Vụ kiện Thùy Trang - Hoa hậu Thùy Tiên: Bên thắng kiện nhận được bao nhiêu tiền?

Thế Hưng

(Dân trí) - Mâu thuẫn tranh chấp dân sự giữa Hoa hậu Thùy Tiên và Thùy Trang đã được tòa án thụ lý bằng hai vụ kiện dân sự. Nhiều độc giả thắc mắc về số tiền hoa hậu sẽ nhận được nếu thắng kiện.

Thùy Trang kiện hoa hậu Thùy Tiên

Nhận định về vụ kiện gây xôn xao giới showbiz, TS. LS. Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật Chính Pháp, đoàn luật sư Hà Nội phân tích, theo quy định của pháp luật thì người khởi kiện có quyền đưa ra yêu cầu khởi kiện nhưng cũng có nghĩa vụ để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình là có căn cứ và hợp pháp thì tòa án mới có thể xem xét chấp nhận.

Trong vụ kiện thứ nhất, nguyên đơn là bà Thùy Trang yêu cầu tòa án buộc hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên trả cho bà gần 2,4 tỷ đồng (bao gồm 1,5 tỷ đồng tiền nợ và 932 triệu đồng tiền bồi thường). Đồng thời, bà Đặng Thùy Trang buộc Thùy Tiên phải cải chính thông tin, đăng thông báo xin lỗi công khai trên ba trang báo.

Để tòa án chấp nhận yêu cầu khởi kiện này thì nguyên đơn phải cung cấp các thông tin tài liệu cho tòa án để chứng minh rằng mình đã chuyển số tiền 1,5 tỷ đồng trên cho Hoa hậu Thùy Tiên để vay và đến nay Thùy Tiên vẫn không trả lại tiền. Nếu Thùy Tiên thừa nhận đã nhận số tiền này, nhưng chưa trả thì đây là chứng cứ không phải chứng minh.

Trường hợp hoa hậu không thừa nhận là đã nhận số tiền này hoặc thừa nhận đã nhận số tiền này nhưng đã trả rồi thì nguyên đơn cần phải xuất trình các tài liệu chứng cứ như chứng cứ ghi âm, ghi hình, giấy xác nhận hoặc người làm chứng để chứng minh đã có việc chuyển giao số tiền này để cho vay. Trong trường hợp Thùy Trang không chứng minh được và có căn cứ cho thấy có chứng cứ do cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ thì cũng có thể đề nghị tòa án thu thập chứng cứ để giải quyết theo quy định của pháp luật.

Thùy Tiên có quyền lợi gì?

Đối với vụ kiện thứ hai thì theo luật sư Cường, nguyên đơn là người đẹp Thùy Tiên cũng có nghĩa vụ phải chứng minh mình đã có những thiệt hại về vật chất và tinh thần. Những thiệt hại này là những thiệt hại do hành vi của Thùy Trang gây ra, giữa hành vi của bị đơn và thiệt hại có mối quan hệ nhân quả với nhau thì tòa án mới có thể chấp nhận yêu cầu khởi kiện.

Hiến pháp và pháp luật Việt Nam ghi nhận, bảo đảm và bảo vệ danh dự nhân phẩm của mọi công dân. Theo đó, khoản 1 Điều 20 Luật hiến pháp 2013 quy định: "Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm".

Vụ kiện Thùy Trang - Hoa hậu Thùy Tiên: Bên thắng kiện nhận được bao nhiêu tiền? - 1

Hoa hậu Thùy Tiên kiện bà Thùy Trang (Ảnh: A.X.).

Ngoài ra Điều 34, Bộ luật dân sự năm 2018 cũng quy định quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của công dân như sau: "Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ".

Cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình. Thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng nào thì phải được gỡ bỏ, cải chính bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó. Nếu thông tin này được cơ quan, tổ chức, cá nhân cất giữ thì phải được hủy bỏ.

Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.

Căn cứ vào quy định của hiến pháp và bộ luật dân sự nêu trên, nếu trường hợp Hoa hậu Thùy Tiên có căn cứ cho thấy danh dự nhân phẩm của mình đã bị bị đơn xâm phạm, hành vi xâm phạm đến danh dự nhân phẩm gây ra những thiệt hại về vật chất, tinh thần về tài sản thì sẽ thu thập các tài liệu chứng cứ để chứng minh hành vi vi phạm, chứng minh yếu tố lỗi và chứng minh thiệt hại đã xảy ra làm căn cứ để tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.

Điều 592 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm như sau: Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm sẽ bao gồm: Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; Thiệt hại khác do luật quy định.

Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều 592 Bộ luật dân sự năm 2015 và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.