Hồi âm:
Xét xử vụ một kỹ sư bị đâm chém dã man tại Hà Đông
(Dân trí) - Hơn 4 tháng sau vụ anh Nguyễn Đức Dũng bị đâm chém dã man xảy ra ở Tổ 6, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, TP. Hà Nội, TAND quận Hà Đông đang hoàn tất các thủ tục tố tụng để đưa vụ án hình sự nghiêm trọng này ra xét xử.
Vụ án “Một kỹ sư bị đâm chém dã man tại quận Hà Đông” xảy ra chiều ngày 2/08/2012, khi anh Dũng có đến công trình đang xây tại Tổ 6, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, TP. Hà Nội để kiểm tra. Tại đây, anh Dũng dựng xe tại lối đi thuộc mặt tiền sử dụng của gia đình, áp sát cửa sổ nhà ông Nguyễn Bá Thu. Do trời nóng, ông Thu mở cửa sổ ra nhưng bị vướng và chửi. Ông Thu sử dụng những lời lẽ xúc phạm, đầy du côn, sau đó chạy ra phía cửa sổ bắt anh Dũng dắt xe ra.
Cho rằng đó là lối đi thuộc mặt tiền sử dụng của gia đình, anh Dũng không dắt xe ra và khẳng định việc ông Thu mở cánh cửa ra trên phần diện tích này là vi phạm, không đúng luật đất đai.
Ông Thu thấy vậy tức tối đập xe, và hung hăng xông lên đánh anh Nguyễn Đức Dũng, anh Dũng cố thủ sẵn trong nhà nên ông Thu không dám xông vào nữa, nhưng ông Thu vẫn tiếp tục phá xe. Cùng lúc, người nhà ông Thu tiến sang vây kín trước cửa nhà anh Dũng, buộc anh Dũng phải gọi điện cho anh Tạ Văn Đức mua nhà ở gần đó.
Khi anh Đức đang làm công tác giảng hòa, ông Thu cho rằng anh Dũng đã chửi mình, trong khi anh Dũng khẳng định mình không chửi mà chỉ giải thích cho rõ. Nghe thấy vậy, con trai ông Thu là Nguyễn Bá Quân đang đứng ở xa phía sau lưng anh Dũng đã phi đến ôm chặt anh Dũng, rồi cầm dao đâm liên tiếp 1 nhát chạm vào sườn, 1 nhát đâm vào thận, 1 nhát vào cánh tay; một số đối tượng khác còn lao vào dùng điếu cầy quật vào người anh Dũng...
Ngay sau khi bị đâm, anh Đức và một số thợ xây của gia đình đã tiến hành cầm máu bằng áo và đưa anh Nguyễn Đức Dũng vào bệnh viện 103 cấp cứu. Theo lời các bác sỹ tham gia ca phẫu thuật, nếu nhát đâm chạm sườn sâu thêm 1cm chắc chắn tính mạng của anh Nguyễn Đức Dũng khó mà giữ nổi.
Sau khi anh Nguyễn Đức Dũng được xuất viện, Công an quận Hà Đông đã tiến hành lấy lời khai và đưa nạn nhân Nguyễn Đức Dũng đi khám thương tật tại Viện Khoa hoặc hình sự (Bộ Công an).
Ngày 17/8/2012, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội - Công an quận Hà Đông cho biết khởi tố vụ án cố ý gây thương tích xảy ra ở Tổ 6, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, TP. Hà Nội.
Điều 104 Bộ luật Hình sự quy định về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác như sau: 1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm: a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người; b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân; c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người; d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình e) Có tổ chức g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm; k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân 2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. 3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm. 4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân. Điều 13. Trách nhiệm khởi tố và xử lý vụ án hình sự Khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm khởi tố vụ án và áp dụng các biện pháp do Bộ luật này quy định để xác định tội phạm và xử lý người phạm tội. |
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.
Vũ Văn Tiến - Ngọc Cương