Có một thực tế đang diễn ra là khi nền kinh tế nước ta có bước phát triển đáng kể, mức sống của người dân được nâng lên rõ rệt thì lại nảy sinh nhiều vấn đề trong đời sống gia đình rất đáng quan tâm.
Đặc biệt là những biểu hiện về tình trạng suy thoái đạo đức gia đình. Xã hội phát triển, guồng quay hối hả của cuộc mưu sinh thường cuốn con người ta vào những lo toan, bận rộn kéo theo đó là các mối quan hệ trong gia đình trở nên lỏng lẻo, dễ bị phá vỡ hơn.
Vợ chồng ít có thời gian để quan tâm lẫn nhau, cha mẹ cũng có ít điều kiện hơn để lo lắng, săn sóc cho con cái. Tỉ lệ các vụ ly hôn đang có chiều hướng gia tăng, điều đáng nói là các vụ ly hôn đang tăng nhanh ở các cặp vợ chồng trẻ và trẻ em luôn là đối tượng chịu thiệt thòi nhiều nhất.
Cùng với đó, tình trạng bạo hành gia đình diễn ra không chỉ ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa mà còn có thể bắt gặp trong các gia đình ở các đô thị.
Đặc biệt, gần đây qua các phương tiện thông tin đại chúng nhiều vụ việc thể hiện sự xuống cấp nghiêm trọng của đạo đức gia đình bị phanh phui: anh em trong nhà xung đột, mâu thuẫn, thậm chí đâm chém nhau chỉ vì tranh giành đất đai, của cải; con cái vì lo vun vén cho cuộc sống riêng của bản thân mà phó mặc cha mẹ già nua tự lo; gia đình tan vỡ do vợ hoặc chồng ngoại tình dẫn đến ghen tuông, nghi kị…
Vừa qua, dư luận rất công phẫn về vụ việc đau lòng xảy ra ở TPHCM: Những “trí thức” là thạc sĩ - luật sư, kỹ sư, cán bộ thi hành án bạo hành cả thể xác và tinh thần người mẹ 77 tuổi già nua, bệnh tật. Những hiện tượng đáng buồn trên đang trở thành những vấn nạn nhức nhối, là lực cản đối với sự phát triển của xã hội.
Hiện tượng suy thoái văn hoá gia đình là hệ quả của nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau. Trong bối cảnh nước ta đang từng bước hội nhập sâu rộng với các nước trên thế giới về kinh tế, giáo dục, văn hoá…
Những ảnh hưởng từ những yếu tố tiêu cực của văn hoá ngoại lai đang tác động xấu đến tư tưởng tình cảm và nhận thức của một bộ phận không nhỏ các thành viên trong gia đình ngày nay. Bên cạnh đó, mặt trái của cơ chế thị trường và việc coi trọng, đề cao quá mức, thậm chí tôn sùng các giá trị vật chất đang làm bào mòn dần những quan niệm thuộc giá trị truyền thống của văn hoá gia đình.
Nhận thức được tầm quan trọng trong việc xây dựng văn hoá gia đình, nhằm nâng cao phúc lợi, đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần cho các gia đình, gần đây Đảng và Nhà nước đã có nhiều nỗ lực trong việc ban hành các chủ trương, chính sách để xây dựng gia đình.
Có thể thấy rõ điều này qua một số chủ trương, chính sách đã ban hành, thực thi như: trong giấy tờ về quyền sử dụng ruộng đất, nhà ở đã ghi tên cả vợ và chồng; chính sách tín dụng ưu đãi tạo điều kiện cho các gia đình nghèo vay vốn phát triển kinh tế; chính sách trợ giá nông nghiệp, miễn giảm thuỷ lợi phí cho nông dân; chủ trương tạo mọi điều kiện tốt nhất cho kiều bào ở nước ngoài có nhu cầu về nước định cư…
Bên cạnh việc không ngừng hoàn thiện các văn bản luật, các chủ trương chính sách về xây dựng gia đình. Để công tác xây dựng văn hoá gia đình trong thời kỳ mới phát huy hiệu quả, rất cần có sự quan tâm chỉ đạo của các cấp uỷ chính quyền ở địa phương.
Quy chế xây dựng gia đình văn hoá ở khu dân cư cần được thực hiện đồng bộ, sáng tạo, thiết thực. Theo đó, quá trình xét và công nhận gia đình văn hoá, làng văn hoá cần dựa trên những tiêu chí cụ thể, sát thực và phải được tiến hành nghiêm túc, tránh hình thức, chiếu lệ. Đặc biệt cần chống căn bệnh thành tích đang ăn sâu vào nếp nghĩ của nhiều cán bộ lãnh đạo các địa phương.
Nhìn về lâu dài, phải có chương trình giáo dục văn hoá gia đình cho học sinh, bởi đây là những chủ thể, hạt nhân của các gia đình trong tương lai. Ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, giới trẻ cần được trang bị những kiến thức nền tảng về văn hoá gia đình.
Những cách hành xử phù hợp, những bài học về mối quan hệ yêu thương, đùm bọc giữa các thành viên trong gia đình sẽ là hành trang quan trọng để mỗi người có thể giải quyết được những tình huống khó khăn trong cuộc sống.
Những mô hình về gia đình văn hoá, những tấm gương cha mẹ nuôi dạy con cái ngoan ngoãn, giỏi giang hay con cháu lễ nghĩa hiếu thuận với ông bà, cha mẹ cần được nhân rộng phổ biến.
Các cặp vợ chồng trẻ cần cập nhật, tìm hiểu kỹ luật hôn nhân và gia đình để từ đó, xác định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi người trong việc vun vén xây dựng cho tổ ấm của mình. Công tác tư vấn, giáo dục tiền hôn nhân rất cần sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể như: Đoàn thanh niên, hội phụ nữ…
Văn hoá gia đình không phải là vấn đề quá xa xôi, trừu tượng, nó thể hiện ngay trong những hành động, suy nghĩ, cách hành xử của mỗi người trong cuộc sống thường ngày.
Trong thời điểm hiện nay, khi những biểu hiện lệch lạc trong văn hoá gia đình đang có chiều hướng gia tăng, đe doạ trực tiếp đến sự ổn định và phát triển bền vững của xã hội, xây dựng văn hoá gia đình là vấn đề vừa cấp thiết vừa mang tầm chiến lược lâu dài. Và trách nhiệm trong công tác có ý nghĩa đặc biệt quan trong này là không của riêng ai.
Bùi Minh Tuấn
Giáo viên trường THPT Kim Liên - Nam Đàn - Nghệ An
LTS Dân trí - Người ta sinh ra ai cũng cần có tổ ấm gia đình. Đấy chính là cái nôi sinh thành của mọi người, nhờ đó được hưởng sự dưỡng dục của cha mẹ, rồi tiếp đến là lĩnh hội sự giáo dục của thầy cô giáo để trở thành người có giáo dục và có học, có lòng tự trọng và có ý thức trách nhiệm với gia đình, với xã hội.
Thời nào cũng vậy, gia đình luôn là tế bào của xã hội. Muốn xây dựng một xã hội văn minh, phải bắt đầu từ công việc xây dựng nền nếp văn hóa gia đình mà khi xưa ông cha ta thường gọi là gia phong.
Đấy là những yếu tố làm nên sự gắn kết bền vững những thành viên trong gia đình và họ hàng, gia tộc. Các bậc làm cha làm mẹ luôn thương yêu và hết lòng vì con cái, luôn quan tâm dạy dỗ và xứng đáng là tấm gương sáng về tình nghĩa vợ chồng, về tư cách và đạo đức, cho con cái noi theo. Ngược lại, làm phận cháu con luôn biết tỏ bày lòng kính trọng, hiếu thảo để đền đáp công ơn sinh thành và dưỡng dục của ông bà, cha mẹ.
Xây dựng gia đình văn hóa ngày nay tuy có ý nghĩa rộng lớn hơn xây dựng gia phong xưa kia, nhưng trước hết vẫn phải dựa trên nền tảng của đạo lý truyền thống dân tộc, làm nên bản sắc riêng của gia đình Việt Nam trong thời đại toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.