Xin một lời buồn về chuyện Phó TGĐ VTV xin từ chức

Tin ông Trần Đăng Tuấn, Phó TGĐ đài THVN xin ra khỏi biên chế đối với xã hội Việt Nam là một chuyện quá bất ngờ. Có thể đó là chuyện bình thường, đáng mừng vì ra làm tư nhân tiền nhiều hơn... Nhưng cho tôi xin nói một lời buồn về trường hợp ông Trần Đăng Tuấn.

Chuyện thời nay một người không phù hợp với nơi này và chuyển đến nơi khác là chuyện bình thường. Tuy chúng ta từng chứng kiến sự chảy máu chất xám ở một số cơ quan Nhà nước, nhưng ở Việt Nam chưa phải là chuyện bình thường của cái lẽ vốn bình thường ấy. Mà trường hợp của ông Trần Đăng Tuấn thì phải gọi đó là chuyện bất thường. Không thể là chuyện bình thường khi một người có kinh nghiệm, có gắn bó, có công không nhỏ với sự phát triển của Truyền hình Việt Nam (THVN) trong giai đoạn đổi mới và có một vị trí xã hội mà vạn vạn người mong ước lại rũ áo ra đi.

Có tờ báo nói ông Trần Đăng Tuấn ra đi và làm cho một tập đoàn truyền thông tư nhân nào đó là điều mừng vì như thế sẽ tạo ra sự cạnh tranh giữa Nhà nước và tư nhân. Xin thưa, làm gì có sự cạnh tranh ở đây. Truyền hình nào thì cũng phải thực hiện chính sách của Nhà nước và dưới sự quản lý của Nhà nước. Nếu ông Trần Đăng Tuấn tiếp tục làm truyền hình cho một tập đoàn tư nhân thì vẫn là kiểu " mua kênh bán sóng" lâu nay mà thôi. Nghĩa là, trước đó ông Trần Đăng Tuấn làm truyền hình trực tiếp còn bây giờ làm truyền hình gián tiếp. Như thế là điều mừng hay là nỗi cay đắng đây?

Có người lại bảo ông Trần Đăng Tuấn ra đi như thế lại hay vì các tập đoàn truyền thông tư nhân sẽ trả lương rất cao. Xin thưa là chưa chắc. Nếu được tư nhân trả lương cao thì phải là người rất giỏi. Nhưng tôi cam đoan ông Trần Đăng Tuấn ra đi không phải vì được tập đoàn tư nhân nào đó trả lương rất cao cho dù gấp 10 lần những gì ông đang có từ THVN.

Năm nay ông Trần Đăng Tuấn đã 53 tuổi, vì thế tôi hoàn toàn tin rằng sự ra đi của ông không một chút hồ đồ, không một chút tự ái cá nhân mà đã được quyết định vô cùng nghiêm túc. Chúng ta đưa tin ông Trần Đăng Tuấn ra khỏi biên chế Nhà nước nhưng chúng ta lại hơi mập mờ, không dám nói thẳng lý do vì sao ông Trần Đăng Tuấn ra đi. Trong khi đó, những ai quan tâm đều tự hiểu lý do ông Trần Đăng Tuấn phải "gạt lệ" ra đi khỏi THVN là cái gì.

Việc nói thẳng lý do ông Trần Đăng Tuấn ra đi không hề ảnh hưởng đến THVN hay đến đất nước. Ngược lại nó là một hành động dân chủ, một hành động minh bạch tạo ra một bài học về sử dụng và quản lý cán bộ. Nó cho thấy, nếu công tác tổ chức cán bộ không vì lợi ích chung thì những người tài giỏi hoặc sẽ không phát huy được tài năng của mình cho đất nước hoặc sẽ rời bỏ ra đi. Lúc đầu họ rời bỏ cơ quan Nhà nước đến với các tập đoàn tư nhân trong nước. Và đến một ngày nào đó họ đến với các tập đoàn nước ngoài. Rồi những người tài được đào tạo ở nước ngoài sẽ tìm cách ở lại nước ngoài làm việc và trở thành tài sản của nước đó chứ không phải của đất nước chúng ta.

Không biết những người có trách nhiệm trong việc quản lý nhân sự có biết rằng: chính sách của Nhà nước về nhân tài trên lý thuyết là đúng nhưng trên thực tiễn còn có quá nhiều điều bất cập và cả những sai lầm do cấp dưới thực hiện.

Khi GS Ngô Bảo Châu giành giải thưởng Fields chúng ta mới choàng tỉnh nhận ra rằng: một người tài được trọng dụng và tạo điều kiện cho người đó phát triển sẽ mang lại lợi ích nhiều mặt cho đất nước như thế nào. Nhưng tôi vẫn mang cảm giác chính sách đối với người tài của chúng ta vẫn chỉ là hành động choàng tỉnh vỗ tay rồi sau đó lại nằm xuống  ngủ tiếp. Vì hình ảnh đó đã và vẫn đang diễn ra trước mắt chúng ta.
 
(Theo TuanVietNam)