Xét xử vụ án thuỷ điện Sơn La: Cựu phó giám đốc Sở tố Viện kiểm sát “vô cảm” với dân
(Dân trí) - Bước sang ngày thứ 6 phiên toà xét xử vụ án thuỷ điện Sơn La, các bị cáo nguyên là lãnh đạo UBND huyện Mường La, Sở TN&MT, Sở Tài chính đều phản cung và tố vụ án có vi phạm tố tụng.
Kế hoạch 41 không phải văn bản quy phạm pháp luật?
Ngày 26/5, mặc dù là ngày chủ nhật nhưng TAND tỉnh Sơn La vẫn tiếp tục tiến hành xét xử sơ thẩm vụ án thất thoát 1,2 tỷ đồng trong quá trình bồi thường, giải phóng mặt bằng tại dự án thủy điện Sơn La.
17 bị cáo, nguyên là cán bộ, lãnh đạo các cơ quan Nhà nước trong tỉnh như Trương Tuấn Dũng - nguyên Phó GĐ Sở Tài chính; Triệu Ngọc Hoan - nguyên GĐ Sở TN&MT; Phan Tiến Diện - nguyên Phó GĐ Sở TN&MT; Phan Đức Chính - nguyên Trưởng phòng TN&MT huyện Mường La...
Các bị cáo bị truy tố về tội “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” hoặc “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Theo cáo trạng, năm 2005, công tác chi tiền bồi thường về tài sản, di dời theo hình thức “đất đổi đất” cho các hộ dân trong khu vực nhà máy thủy điện Sơn La đã hoàn thành.
Năm 2013, Chính phủ cho phép bồi thường thêm phần chênh lệch giá trị đất giữa nơi đi và nơi đến tại khu tái định cư.
Năm 2014, UBND tỉnh Sơn La ra Công văn 617 chỉ đạo UBND huyện Mường La thống kê lại diện tích đất của từng hộ và đề xuất phương án bồi thường.
Mấu chốt của vụ án bắt bắt nguồn từ việc bị cáo Trương Tuấn Dũng khi đó đương kim Phó Chủ tịch UBND huyện Mường La đã ban hành Kế hoạch 41 triển khai theo chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh đồng thời chỉ định Văn phòng đăng ký đất đai Sơn La(VPĐKĐ) và Cty Bảo Bình (ở Hà Nội) đo đạc, lập bản đồ địa chính.
Ông Trương Tuấn Dũng, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Mường La, nguyên PGĐ Sở Tài chính cho rằng, kế hoạch 41 được ban hành theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
Cơ quan tố tụng cáo buộc kế hoạch 41 nói trên không đúng chỉ đạo của UBND tỉnh Sơn La và dẫn tới việc các đơn vị khác thực hiện sai quy định về đo đạc, lập bản đồ sai rồi bồi thường “thừa” hơn 1,2 tỷ đồng cho bị cáo Đèo Văn Ban.
Cụ thể, ông Ban được bị cáo Bùi Văn Tân (cán bộ VPĐKĐ) chuyển loại đất từ đất rừng sang đất ruộng 2 vụ; được Vũ Hồng Giang (làm việc cho Cty Bảo Bình) chia, số hóa đất từ 1 thửa trên thực địa thành 97 thửa trên bản đồ....
Tại tòa, tất cả các bị cáo đều không đồng ý với bản cáo trạng truy tố họ. Trong đó, nguyên Phó GĐ sở Tài Chính - Trương Tuấn Dũng cho rằng kế hoạch 41 được ban hành theo chỉ đạo của UBND tỉnh và đây không phải văn bản quy phạm pháp luật nên không có giá trị bắt buộc; kế hoạch này đã hết hạn trước khi thực hiện đo đất đền bù...
Bị cáo nguyên là, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường La, Phó Giám đốc Sở Tài chính – Trương Tuấn Dũng đề nghị kiểm sát viên cần làm rõ tại sao CQĐT xác định sai phạm chỉ xảy ra với hộ Đèo Văn Ban nhưng Viện KSND lại cho rằng kế hoạch 41 gây sai phạm với nhiều hộ dân; cáo trạng cũng không nói rõ kế hoạch 41 của ông sai so với văn bản nào về quản lý kinh tế nhưng lại bảo ông vi phạm quy định về quản lý kinh tế...
Người được đền bù 1,2 tỉ cũng kêu oan
Bị cáo Phan Tiến Diện, nguyên Phó Giám đốc Sở TN&MT xác nhận quá trình bồi thường đất đai cho Đèo Văn Ban đã không làm theo kế hoạch 41. Ông Diện còn tố cáo VKSND tỉnh Sơn La đã vi phạm tố tụng, bắt giữ người trái phép... Bị cáo này cho rằng, cơ quan truy tố rất vô cảm khi hộ Đèo Văn Ban ở trong rừng, sống bằng nông nghiệp nên đương nhiên phải có đất sản xuất nhưng VKSND quy kết hộ của Ban với 6 người chỉ có mỗi 200m2 đất thổ cư.
Vụ án thuỷ điện Sơn La đang gây xôn xao dư luận tại tỉnh Sơn La.
Tương tự, Đèo Văn Ban – gia đình được bồi thường 1,2 tỉ cũng không nhất trí với cáo buộc trong cáo trạng và khẳng định diện tích đất của mình còn lớn hơn số diện tích đã được đền bù 1,2 tỷ đồng). Vì được bồi thường ít hơn thực tế, chính bị cáo Ban đã liên tục khiếu kiện kéo dài trong nhiều năm, vượt cấp như kết luận điều tra thể hiện.
Bị cáo Bùi Văn Tân cũng phản cung tại tòa, nói bị điều tra viên đưa cho bản có sẵn, bắt chép lại; trong toàn bộ quá trình thẩm vấn, chỉ có 1 lần ông Tân được kiểm sát viên tham gia cùng.
Ngoài ra, luật sư Trần Thu Nam cho HĐXX biết, trong quá trình điều tra, Cơ quan ANĐT tỉnh Sơn La đã ra văn bản nhằm ngăn cản các luật sư tiếp cận các tài liệu chứng cứ để bào chữa.
Ngay khi Luật sư Nam tố tại toà thì lập tức, điều tra viên đứng dậy, đề nghị luật sư nói phải có chứng cứ.
Sau đó, bên lề phiên tòa, luật sư Trần Thu Nam đã trưng ra văn bản thể hiện Cơ quan ANĐT đã gửi văn bản số 173/A92 sang Sở TN&MT tỉnh Sơn La nhằm tìm người cung cấp tài liệu liên quan vụ án.
Theo đó, Giám đốc Sở TN&MT lại ra văn bản yêu cầu rà soát, tìm hiểu xem ai là người cung cấp các tài liệu trong vụ án cho luật sư, thân nhân các bị cáo, báo chí... để báo cáo Cơ quan ANĐT. Văn bản này có đoạn: “Đây là nhiệm vụ quan trọng GĐ Sở yêu cầu thủ trưởng các phòng, đơn vị nghiêm túc triển khai thực hiện và báo cáo kết quả bằng văn bản”.
Tuấn Hợp