Vụ mẹ kế đánh con riêng tàn tệ vì 1 nghìn đồng: Sắp nâng cao cấp độ phạt với hành vi bạo hành trẻ em

(Dân trí) - Vì con riêng không mang về trả lại 1.000 đồng người mẹ kế đã nhẫn tâm đánh cháu tàn tệ. Bị cáo đã phải đối mặt với án phạt đích đáng về tội tội “cố ý gây thương tích”. Luật sư cho biết, theo Luật trẻ em 2016 có hiệu lực từ ngày 01/06/2017 có thêm điểm mới về cấp độ phòng ngừa và hỗ trợ trẻ

Theo như Dân trí đưa tin trước đó, ngày 23/8/2016, Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm bác kháng cáo, tuyên y án 3 năm tù đối với bị cáo Trương Thị Thúy Ái (sinh năm 1981, ngụ huyện Gò Dầu) về tội “cố ý gây thương tích”.

Theo cáo trạng, cháu T. (8 tuổi) là con riêng của anh Nguyễn Minh Khôi. Tháng 8/2014, sau khi kết hôn với bị cáo Ái, anh Khôi đưa cháu T. về sống chung cùng với một người con riêng của bị cáo.

Sáng ngày 22/3, bị cáo đưa cho cháu T. 5.000 đồng để đi học và nói là phải mang về 1.000 đồng. Nhưng khi về, cháu T. nói là đã lỡ đã xài hết. Nghe vậy, bị cáo chặt hai cây tầm vông đánh nhiều cái vào mông, lưng, chân và vai cháu T. Sau đó lại ngắt, nhéo nhiều cái vào người cháu T.


Bị cáo Ái tại phiên tòa phúc thẩm

Bị cáo Ái tại phiên tòa phúc thẩm

Sáng hôm sau, khi cháu T. đi học thì cô giáo phát hiện trên người cháu có nhiều vết thương nên báo công an. Kết luận giám định pháp y về thương tích của Trung tâm pháp y tỉnh Tây Ninh cho thấy, tỉ lệ tổn thương cơ thể của cháu T. là 16% nên cơ quan chức năng khởi tố vụ án.

Bình luận về vụ việc ở góc độ pháp luật, Luật sư Nguyễn An, Hãng luật Cộng đồng cho rằng: Hành vi đánh cháu T của bị cáo Ái không chỉ vi phạm Bộ luật hình sự về tội cố ý gây thương tích mà còn vi phạm luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004. Cụ thể, Điều 7 quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong đó cấm hành hạ, ngược đãi trẻ em. Ngày 1/6/2017, Luật trẻ em 2016 sẽ có hiệu lực và thay thế Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Theo luật trẻ em thì hành vi hành hạ, đánh đập cháu T. của bị cáo Ái là bạo hành trẻ em quy định tại khoản 6, Điều 4 (Bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em).

“Trong vụ việc này, Ái – người đã thực hiện hành vi phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi sai trái của mình với mức hình phạt thỏa đáng. Tuy nhiên, không chỉ có người thực hiện hành vi là có lỗi, mà ở đây còn xem xét đến trách nhiệm của cha cháu T. Bởi trong quá trình điều tra, bị cáo còn thừa nhận trước đó đã nhiều lần đánh cháu T. Việc cháu T bị đánh không chỉ có lần này mà là đã xảy ra nhiều lần trước đó. Ở góc độ khác, với vai trò và trách nhiệm của mình thì cha cháu T đã quá vô tâm, thậm chí không thể đặt câu hỏi nghi ngờ liệu anh này có cố tình làm ngơ khi con bị mẹ kế đánh đập, dạy dỗ con” – Luật sư An nói.

Luật sư An cho biết thêm, trước đây các quy định pháp luật hiện nay hầu như chỉ đưa ra các biện pháp xử lý khi sự việc đã xảy ra và chưa có quy định nào cụ thể về việc phòng ngừa cho trẻ. Tuy nhiên, theo Luật trẻ em 2016 có hiệu lực từ ngày 01/06/2017, quy định cụ thể về các cấp độ bảo vệ trẻ em, trong đó có thêm điểm mới về cấp độ phòng ngừa và hỗ trợ trẻ.

Cấp độ phòng ngừa gồm các biện pháp bảo vệ được áp dụng đối với cộng đồng, gia đình và mọi trẻ em nhằm nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức về bảo vệ trẻ em, xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em, giảm thiểu nguy cơ trẻ em bị xâm hại hoặc rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.

Hiện nay, nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội đã có nhiều trung tâm xã hội trợ giúp trẻ em miễn phí đã ra đời nhằm hỗ trợ và tạo môi trường sống tốt cho trẻ em. Đơn cử, dự án “Nhà Ga xanh” trực thuộc Trung tâm Nghiên cứu Trách nhiệm Xã hội đã và đang triển khai nhằm hỗ trợ tâm lý và pháp lý hoàn toàn miễn phí cho trẻ em và thanh thiếu niên trên toàn quốc và tại các trường học với mục đích tăng cường kiến thức pháp luật và bổ sung kỹ năng sống để trẻ tự bảo vệ bản thân.

Phạm Thanh