Vụ ô tô bị hư hỏng, vứt ở bãi rác: Ai phải đền bù?

Khả Vân

(Dân trí) - Độc giả Dân trí băn khoăn, nhân viên tự ý lấy xe của khách để sử dụng thì chủ gara có trách nhiệm phải bồi thường? Nhân viên mới 16 tuổi, chủ gara có bị xử lý tội sử dụng lao động chưa thành niên?

Liên quan đến vụ việc "Mang ô tô đi rửa, hôm sau thấy xe bị hư hỏng vứt ở bãi rác", hiện công an TP Vinh đang vào cuộc xác minh, điều tra nam thanh niên 16 tuổi, nhân viên gara, người được cho là đã lái ô tô của khách rồi làm hư hỏng và vứt ngoài bãi rác.

Cơ quan công an đã mời chủ gara và nhân viên rửa xe, cùng những người liên quan đến làm việc. Tuy nhiên sau đó, nam nhân viên có tên Q. 16 tuổi, trú huyện Thanh Chương (Nghệ An) đã bỏ trốn khỏi gara.

Vụ ô tô bị hư hỏng, vứt ở bãi rác: Ai phải đền bù? - 1

Mang ô tô đi rửa, ngày hôm sau chủ xe thấy xe bị hư hỏng vứt ở... bãi rác (Ảnh: P.P).

Anh Y., chủ gara cho biết, sau khi sự việc xảy ra, anh đã phối hợp làm việc để cùng khắc phục hậu quả. Theo anh Y., chiếc xe bị hư hỏng, thiệt hại khoảng 15-17 triệu đồng. Tuy nhiên phía khách hàng yêu cầu anh Y. đền bù 76 triệu đồng. Do số tiền lớn và chưa tìm được tiếng nói chung nên 2 bên chưa giải quyết được.

Độc giả Dân trí băn khoăn, trường hợp này nhân viên tự ý lấy xe của khách để sử dụng thì chủ gara có trách nhiệm phải cùng đền bù không? Nhân viên này mới 16 tuổi, liệu chủ gara có bị xử lý tội sử dụng lao động là trẻ vị thành niên?

Giải đáp thắc mắc của độc giả, luật sư Trần Thị Hiền, Phó trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho biết, cá nhân, pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra trong khi thực hiện công việc được giao và có quyền yêu cầu người làm công, người học nghề có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật theo quy định tại Điều 600 Bộ luật dân sự 2015.

Tuy nhiên, trong trường hợp này, nam thanh niên Q. đã tự ý lấy chiếc xe của khách hàng để lái mà không được chủ gara giao nhiệm vụ, sau đó gây thiệt hại nên gara không có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại do anh Q. gây ra. Như vậy, Q. phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do chính mình gây ra. 

Đối với việc chủ gara có bị xử lý về tội sử dụng lao động chưa thành niên không, luật sư Hiền chia sẻ, người sử dụng lao động có thể thuê lao động từ 15 tuổi trở lên theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Bộ luật lao động năm 2019. Tuy nhiên, đối với người trong độ tuổi vị thành niên thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật của người đó theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 18 Bộ luật lao động 2019. Bên cạnh đó, người sử dụng lao động phải tuân thủ các quy định về thời gian làm việc, công việc và nơi làm việc theo quy định Điều 146, 147 Bộ luật lao động 2019. 

Theo đó, nếu chủ gara thuê Q. thực hiện các công việc về bảo trì, bảo dưỡng thiết bị máy móc trong gara mà chưa có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật thì sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.

Đối với hành vi sử dụng lao động chưa thành niên mà chưa có sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ của người chưa thành niên đó, chủ gara có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng căn cứ tại điểm a khoản 2 Điều 29 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.

Trong trường hợp, chủ gara thuê Q. làm các công việc bị cấm hoặc làm việc tại nơi làm việc bị cấm quy định tại Điều 147 của Bộ luật Lao động nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 29 Nghị định này.

Vụ ô tô bị hư hỏng, vứt ở bãi rác: Ai phải đền bù? - 2

Luật sư Trần Thị Hiền, Phó trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư TP.Hà Nội.

Qua vụ việc này, luật sư cũng khuyến cáo các cá nhân, pháp nhân nếu nhận người chưa thành niên làm việc tại cơ sở, đơn vị của mình thì cần tuân thủ quy định của pháp luật về sử dụng lao động chưa thành niên, bảo đảm đầy đủ quyền lợi của lao động chưa thành niên theo quy định pháp luật (về thời gian làm việc, công việc và môi trường làm việc, có hợp đồng lao động…).

Bên cạnh đó, người sử dụng lao động cũng cần có những biện pháp quản lý sát sao nhưng không mang tính bạo lực hoặc gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần của trẻ. 

Mặt khác, những gia đình có trẻ chưa thành niên cũng cần quan tâm, giáo dục và thường xuyên tương tác với các em. Nếu gia đình thật sự quá khó khăn và buộc các em phải tham gia thị trường lao động thì nên lưu ý lựa chọn công việc có điều kiện phù hợp với độ tuổi. Việc trẻ có thể giúp đỡ về mặt kinh tế cho gia đình là điều rất tốt, nhưng các bậc phụ huynh cũng cần tạo điều kiện hết mức để trẻ có quyền được đi học, được vui chơi… như các bạn đồng trang lứa.