Vụ "giải cứu" 17 con hổ, 8 con chết: Ai chịu trách nhiệm?

Khả Vân

(Dân trí) - Trước thông tin đàn hổ 17 con do dân nuôi nhốt trái phép đang khỏe mạnh, sau khi được "giải cứu" thì chết mất 8 con, nhiều bạn đọc Dân trí chung câu hỏi thắc mắc: Ai phải chịu trách nhiệm về việc này?

Như Dân trí đã thông tin, sáng 4/8, lực lượng cảnh sát đã ập vào một nhà dân tại xã Đô Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An), bắt giữ một vụ nuôi nhốt hổ trái phép lớn chưa từng có tại xã này.

Công an đã thu giữ khoảng 17 cá thể hổ trưởng thành, có trọng lượng khoảng hơn 200 kg/con, còn sống, được nuôi nhốt trái phép trong chuồng trại của 2 nhà dân.

Sau khi hoàn tất các thủ tục cần thiết, cơ quan chức năng đã điều nhiều xe cẩu đưa 17 cá thể hổ này đến Khu sinh thái Mường Thanh Diễn Lâm, huyện Diễn Châu (Nghệ An) để nhờ chăm sóc hộ trong thời gian chờ phục vụ công tác điều tra, làm rõ.

Tuy nhiên, đến sáng 6/8, Thượng tá Trần Phúc Thịnh - Trưởng Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Nghệ An cho biết: "Đã có 8/17 con hổ bị chết chưa rõ nguyên nhân. Hiện số hổ chết này đang được cấp đông để phục vụ công tác điều tra theo quy định của pháp luật".

Trước thông tin này, nhiều bạn đọc Dân trí gửi về câu hỏi thắc mắc, đàn hổ khi được phát hiện đều đang khỏe mạnh, sau khi được "giải cứu" thì lại chết bất thường? Ai, đơn vị nào sẽ phải chịu trách nhiệm về việc này?

Vụ giải cứu 17 con hổ, 8 con chết: Ai chịu trách nhiệm? - 1

Cảnh sát điều xe cẩu đến đưa 17 cá thể hổ đi nơi khác chăm sóc (Ảnh: Nguyễn Duy).

Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, Luật sư Quách Thành Lực - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng:

Nghị định 06/2019 quy định về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp có ban hành danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm.

Theo danh mục nêu trên, hổ được xếp vào lớp thú, bộ ăn thịt, thuộc nhóm IB.

Hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ là hành có dấu hiệu cấu thành Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm theo điều 244 Bộ luật hình sự.

Với số lượng nuôi nhốt trên 12 con hổ thì hành vi phạm tội đó thuộc khoản 3 điều 244, Bộ luật hình sự.

Theo đó: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm: a) Số lượng động vật hoặc bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của 08 cá thể lớp thú trở lên, 11 cá thể lớp chim, bò sát trở lên hoặc 16 cá thể động vật lớp khác trở lên quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.

Như vậy có thể nhận thấy rằng quy trình bắt, niêm phong, quản lý các cá thể hổ này được cơ quan chức năng thực hiện theo quy trình tố tụng của một vụ án hình sự.

Vụ giải cứu 17 con hổ, 8 con chết: Ai chịu trách nhiệm? - 2

8/17 con hổ sau khi được đưa đi đã chết (Ảnh: Nguyễn Duy).

Nghị định số 127/2017/NĐ-CP, ngày 16 tháng 11 năm 2017, quy định chi tiết việc niêm phong, mở niêm phong vật chứng đã nêu rất rõ như sau:

Niêm phong vật chứng là việc bảo đảm tính nguyên vẹn của vật chứng bằng cách: a) Đưa vật chứng vào trạng thái được bảo vệ an toàn, bao gồm gói, đóng hộp, đưa vào thùng, chai, lọ và các hình thức khác (gọi là đóng gói, đóng kín) và dán giấy niêm phong đè lên những phần có thể mở để lấy, đổi vật chứng hoặc có thể tác động làm thay đổi tính nguyên vẹn của vật chứng; b) Đối với vật chứng có khối lượng, kích thước lớn hoặc không thể di chuyển được thì dán giấy niêm phong lên từng phần hoặc trên những bộ phận quan trọng của vật chứng. (Khoản 1 điều 3, Nghị định số 127/2017/NĐ-CP)

Pháp luật cũng nêu nguyên tắc niêm phong vật chứng như sau:

  1. Chỉ thực hiện niêm phong, mở niêm phong vật chứng khi có yêu cầu phục vụ hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.
  2. Bảo đảm đúng trình tự, thủ tục, hình thức, thẩm quyền theo quy định của pháp luật và quy định của Nghị định này.
  3. Bảo đảm nhanh chóng, kịp thời; bảo đảm tôn trọng lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
  4. Bảo đảm tính nguyên vẹn của vật chứng.

Như vậy, Quy định pháp luật đã quy định rất rõ yêu cầu, nguyên tắc của quản lý vật chứng là đưa "vật chứng vào trạng thái được bảo vệ an toàn"; "Bảo đảm tính nguyên vẹn của vật chứng". Các cá thể hổ được nuôi nhốt còn hoàn toàn khỏe mạnh, chúng chỉ chết khi cơ quan chức năng thực hiện niêm phong quản lý vật chứng.

Rõ ràng trong vụ việc này, hổ là động vật nguy hiểm, có kích thước lớn, đang được nuôi nhốt dù trái phép nhưng cũng ở nơi an toàn, đủ điều kiện để cơ quan chức năng giám sát.

"Tôi đánh giá rằng những người thực thi pháp luật hoàn toàn có thể vận dụng quy định pháp luật xử lý "với vật chứng có khối lượng, kích thước lớn hoặc không thể di chuyển được thì dán giấy niêm phong lên từng phần hoặc trên những bộ phận quan trọng của vật chứng" quy định tại điểm b, khoản 1 điều 3, Nghị định số 127/2017/NĐ-CP để xử lý",  Luật sư Lực chia sẻ.

Theo đó, cơ quan chức năng hoàn toàn có thể dán niêm phong lên cửa khóa của chuồng nuôi nhốt, tổ chức lực lượng 2-3 chiến sĩ túc trực bảo vệ là đã hoàn toàn có thể đạt được mục đích bảo quản vật chứng phục vụ hoạt động điều tra.

Chi phí dán giấy niêm phong có thể chỉ vài chục nghìn đồng đã đạt được mục đích chứ không phải huy động, chi trả chi phí có thể lên tới cả trăm triệu đồng rồi đi đến hậu quả vật chứng chết gần nửa.

Ở đây chúng ta không phải niêm phong lên Vật chứng là động vật, thực vật sống mà là niêm phong tại lồng, ổ khóa hiện đang quản lý vật chứng. Điều này là hoàn toàn phù hợp với quy định tại điều 5, Nghị định số 127/2017/NĐ-CP.

Luật sư Lực cho rằng, cơ quan chức năng song song với việc xử lý trách nhiệm của cá nhân nuôi nhốt trái phép hổ về Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm theo điều 244 Bộ luật hình sự thì cũng cần điều tra nguyên nhân gây ra cái chết của 8 cá thể hổ trong hoạt động thu giữ, niêm phong, bảo quản.

Không loại trừ khả năng phải xem xét xử lý trách nhiệm các cá nhân về Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng do đã thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.