Xây dựng thị trường điện lực lành mạnh
Ngành điện hiện nay đang độc quyền bởi Tập đoàn Điện lực (EVN). Dư luận thì yêu cầu xoá độc quyền và Nhà nước thì đang có kế hoạch xây dưng thị trường điện lực cạnh tranh. Nhưng…
Vậy tình hình thực tế đang diễn ra như thế nào?
1) Về các nhà máy phát điện: Thông thường, một mặt hàng cạnh tranh phải dựa 2 yếu tố : Giá và chất lượng. Nhưng với điện năng về chất lượng thì như nhau (điện áp và tần số) dù nhà máy phát thuỷ điện hoặc nhiệt điện. Cụ thể khi hoà trên lười 500kV thì phải qua vài trạm biến áp để nâng điện thế lên đúng 500kV và tần số phát hiện nay phải là 50Hz. Nếu không sẽ không thể hoà vào lưới điện quốc gia.
Còn về giá bán thì phụ thuốc rất lớn vào từng loại, Thuỷ điện thì bao giờ cũng rẻ hơn nhiệt điện. Ngay cả cùng là thuỷ điện nhưng do kết cấu hồ chứa nước (phụ thuộc vào địa hình thiên nhiên, tuỳ theo độ cao của mặt nước hồ với tuốc bin…) mà giá thành khác nhau. Dù có cố gắng giảm chi phí tối đa thì nhiệt điện cũng có giá thành khá cao so với thuỷ điện. Ngoài ra giá thành của các nhà máy điện đã khấu hao hết rồi cũng thấp hơn rất nhiều giá thành của các nhà máy điện mới phát điện.
Vậy, chất lượng thì giống nhau, nhưng mỗi nhà máy điện lại buộc phải bán với một giá nhất định (tuỳ theo loại), thì làm sao có thị trường cạnh tranh được - Nhiệt điện không bao giờ có thể cạnh tranh với thuỷ điện về giá được.
2) Về Điều độ hệ thống điện quốc gia: Dù Bộ Công nghiệp hoặc EVN nắm giữ Điều độ hệ thống điện quốc gia cũng theo nguyên tắc là vận hành hệ thống điện một cách kinh tế nhất. Cụ thể vào giờ cao điểm thì phải huy động toàn bộ máy phát để cung cấp điện đẩy đủ cho toàn bộ phụ tải, nhưng vào giờ thấp điểm, công suất phụ tải giảm thấp (thường bằng 1/3 vào giờ cao điểm), lúc này buộc phải giảm các nhà máy phát điện có giá thành cao ra khỏi hệ thống (thường chỉ để lại các nhà máy thuỷ điện). Vậy thì các nhà máy nhiệt điện bao giờ cũng bị thiệt thòi hơn các nhà máy thuỷ điện (vì không được khai thác thường xuyên). Vậy thì cạnh tranh như thế nào đây ?
3) Về phân phối điện: Cũng giống như ngành nước, khi tất cả các máy bơm nước bơm vào hệ thông ống nước thì nước trong hệ thống đã hoà vào nhau. Bạn mở một vòi nước ở vị trí nào đó bạn không thể xác định được dòng nước đó xuất phát từ máy bơm nào. Điện năng cũng vậy, tất cả các nhà máy điện đều hoà chung trên hệ thống đường dây, khi bạn kết nối vào lưới điện bạn cũng không thể xác định dòng điện đó xuất phát từ nhà máy nào. Do đó mà bạn ở miền Nam không thể mua điện từ một nhà máy điện ở miền Bắc thông qua hệ thống điện quốc gia được, vì ví dụ khi nhà máy điện ở miền Bắc mà bạn mua bị sự cố ngừng cung cấp điện, thì lúc đó trên hệ thống điện vẫn còn điện (do các nhà máy phát khác bù thêm vào) và bạn vẫn sử dụng điện bình thường, vậy thì lúc này bạn trả tiền điện cho ai???
Qua nghiên cứu dự thảo Đề án xây dựng thị trường phát điện cạnh tranh vừa qua, nhận thấy chỉ là chia nhỏ quyền lực cho nhiều cơ quan, chứ không thể xây dựng thị trường cạnh tranh tuyệt đối như các ngành khác được.
Phạm Phú Chung
LTS Dân trí - Ngành điện có những đặc thù riêng, sản phẩm làm ra cũng là loại hàng hóa đặc biệt, vì vậy không dễ thực hiện sự cạnh tranh tự do trong lĩnh vực này. Tuy nhiên vẫn có thể hạn chế sự độc quyền của EVN bằng cách thực hiện đa sở hữu các nguồn phát điên cũng như việc điều độ, phân phối điên và định giá điện tùy theo nguồn cung cấp; điều hòa quyền lợi giữa những chủ sở hữu cũng như người bán và người mua dưới sự giám sát và trọng tài của Nhà nước.
Các nước trên thế giới đã làm được điều đó, mặc dù họ có cả thủy điện, nhiệt điện và điện nguyên tử. Họ làm được thì chắc rằng ta cũng làm được.