Y đức - đôi điều trăn trở từ một thầy thuốc
Ngày xưa người thầy thuốc nào khi tốt nghiệp đều phải thề, lời thề Hippocrate .Ngày đó y đức là một môn học được coi trọng. Bây giờ tiếc rằng điều đó bị coi nhẹ và đang bị xuống cấp nghiêm trọng.
Ngày nay, nhìn chung việc giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh, sinh viên chưa làm tốt và chưa đạt hiệu quả bao nhiêu. Sinh viên y cũng không phải là trường hợp ngọai lệ. Khi bước vào đời, các B.S. trẻ tuổi có năng lực chuyên môn tìm mọi cách để vào các trung tâm y khoa,các bệnh viện lớn.Bỏ ra thật nhiều tiền để vào các chỗ đó thì phải tìm cách lấy lại ở những người chẳng may mắc bệnh nặng phải tìm đến những cơ sở chữa bệnh đó.Và không có gì lạ khi chúng ta phải chứng kiến những cảnh lạnh lùng ,ghẻ lạnh của những thầy thuốc hành nghề vì tiền đối với những người bệnh không có phong bì lót tay mặc dù họ đang quằn quại trong cơn bệnh nguy cấp.
Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn |
Lương tâm thày thuốc không phải là một sản phẩm tách biệt với quan niệm đạo đức trong xã hội.Nó hình thành trong bối cảnh xã hội ,vừa mang tính đặc thù của nghề nghiệp,vừa mang tính chung của một nền kinh tế nặng tính cách trao đổi hàng hoá. Vì vậy, Quan điểm thực dụng ngày càng phát triển trong ngành y.Có lợi mới làm! Thày thuốc ngày càng xa rời tính cách”người” trong đối nhân xử thế.Con người đối xử với con người như kẻ xa lạ,không tình thương.Con người dần trở thành một đối tượng giao dịch kinh tế,không còn được xem như một cá thể độc đáo có lịch sử ,có tình cảm vui buồn,thương yêu,đau khổ khi bị ngược đãi. Sức khoẻ trở thành một mặt hàng mặc cả cao thấp.Người nghèo ,người bất hạnh mang bệnh nan y trở thành nạn nhân của một lối xử thế tàn nhẫn,bất chấp các giá trị đạo đức khi đồng tiền trở thành chuẩn mực trao đổi trong mọi quan hệ.
Chúng ta sẽ không lấy làm lạ khi có một số thày thuốc tìm mọi cách luồn lọt vào những bệnh viện đầu ngành bằng những số tiền hối lộ (đến 5,7 ngàn đô), rồi sau đó tìm cách thu hoạch cả vốn lẫn lời trên sự bất hạnh của những bệnh nhân chẳng may đến với họ. Người sa ngã tự bào chữa bằng lý luận “cần thu hồi vốn đầu tư” và thản nhiên đút túi những phong bì gọi là nhỏ nhoi.Nó nhỏ nhoi thật so với một vị BS đi xe hơi đời mới, nhưng đối với những bệnh nhân nghèo ,đó có thể là đôi bông cưới cuối cùng,có thể là tiền bán máu của người vợ,người chồng,là tiền học phí vào đại học của người con đành nhìn tương lai mình khép lại .Người bệnh khi vào bệnh viện phải chịu hai nỗi đau.Nỗi đau thứ nhất do căn bệnh còn nỗi đau thứ hai do người đồng loại mình gây ra.Lắm khi nỗi đau thứ hai còn to lớn hơn nỗi đau thứ nhất và người bệnh đành thất thểu trở về chịu tàn phế hay chờ chết trong nỗi hờn oán vì bị từ chối bởi đồng loại.Những phong bì kia lúc đầu chỉ nhằm bù lại số vốn đầu tư, sau quen dần trong cách ứng xử vô cảm với người bệnh: sống chết mặc bây tiền thày bỏ túi. Tội lỗi không có điểm dừng,có chăng chỉ chấm dứt sau chấn song nhà tù.Một ngày nào người thày thuốc lầm lạc soi gương sẽ không còn nhận ra mình,người sinh viên y khoa lý tưởng thưở trước.
Ngày xưa người thày thuốc ngoài kiến thức và kỹ năng chuyên môn, còn phải học tính khiêm tốn ,tôn trọng đồng nghiệp,yêu người ,yêu nghề.Phải lấy gương những người thày thuốc Đông Tây như Hippocrate,Hải Thượng Lãn Ông ……. làm ánh sáng soi đường.BS Ignacio Chavez từng nói một câu có thể làm châm ngôn cho những người trong ngành Y mọi thời đại:”Thày thuốc là một con người cúi xuống một con người khác,có gì cho nấy,đem lại một chút khoa học nhưng thật nhiều tình thương”..Ngày nay gần như chúng ta đang làm ngược lại.Chúng ta đem ứng dụng thật nhiều cái gọi là kỹ thuật cao hết sức tốn kém mà không quan tâm cách cư xử giữa người và người và gần như không dành chút gì là tình thương cho những bệnh nhân đang quằn quại vì cơn bệnh. Nếu không trau dồi y đức thì rất có thể Khoa học càng tiến bộ thì khoảng cách giữa những con người với nhau càng lúc càng xa.Con người ngày nay càng lúc càng lạc lõng giữa những cỗ máy vô hồn.Người ta tưởng rằng mình quá tài giỏi ,dựa vào những bộ máy đồ sộ kia có thể chiếm đoạt quyền tạo hoá.Thật ra y khoa ngày nay cũng không giải quyết được gì nhiều cho nhân loại hơn xưa kia. Nó chữa được một số bệnh ngày trước không giải quyết được nhưng cũng bó tay với vô số bệnh mới do thời đại gây ra.Và người bệnh thời đại nào cũng vậy nhất là các bệnh nan y ,cái họ cần nhất là sự tận tâm,lòng yêu thương của thày thuốc rồi mới đến các kỹ thuật khoa học. Con người đối với con người phải có sự đồng cảm và phải có lòng thương giữa con người với nhau.Người thày thuốc còn hơn thế, còn có nghĩa vụ đem sự hiểu biết,sự khéo léo kỹ xảo của mình để cứu vớt đồng loại.Đã đến lúc phải thay đổi lại cách đào tạo con người.Một con người như quan niệm trước đây là” vừa hồng vừa chuyên” mới toàn vẹn.Bây giờ giá trị đó vẫn còn cần tôn trọng theo chuẩn mực mới.Hồng theo quan niệm mới là phải có lý tưởng,phải yêu thương con người,phải xem sức khoẻ ,sinh mạng con người là một giá trị không gì có thể thay thế.Trường Đại Học Y là nơi đào tạo ra không phải chỉ những thày thuốc giỏi chuyên môn mà trên hết phải là những thày thuốc yêu người,yêu nghề.Cuộc Cách Mạng giải phóng dân tộc đã hoàn thành nhưng cuộc Cách Mạng giữa Thiện và Ác vẫn còn và sẽ luôn luôn còn tiếp diễn và rất cần những chiến sĩ mới lao lên phía trước,chấp nhận hi sinh bản thân vì một tương lai tươi sáng cho mai sau.
Những thày thuốc còn chưa nhuốm bẩn lương tâm hãy cảnh giác ,đừng vì một phút yếu lòng mà trượt dài trên con đường xa lạ với bản chất tốt đẹp của mình, của nghề cao quý mà mình đã tự nguyện dấn thân. Những thày thuốc đã trót sai lầm hãy dừng lại, quay về đội ngũ những thày thuốc chân chính,nơi đây luôn có những tấm lòng rộng mở đón bạn bè trong vòng tay. Không yêu người,không yêu nghề mà chỉ xem nghề thuốc là phương tiện làm giàu bất kể lương tâm,đạo đức thì một ngày nào không xa những thày thuốc đó sẽ phải đứng trước toà án lương tâm và chịu sự trừng phạt của xã hội.Làm sao để sau này khi con cháu hỏi”ông bà đã làm gì cho đất nước trong những ngày khó khăn ấy” chúng ta sẽ không phải hỗ thẹn khi trả lời cho thế hệ mai sau.
BV Huyện Tam Nông Đồng Tháp
LTS Dân trí - Tác giả bài viết trên đây là một bác sĩ lâu năm trong nghề và có ý thức nghề nghiệp muốn tâm sự với các đồng nghiệp về lương tâm người Thầy thuốc, đồng thời cũng muốn nhắc nhở các cấp quản lý có trách nhiệm về tầm quan trọng có ý nghĩa quyết định hiệu quả họat động của ngành y chính là việc quan tâm giáo dục đạo đức, nhân cách cũng như tấm lòng của người Thầy thuốc.
Nếu làm công việc “trị bệnh cứu người” mà thờ ơ trước nỗi đau, trước tình trạng trầm trọng của người bệnh, thậm chí hành nghề chỉ vì đồng tiền, thì dù người bác sĩ có đầy đủ phương tiện hiện đại trong tay cũng không phát huy được hiệu quả mà người bệnh mong muốn.