Vợ tôi có 2 giấy khai sinh khác nhau, thủ tục làm căn cước thế nào?

Hải Hà

(Dân trí) - Vợ tôi tên là Nguyễn Thị Tùng Lâm, có hai giấy khai sinh khác nhau. Một giấy khai sinh của bố mẹ đẻ ở Hoằng Hóa, Thanh Hóa, lấy tên là Hoàng Thị Lâm.

Tuy nhiên khi còn nhỏ, vợ tôi được gia đình cậu mợ nhận nuôi do không có con, nên được khai sinh và nhập hộ khẩu với tên Nguyễn Thị Tùng Lâm và làm chứng minh nhân dân với tên này. 

Sau này, khi lớn lên về ở với bố mẹ đẻ vợ tôi lại làm thẻ Căn cước công dân với tên Hoàng Thị Lâm (bản cũ chưa gắn chíp). Hiện tại, giấy tờ từ khi đi học đến khi đi làm của vợ tôi đều mang tên Nguyễn Thị Tùng Lâm. Tôi muốn hỏi, vợ tôi có được cấp thẻ Căn cước công dân mới với tên Nguyễn Thị Tùng Lâm hay không và thủ tục, điều kiện để được cấp như thế nào?.

Câu trả lời:

Bộ Công an cho biết, theo như thông tin công dân cung cấp thì vợ công dân hiện đang có hai tên, hai giấy đăng ký khai sinh khác nhau và hai giấy tờ tùy thân (giấy chứng minh nhân dân mang tên Nguyễn Thị Tùng Lâm, căn cước công dân mang tên Hoàng Thị Lâm). Theo quy định của pháp luật về hộ tịch thì mỗi người chỉ được cấp 01 giấy khai sinh, do vậy căn cứ theo quy định khoản h Điều 70 Luật Hộ tịch năm 2014 thì bà Lâm cần đến UBND xã có công văn đề nghị UBND cấp huyện hủy bỏ và thu hồi 01 giấy khai sinh.

Do công dân không cung cấp đầy đủ thông tin nhân thân của vợ nên không tra cứu được trong hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có tồn tại 02 dữ liệu dân cư với 02 tên khác nhau; 02 nơi đăng ký thường trú hay 02 số định danh cá nhân hay không. 

Do vậy, sau khi bà Lâm đã được hủy bỏ một giấy khai sinh thì đề nghị bà liên hệ với Công an cấp xã nơi đang thực tế cư trú (đã đăng ký thường trú) để được hướng dẫn giải quyết hủy kết quả giải quyết đăng ký thường trú trái quy định của pháp luật. Sau khi công dân được giải quyết các thủ tục nêu trên thì đến Cơ quan quản lý căn cước (Công an cấp huyện hoặc phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an cấp tỉnh) để thực hiện thủ tục cấp căn cước theo quy định.