Nhiều tai nạn do hố công trình đang thi công:

Vô trách nhiệm hay tội ác?

Mùa mưa năm nay, hàng loạt tai nạn đã xảy ra liên quan đến các hố sâu công trình trên gần 80 tuyến đường của TPHCM. Nhiều người bị thương nặng, có những trẻ em đã chết. Điều đó đặt ra câu hỏi: trách nhiệm thuộc về ai?

Chỉ trong tháng 7, nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra do các hố sâu công trình đang thi công không được rào chắn cẩn thận và không có biển cảnh báo. Một em bé mải chạy theo trái banh của mình mà ngã xuống hố sâu rào chắn sơ sài, đã bị chết; một nhóm trẻ đùa nghịch chạy vào hố sâu công trình tắm bị chết đuối; một anh thanh niên do quá chén, tránh xe bất ngờ lao vào lề đường rồi rơi tõm xuống giếng thoát nước, dẫn đến cái chết tức tưởi! v.v… 

Về tai nạn em bé chạy theo quả banh sa xuống hố sâu công trình, đơn vị thi công đã thừa nhận trách nhiệm về mình. Vụ anh thanh niên quá chén rơi xuống giếng thoát nước không có nắp đậy thì nhà thầu cù cưa không chịu nhận trách nhiệm vì họ vừa nhận bàn giao từ một nhà thầu khác… Nhưng dù có nhận đi nữa, các đơn vị này cũng chỉ phải bồi thường nếu có người chết, hỗ trợ một phần chi phí điều trị cho người bị thương. Còn thương tật và mất mát lâu dài thì người bị nạn lãnh đủ?!

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Sau khi các tai nạn này xảy ra, các quan chức ngành giao thông đã họp khẩn trong ngày 29/7, nhưng các vị lại đi đến kết luận là: trách nhiệm chủ yếu thuộc về người dân. Do những đứa bé tinh nghịch đi tắm trong hố công trình, do anh thanh niên say xỉn… Nhưng thử hỏi, nếu những công trình ấy được rào chắc chắn thì sao những đứa bé vào được, sao anh thanh niên rơi xuống hố được?

Mỗi ngày các tuyến đường TPHCM có 20 triệu lượt người đi lại, và trên các tuyến đường của TPHCM cũng có khoảng 200 hố sâu đang được rào lại để lắp đặt cống thoát nước. Chỉ cần lắp đặt rào chắn cẩn thận cho 200 hố sâu ấy để đảm bảo an toàn cho 20 triệu lượt người/ngày mà các đơn vị thi công bỏ lơ, xảy ra tai nạn thì các cơ quan chức năng cho là: “Lỗi tại người dân”. Điều này đã đúng thực chất hay chưa?

Với 20 triệu lượt người đi lại mỗi ngày, hàng triệu tình huống giao thông có thể xảy ra… dẫn đến khả năng người tham gia giao thông ngã xuống hố sâu công trình nếu nó không được rào chắn cẩn thận và có biển cảnh báo rõ ràng.

Phải nhấn mạnh rằng, yếu tố đầu tiên trong trách nhiệm thi công là phải đảm bảo an toàn cho người đi lại nhưng hầu như các nhà thầu rất coi thường trách nhiệm này mà nguyên nhân chính là do họ thiếu tôn trọng an toàn tính mạng cho người dân và khi sự cố xảy ra thì không bị xử lý nghiêm minh.

Lái xe phóng nhanh vượt ẩu gây tai nạn chết người được xem như tội ác, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật; người dân gài dây điện chống trộm vô tình gây chết người cũng phải lãnh án… Vậy tại sao nhà thầu đào hố thi công mà không rào, chắn cẩn thận để dân ngã vào chết lại không bị đưa ra xét xử và lãnh án? Có nên xác định hành động vô trách nhiệm đó là một tội ác hay không? Bồi thường và phạt hành chính đã đủ sức răn đe hay chưa khi tai nạn kiểu này xảy ra ngày càng nhiều?

Ngoài ra, Sở Giao thông Vận tải là đơn vị quản lý; cho phép rào hay không là do Sở; xác định rào chắn đủ đảm bảo an toàn hay không để cho phép thi công cũng là quyền của Sở; giám sát, thi hành xử phạt và buộc các nhà thầu tuân theo quy định an toàn cũng là Sở… 

Như vậy, để xảy ra tai nạn thương tâm do hố sâu công trình đang thi công không chỉ là trách nhiệm của nhà thầu mà còn là trách nhiệm của cơ quan quản lý là Sở Giao thông Vận tải. Hơn nữa, nếu gây ra tại nạn nghiêm trọng làm tổn thất tính mạng nhân dân thì đấy thật sự là một tội ác, phải bị pháp luật nghiêm trị.

Tùng Nguyên

LTS Dân trí - Tai nạn gây nên do hố sâu thi công trên đường mà không có rào chắn cẩn thận cũng như không có biển báo từ xa đã xảy ra khá phổ biến không chỉ ở TP Hồ Chí Minh mà còn ở nhiều nơi trong phạm vi cả nước. Hầu hết nhứng tại nạn đó là do cách làm ăn cẩu thả, vô trách nhiệm của cả đơn vị thi công và cơ quan quản lý những đơn vị này.

Để bảo đảm an toàn, trật tự giao thông, nhất là bảo đảm tính mạng của người dân, các đơn vị thi công những công trình ngầm cần đào những hố sâu trên mặt đường hoặc lề đường đều phải có biển báo và rào chắn cẩn thận. Các cơ quan chức năng có trách nhiệm quản lý cần thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các đơn vị thi công và xử phạt nghiêm minh nếu họ không thực hiện đúng những điều khoản bảo đảm an toàn thi công. Chỉ có như vậy mới khắc phục được những tại nạn đáng tiếc và bất ngờ xảy ra đối với người dân tham gia giao thông.