1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Tôi phải làm gì khi bị từ chối bồi thường bảo hiểm?

(Dân trí) - Nhiều khách hàng rất bức xúc khi nhận được thư từ chối bồi thường của công ty Bảo hiểm Nhân thọ (BHNT). Tuy nhiên, thường thì họ không biết xử lý thế nào. Hãy để Dân Trí “mách nước” các bước cần làm khi rơi vào trường hợp này nhé!

Bước 1: Tìm hiểu về những điều khoản loại trừ

Các điều khoản chung: 100% hợp đồng BHNT đều loại trừ không bồi thường cho các trường hợp sau: Đơn phương từ bỏ hợp đồng trong vòng 2 năm đầu tiên khi tham gia bảo hiểm; tự tử, các hành vi tự làm hại bản thân; sử dụng chất kích thích, chất cấm hoặc sử dụng thuốc không theo chỉ định của bác sĩ; các trường hợp vi phạm luật hình sự, bị tử hình; các trường hợp rủi ro trên diện rộng và không thể kiểm soát như chiến tranh, khởi nghĩa, sóng thần…

Các điều khoản riêng: Ngoài những điều khoản chung như trên, trong hợp đồng còn có những điều khoản cụ thể tùy theo gói bảo hiểm bạn chọn. Ví dụ quyền lợi Trợ cấp Nằm viện sẽ không chi trả cho việc điều trị những bệnh đã có trước khi mua bảo hiểm.

Ngoài ra, phần lớn các ca bị từ chối bồi thường hiện nay là do khách hàng đã không khai báo trung thực lịch sử bệnh lý của mình trong đơn yêu cầu bảo hiểm – một văn bản có tính pháp lý gắn liền với hợp đồng. Nhiều khách hàng che giấu bệnh và khai “đơn sạch”, nghĩa là tình trạng sức khỏe của họ hoàn hảo và không có bệnh tật gì, dẫn đến việc sai lệch các kết quả thẩm định, nên các công ty bảo hiểm dễ dàng chấp thuận bảo hiểm cho họ. Tuy nhiên, nếu điều tra ra khách hàng đã từng mắc các căn bệnh từ trước nhưng không kê khai, các công ty bảo hiểm được quyền từ chối bồi thường, thậm chí đơn phương đình chỉ hợp đồng bảo hiểm. Những điều này đều được quy định rõ trong hợp đồng và được luật bảo hiểm bảo hộ.

Nếu trường hợp bị từ chối bồi thường của bạn không nằm trong các điều khoản loại trừ hoặc được quy định trong hợp đồng, hãy tiến hành tiếp bước thứ hai.

Bước 2: Trò chuyện với đại lý bảo hiểm của bạn hoặc gọi cho hotline công ty bảo hiểm

Nếu bạn còn chưa đủ thông tin hoặc chưa hiểu rõ vì sao bạn bị từ chối bồi thường, hãy yêu cầu đại lý của bạn giải thích thêm. Bạn cũng có thể gọi tới hotline của công ty bảo hiểm để được tư vấn và giải thích rõ ràng. Nhớ mở hợp đồng ra xem trong lúc trò chuyện để đối chiếu với các điều khoản khi cần.

Trường hợp bạn vẫn không thỏa mãn và cho rằng mình bị “xử oan”, hãy cân nhắc thực hiện bước thứ ba.

Tôi phải làm gì khi bị từ chối bồi thường bảo hiểm? - 1

Xem xét kỹ điều khoản trong hợp đồng là quyền lợi và trách nhiệm của người tham gia BHNT

Bước 3: Tham khảo ý kiến các chuyên gia trung lập trong lĩnh vực bảo hiểm hoặc khởi kiện dân sự

Bạn có thể gọi tới đường dây nóng của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, Cục giám sát bảo hiểm để kiểm tra các thông tin; hoặc thông báo, tố cáo nếu bạn chắc chắn công ty bảo hiểm có hành vi sai phạm, gian lận hay có thể khởi kiện dân sự.

Tôi phải làm gì khi bị từ chối bồi thường bảo hiểm? - 2

Liên hệ với công ty bảo hiểm để được giải đáp các thắc mắc về hợp đồng bảo hiểm là cách vô cùng dễ dàng và nhanh chóng

BHNT được ví như công cụ tài chính vĩ đại nhất mà con người đã nghĩ ra nhằm bảo vệ bản thân và gia đình trước những rủi ro trong cuộc sống, tuy nhiên không phải rủi ro nào BHNT cũng có thể bảo vệ. Hãy là những khách hàng thông thái, chủ động tìm hiểu và nắm rõ các điều khoản quyền lợi của mình bạn nhé!

Lời khuyên của ông Ngô Trung Dũng, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam: “Để bảo vệ quyền lợi, trước tiên khách hàng cần chọn tham gia BHNT dựa trên nhu cầu thực của mình; hiểu rõ các điều khoản trong Hồ sơ yêu cầu bảo hiểm, quy tắc và điều khoản của hợp đồng, phải tự tay ký tên, kê khai đầy đủ và chính xác các thông tin về nhân thân và tình trạng sức khỏe trong hồ sơ yêu cầu bảo hiểm.

Doanh nghiệp BHNT có quyền từ chối bồi thường nếu phát hiện được khách hàng không cung cấp đầy đủ, trung thực các thông tin về sức khỏe, tình trạng bệnh tật khi mua bảo hiểm. Vì vậy, cả hai bên, công ty bảo hiểm và khách hàng đều cần sự trung thực, minh bạch thì lợi ích của cả đôi bên mới được đảm bảo.”

Thực hiện: Nguyễn Trung

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm