bị ngân hàng thu nợ,... là những nguyên nhân dẫn tới chậm tiến độ.

Đi qua khu Trung Hòa Nhân Chính, không ít người mua nhà phải xót xa khi nhin thấy chung cư Manhattan số 21 Lê Văn Lương. Ban đầu dự án do Tổng công ty Thành An và Công ty Cổ phần tư vấn đầu tư xây dựng Ba Đình làm chủ đầu tư.

Dự án bị đình trệ thời gian dài, đến tháng 12/2017, Landmark Holding chính thức 'nhảy' vào dự án sau khi ký Hợp đồng thi công xây dựng với Công ty Ba Đình, trở thành đơn vị trực tiếp phân phối lại các sản phẩm đến khách hàng. Tại khu vực đất vàng này "mọc" lên dự án mới mang tên Manhattan Tower.

Những tưởng, việc có sự xuất hiện của Landmark Holdings với nguồn tài chính thực đổ vào, Manhattan Tower sẽ bước sang một trang mới tươi sáng hơn. Tuy nhiên, dự án lại một lần nữa rơi vào bế tắc. Ngày 11/6, Landmark Holding rút khỏi dự án Manhattan Tower. Từ ngày 15/8, Công ty Ba Đình sẽ tiếp quản lại toàn bộ khách hàng mua nhà dự án Manhattan.

10 năm chưa có nhà, đại gia mất hút, ngàn người Tết bơ vơ - 1

Cư dân treo biển đòi nhà

Theo tiến độ, dự án phải bàn giao nhà vào tháng 5/2019, nhưng thời điểm hiện tại mới xây thô đến tầng 21. Cư dân quá bức xúc vì dự án chậm tiến độ nên đã căng băng rôn trước công trường để đòi nhà.

Tại Hà Đông, Tokyo Tower cũng là dự án khá lận đận. Dự án Tokyo Tower trước đây có tên gọi là chung cư Vinafor hay Hanoi Landmark 51 Tower. Đây được biết đến là tòa nhà cao thứ 3 tại Hà Nội và lọt top 10 tòa nhà cao nhất Việt Nam, đồng thời là tòa nhà cao nhất tại quận Hà Đông.

Tháng 12/2015, Công ty cổ phần Sông Đà 1.01bán nhà ở hình thành trong tương lai của dự án này và cam kết đến quý IV/2017 sẽ bàn giao nhà cho dân về ở. Tuy nhiên, dự án vẫn chưa thể hoàn thành và bàn giao cho khách hàng.

Năm 2018, chủ đầu tư vi phạm nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng tín dụng đã ký trước đó, ngân hàng đã thực hiện xử lý thu giữ tài sản là tòa nhà Landmark 51 để đảm bảo xử lý thu hồi nợ và phối hợp với cư dân để tiếp tục thực hiện dự án.

Chậm cả thập kỷ

Sau 10 năm kể từ khi khởi công năm 2009, dự án Hattoco 110 Trần Phú (Hà Đông, Hà Nội) khiến khách hàng vô cùng bức xúc. 10 năm qua, số tiền gần 300 khách hàng đóng cho chủ đầu tư từ 50-70% giá trị căn hộ là khoản tiền khá lớn (khoảng 436 tỷ đồng) nhưng chủ đầu tư không đưa vào thực hiện xây dựng dự án, khiến dự án bị đình trệ.

Công trình được khởi công từ năm 2009, với tổng mức đầu tư khoảng 900 tỷ đồng, do Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Ba Đình làm chủ đầu tư (Ba Đình Land).

Dự án được xây dựng trên khu đất 4.992 m2 với thiết kế tòa tháp 39 tầng nổi và 3 tầng hầm, từ tầng 1 đến tầng 6 là khu trung tâm thương mại, văn phòng, từ tầng 7-39 là khu căn hộ với tổng số 439 căn.

10 năm chưa có nhà, đại gia mất hút, ngàn người Tết bơ vơ - 2

Nhiều dự án bỏ hoang cả thập kỷ

Tương tự, dự án Usilk City - Khu đô thị mới Văn Khê cũng đã 10 năm chưa hoàn thành hết. Nhiều công trình xây dựng dang dở đang bỏ hoang. Vào tháng 09/2008, dự án USilk City do Công ty cổ phần Sông Đà Thăng Long (SĐTL) làm chủ đầu tư đã được khởi công. Siêu dự án có vốn đầu tư lên tới 10 nghìn tỷ đồng, được giới thiệu là Tổ hợp chung cư cao cấp, gồm 13 khối nhà ở chung cư cao tầng với 2.800 căn hộ chung cư cao cấp, kèm theo hệ thống công trình dịch vụ công cộng, tiện ích xanh và hiện đại.

SĐTL đã có lịch sử nhiều lần khiến khách hàng "mừng hụt". Vào ngày 27/03/2015, tòa CT1 - 104 bất ngờ được khởi công lại tuy nhiên sau đó không lâu lại tiếp tục lặng im. Ngày 14/09/2015, SĐTL ký hợp đồng tổng thầu với Tân Việt, công trường khởi động lại, thi công xong cọc khoan nhồi, phần hầm và phần thân đã đổ cột và sàn bê tông đến tầng 4 rồi dừng thi công đến nay. Riêng với tòa nhà CT2-105, SĐTL đã chuyển nhượng cho Công ty cổ phần đầu tư Hải Phát Thủ đô.

Thảm cảnh tương tự, chung cư B5 - KĐT Thành phố Giao lưu (Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm). Với quy mô 6 tổ hợp chung cư cao trên 40 tầng, tổng cộng gần 2.000 căn hộ, dự án ghi nhận tổng mức đầu tư đạt khoảng 1.000 tỷ đồng. Dự án do liên danh giữa Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu & Đầu tư xây dựng phát triển Hà Nội và Công ty CP Tập đoàn Đầu tư nhà đất Housing làm chủ đầu tư.

Từ những năm 2009, dự án đã huy động vốn của khách hàng với số tiền lên tới hàng trăm tỷ đồng nhưng tới khi bà Nga bị bắt và xét xử dự án này vẫn “án binh bất động”. Năm 2013, nhiều khách hàng dự án đã gửi đơn đến cơ quan chức năng tố cáo hành vi chiếm dụng vốn của chủ đầu tư.

Theo: Duy Anh

Vietnamnet