TPHCM:

Xã hội hóa công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

(Dân trí) - Từ ngày 1/7, Luật Bảo vệ Quyền lợi Người tiêu dùng chính thức có hiệu lực. Đây là tin vui đối với “thượng đế” trong việc chống lại các hành vi gian lận thương mại, hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng… Với luật này, quyền lợi Người tiêu dùng sẽ được bảo vệ.

PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tường Minh, Ủy viên Ban Thường Vụ, Tổng Thư ký Hội Chống gian lận thương mại và Hỗ trợ người tiêu dùng TPHCM (AFCA) xoay quanh sự kiện này.

Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về sự ra đời của Luật Bảo vệ Quyền lợi Người tiêu dùng. Phải chăng đây là “cây gậy” để nhà chức trách và người tiêu dùng “tuyên chiến” với vấn nạn gian lận thương mại?

Sự ra đời của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thực sự mang nhiều ý nghĩa, bởi lẽ, Luật này không chỉ là “cây gậy” của nhà chức trách và người tiêu dùng nhằm “tuyên chiến” với vấn nạn hàng giả, quan trọng hơn, Luật này thực sự là công cụ pháp lý hữu hiệu, quy định khá chi tiết về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong quá trình thực thi công tác bảo vệ người tiêu dùng.
 
Đơn cử, Luật đã dành hẳn một chương nêu khá rõ về trách nhiệm của các tổ chức xã hội tham gia công tác bảo vệ người tiêu dùng như: tổ chức xã hội được hướng dẫn, giúp đỡ, tư vấn người tiêu dùng khi có yêu cầu; Đại diện người tiêu dùng khởi kiện hoặc tự mình khởi kiện vì lợi ích công cộng; Cung cấp cho cơ quan quản lý nhà nước về hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; Độc lập khảo sát, thử nghiệm; công bố kết quả khảo sát, thử nghiệm chất lượng hàng hóa, dịch vụ do mình thực hiện…
 
Xã hội hóa công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng - 1
Ông Nguyễn Tường Minh: "Cần đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng"

Đặc biệt, trước khi Luật này ra đời, theo tôi được biết thì các nhà làm luật đã phải tham khảo khá nhiều đạo luật tương đồng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Cách thức xây dựng Luật không chỉ phù hợp với quy luật quốc tế, không đơn thuần có lợi cho người tiêu dùng mà còn là công cụ rất hữu ích cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính tự bảo vệ mình.

Thực tế, Luật Bảo vệ Quyền lợi Người tiêu dùng Việt Nam ra đời khá chậm so với các nước khác trên thế giới. Lâu nay, người tiêu dùng nước ta cũng là một trong những “thượng đế” dễ tính nhất, bởi ít ai khiếu kiện khi gặp hàng gian, hàng giả. Vậy, theo ông, Nhà nước phải làm gì để người dân “cảm” được quyền lợi tiêu dùng của mình và họ phải làm những gì để bảo vệ mình trước thực trạng hàng gian, hàng giả?.

Đây thực sự là vấn đề mà các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng rất quan tâm. Qua thực tế hoạt động trong lĩnh vực này, chúng tôi nhận thấy đúng là người tiêu dùng của chúng ta đôi khi hơi “dễ dãi”. Tỷ lệ người tiêu dùng khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại không đáng kể khiến cho tình trạng xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng, bán hàng kém chất lượng, thực phẩm không an toàn vẫn diễn ra tràn lan.
 
Mặt khác, chính việc “quá nhiều người cùng làm sai” khiến cho công tác quản lý Nhà nước trở nên quá tải và tình trạng bao che, dung dưỡng trước các sai phạm kéo dài. Thử nhìn ra thế giới, khá nhiều doanh nghiệp xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng đã phải ra “hầu tòa” và đền bù thiệt hại khá lớn cho người tiêu dùng. Đơn cử như nhà sản xuất sữa trẻ em nhiễm melamine tại Trung Quốc bị kết án chung thân, nhà sản xuất chất độc DEHP bị đề nghị 25 năm tù. Các doanh nghiệp tại Châu Âu và Hoa Kỳ nếu vi phạm tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm hàng hóa sẽ đối mặt với nguy cơ bồi thường thiệt hại lớn gấp nhiều lần giá trị hàng hóa đưa ra lưu thông.
 
Riêng vấn nạn hàng giả, tôi từng trao đổi trực tiếp với ông Murray Hiebert – Giám đốc cao cấp Phòng Thương mại Hoa Kỳ (US Chamber of Commerce) tại Khu vực Châu Á và được chia sẻ rằng: Trước khi qua Việt Nam, nỗi lo lắng lớn nhất khiến nhiều tập đoàn tại Hoa Kỳ phản ánh lo ngại đầu tư vào Châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng chính là “sự sợ hãi” vì tình trạng hàng giả. Nếu công tác chống hàng giả, hạn chế tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam thực thi tốt chắc chắn sẽ tạo ra một giá trị lớn thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào nước ta. Cần nhớ, chính Phòng Thương mại Hoa Kỳ là một trong những đối tác “thân hữu” với Việt Nam. Họ từng là một trong những cơ quan lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ cho Việt Nam gia nhập vào Tổ Chức Thương mại Thế giới (WTO).

Thị trường hiện nay đang tràn ngập các loại hàng hóa “dỏm”, người tiêu dùng phải lãnh đủ. Với việc ra đời Luật Bảo vệ Quyền lợi Người tiêu dùng, vậy cơ quan chức năng cần có những hành động cụ thể nào để bảo vệ người tiêu dùng trước “vấn nạn” này?

Thực ra, mọi người đều hiểu rằng khác với một số đạo luật chỉ có tác động trực tiếp đến một bộ phận trong cộng đồng, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng lại là đạo luật tác động trực tiếp đến toàn bộ người tiêu dùng Việt Nam. Mọi người thuộc mọi ngành nghề, giới chức cũng đều là người tiêu dùng. Chính vì thế, việc xâm phạm lợi ích người tiêu dùng nếu chỉ giao cho các cơ quan quản lý Nhà nước thụ lý chắc chắn sẽ “quá tải”.
 
Cách thức mà Luật này quy định đã được cởi mở theo hướng Nhà nước ủng hộ xã hội hóa công tác bảo vệ người tiêu dùng. Sắp tới, các cơ quan chức năng sẽ giao trách nhiệm cho các tổ chức xã hội tham gia công tác bảo vệ người tiêu dùng và định chế tổ chức này sẽ ngày càng phát huy vai trò và trách nhiệm.
 
Xã hội hóa công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng - 2
Quản lý thị trường TPHCM kiểm tra một công ty bán hàng qua truyền hình có dấu hiệu giả mạo
 
Vấn đề cốt lõi là tự thân mỗi tổ chức bảo vệ người tiêu dùng phải đưa ra cam kết hoạt động minh bạch, hiệu quả nhằm thu hút niềm tin của cộng đồng. Riêng các cơ quan chức năng, chúng tôi mong rằng phải xử phạt tăng nặng đối với các đơn vị tái phạm nhiều lần. Có răn đe và chế tài mạnh mẽ thì công tác đảm bảo sự lành mạnh trong thị trường hàng hóa mới thực sự tác dụng.

Lâu nay, người tiêu dùng ngại kiện bởi việc khiếu nại các hành vi hành xử “thô bạo” của nhân viên các công ty, các sản phẩm “dỏm”, mua rồi không được trả lại… thường ít chứng cứ. Với lại, chúng ta không có áp dụng án lệ, nhiều vụ kiện thì hy hữu lắm mới có vụ thắng. Do vậy, cần phải làm gì để người tiêu dùng “mạnh tay” hơn với các hành vi gian lận thương mại?

Điểm mới trong Luật quy định rõ có 4 hình thức xử lý tranh chấp phát sinh giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ bao gồm: Thương lượng; Hòa giải; Trọng tài; Tòa án. Riêng hình thức thương lượng đã quy định rõ nhà kinh doanh phải trả lời trong thời hạn không quá 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu thương lượng của người tiêu dùng. Người tiêu dùng được ủy quyền cho tổ chức xã hội đại diện khởi kiện ra tòa sẽ không phải nộp tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án. Và quan trọng hơn, tại tòa án, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có nghĩa vụ phải chứng minh mình không có lỗi gây ra thiệt hại cho người tiêu dùng.

Ngày nay, “người tiêu dùng thông minh”, họ biết cách khiếu nại khi quyền lợi bị xâm phạm. Thế nhưng, rất nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp bị “tố” đều cho rằng, “người tiêu dùng thông minh” này là người… nhiều chuyện, gây rối… Còn cơ quan chức năng chuyên trách thì bỏ mặc. Ai sẽ là người đứng ra minh chứng cho hành động đúng đắn này của người tiêu dùng?

Công bằng mà nói thì thực tế cũng có không ít người tiêu dùng “lạm dụng” quyền gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Thì theo Luật mới, việc này sẽ bị hạn chế theo hướng các định chế tổ chức xã hội trung gian khi làm hòa giải phải áp dụng các quy định pháp luật theo hướng công bằng.
 
Cụ thể, không ít trường hợp chỉ từ vụ việc tranh chấp nhỏ khi mua hàng hóa đã phát sinh thành mâu thuẫn nghiêm trọng vi phạm pháp luật hình sự, không ít người tiêu dùng và đại diện doanh nghiệp đòi “giết” nhau nhưng khi đến AFCA đều được giải quyết thành công. Mọi người sau đó còn ra về trong tinh thần tôn trọng lẫn nhau bởi “nghệ thuật” hòa giải của tổ chức trung gian.

Nếu có sự bắt tay giữa doanh nghiệp gian lận và cơ quan quản lý thì người tiêu dùng có bị “bịt” thông tin và việc khiếu nại có giống như “con kiến kiện củ khoai” hay không?

Trước đây, điều này vẫn có nhưng theo quy định pháp luật mới, tôi nghĩ điều này khó tồn tại nếu như mọi người đều hiểu rằng việc bao che vi phạm pháp luật về người tiêu dùng có thể gây ra những hậu quả lớn hơn trong tương lai. Và đối tượng bao che sai phạm sẽ có khả năng bị người tiêu dùng khởi kiện vì hành vi vi phạm pháp luật của mình.

Xin cảm ơn ông!

Công Quang (thực hiện)