Xịt sơn hàng loạt ô tô, 3 bảo vệ chung cư khó ngờ hậu quả phải nhận!

(Dân trí) - “Hậu quả nhẹ nhất với nhóm bảo vệ xịt sơn hàng loạt ô tô là bị phạt hành chính. Tuy nhiên, khả năng bị truy cứu trách nhiệm hình sự với các đối tượng cũng rất cao”, luật sư Quách Thành Lực nhận định.

Lãnh đạo Công an quận Hà Đông (TP Hà Nội) cho biết, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Hà Đông đang làm rõ vụ “Cố ý làm hư hỏng tài sản” xảy ra vào rạng sáng 8/11, tại địa bàn phường Dương Nội, quận Hà Đông.

Cụ thể, ngày 8/11, tại khu vực phía sau chung cư CT7, phường Dương Nội, quận Hà Đông, một số xe ô tô đỗ dưới lòng đường cạnh khu đô thị được phát hiện đã bị xịt sơn màu đỏ lên thân xe.

Xịt sơn hàng loạt ô tô, 3 bảo vệ chung cư khó ngờ hậu quả phải nhận! - 1

Một trong số nhiều chiếc ô tô bị các đối tượng xịt sơn.

Qua rà soát, lực lượng công an xác định đối tượng Trần Đình Thắng (SN 1974, ở tổ 6, phường Đồng Mai, quận Hà Đông, Hà Nội) là Đội trưởng - Công ty bảo vệ Tây Hồ (có trụ sở tại đường Hoàng Quốc Việt, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đang làm bảo vệ đảm bảo an ninh và trông giữ xe tại khu chung cư CT7, phường Dương Nội, quận Hà Đông có nhiều biểu hiện nghi vấn.

Tại cơ quan điều tra, Thắng khai nhận cùng với Nguyễn Xuân Loan (SN 1955, ở tổ 7, phường Đồng Mai, quận Hà Đông) và Nguyễn Văn Tâm (SN 1964, ở xã Tề Lỗ, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc) cũng là bảo vệ của Công ty bảo vệ Tây Hồ xịt sơn vào một số xe ô tô trong đêm mùng 7, rạng sáng ngày 8/11, tại phường Dương Nội, quận Hà Đông.

Theo đó, quá trình làm bảo vệ và trông xe tại khu chung cư CT7 Dương Nội, Trần Đình Thắng phát hiện tại trục đường bao phía sau chung cư (không thuộc phạm vi trông giữ xe của công ty Thắng làm) có nhiều người dân đỗ xe qua đêm, không gửi vào bãi xe của khu chung cư quản lý. 

Trần Đình Thắng đã bàn bạc với Nguyễn Xuân Loan và Nguyễn Văn Tâm mua bình sơn xịt vào các xe ô tô, nhằm mục đích khiến họ phải đưa xe vào gửi trong hầm hoặc bãi gửi xe thuộc quyền quản lý của chung cư.

Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, luật sư Quách Thành Lực (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng: Điều 32 Hiến pháp năm 2013 quy định mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác, quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ.

Do vậy, mọi hành vi xâm phạm trái pháp luật tài sản của người khác tùy từng mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính, hình sự.

Người vi phạm có hành vi tác động vào tài sản thuộc sở hữu của người khác, làm cho tài sản đó bị mất giá trị sử dụng (hủy hoại tài sản) hoặc làm giảm đáng kể giá trị sử dụng của tài sản.

Xịt sơn hàng loạt ô tô, 3 bảo vệ chung cư khó ngờ hậu quả phải nhận! - 2

Đối tượng Trần Đình Thắng tại cơ quan công an (Ảnh: Công an Hà Đông).

Đây có thể được xác định là hành động hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác và có thể bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng theo khoản 2 điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP.

Nếu các hành vi trên gây thiệt hại tài sản từ 2 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng người thực hiện hành vi hủy hoại tài sản đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi làm hủy hoại, hư hỏng tài sản mà còn vi phạm hoặc hủy hoại tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ còn có thể bị xem xét xử lý hình sự về hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo điều 178 Bộ luật hình sự.

Cụ thể, người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại điều này mà còn vi phạm; d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

Xin cảm ơn luật sư.