"Việc xả rác bừa bãi tại các điểm du lịch ở Việt Nam đáng báo động!"
(Dân trí) - "Tôi thời gian gần đây đã không còn đi du lịch ở trong nước nữa vì rác quá nhiều, từ Phú Quốc, Mũi Né, Đà Lạt bây giờ đến Hạ Long, đi đến đâu cũng bị bao vây bởi rác thải, nhất là ở các vùng biển".
Đọc bài viết Du khách nước ngoài: Nếu biết vịnh Hạ Long ô nhiễm như vậy đã không đến tôi thực sự lo lắng cho ngành du lịch không khói của Việt Nam. Nguyên nhân theo tôi phần lớn là do sự ý thức của người dân, và kế đến cũng không thể không nói đến sự thờ ơ của các cơ quan hữu trách!", độc giả Mai Family gửi bình luận về báo Dân trí.
Cùng ý kiến với bài viết của du khách, nhiều độc giả cùng chung nỗi niềm: "Đúng vậy, có lần công ty tổ chức đi Hạ Long, Cẩm Phả mà nước biển đầy dầu, xuống tắm mà lúc lên đen xì đầy dầu trên người, bới lớp cát bên trên tầm 5cm thấy bên dưới đen ngòm. Người Việt còn thấy chán huống gì người nước ngoài họ đi bao nhiêu km tới xem kì quan thiên nhiên thế giới, buồn quá", độc giả Cuong Chu.
Là người tổ chức tour du lịch tại Quảng Ninh gần 20 năm, độc giả Đinh Quốc Thư cho biết "Tình trạng này đã xảy ra rất lâu rồi không hiểu sao vẫn chưa có cách sử lý! Mỗi lần đưa khách tham quan tôi thực sự cảm thấy xấu hổ. Nếu không có biện pháp xử lý sẽ rất ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Việt Nam! Rất buồn!".
Độc giả Linh Giang Nguyen so sánh: "Tôi cũng thấy Hạ Long cứ như cái cống nước thải ra biển vậy. Các nhà hàng toàn thải ra biển luôn, mình đến đây thường chỉ ở trong khách sạn và không ra biển".
Độc giả Phan Trọng băn khoăn: "Suốt bao lâu nay các cơ quan quản lý thu phí bảo vệ môi trường, và chắc chắn những tầu du lịch rồi người nuôi trồng thủy sản lồng bè cũng phải đóng khoản tiền môi trường này. Vậy số tiền thu để bảo vệ môi trường, cơ quan quản lý, chính quyền địa phương thu xong đã để làm gì... mà để mặc cho môi trường bị ô nhiễm toàn rác thải như vậy.
Chả nhẽ các công ty vệ sinh môi trường, ban quản lý vịnh Hạ Long không đầu tư mua nổi vài cái tầu vớt thu gom rác trên mặt biển, mà vẫn làm việc kiểu đối phó, với vài cái thuyền cùng vài công nhân cầm cái vợt rác không lớn hơn cái vợt cầu lông, đi vớt rác trên mặt vịnh Hạ Long rộng hàng trăm hàng ngàn hecta như vậy bao năm mà vẫn không thay đổi sao...".
Độc giả Văn Khoa Nguyễn lo lắng, cho dù TP Hạ Long và tỉnh Quảng Ninh có tổ chức tuần, tháng hay năm du lịch gì, có làm hoành tráng đến đâu, thì chỉ cần một bài viết như vậy của khách du lịch quốc tế là mọi thứ sẽ thành công cốc.
"Gia đình mình có kế hoạch đi tham quan Hạ Long mà đọc bài này kèm với hình ảnh đã từ bỏ ý định đi luôn rồi. Thật buồn thay cho cách chúng ta hành xử đối với một danh lam thắng cảnh nổi tiếng không chỉ của Việt Nam mà của toàn thế giới, và tự hỏi không biết bao giờ người Việt chúng ta mới có ý thức bảo vệ môi trường", độc giả Nguyen Hoang Oanh.
Thực trạng chung không chỉ của riêng Hạ Long
Đó là ý kiến của độc giả Michel: "Thực trạng việc xả rác bừa bãi ở các điểm du lịch ở Việt Nam rất báo động, không chỉ ở Hạ Long, ngay tại bờ Hồ Gươm, hay chân cầu Long Biên, các điểm du lịch khác... nơi rất nhiều khách nước ngoài nhưng rác khắp nơi, mùi khai do người dân tiểu bậy nồng nặc. Những du khách nước ngoài đến từ các nước phát triển, môi trường sạch sẽ chắc hẳn họ phát sợ với tình trạng rác thải và mùi hôi thối như vậy".
"Tôi thời gian gần đây đã không còn đi du lịch ở trong nước nữa vì rác quá nhiều từ Phú Quốc, Mũi Né, Đà Lạt bây giờ đến Hạ Long, đi đến đâu cũng bị bao vây bởi rác thải, nhất là ở các vùng biển. Tôi không so sánh Việt Nam với các nước phát triển nhưng vừa rồi đi Campuchia thì đã thấy Việt Nam mình bẩn hơn hẳn mặc dù lượng khách du lịch chưa chắc đã đông hơn.
Họ không chỉ quản lý rác thải tốt hơn mà các nhà vệ sinh ở địa điểm du lịch đều được dọn dẹp sạch sẽ hơn mình. Tôi nghĩ tất cả đều phải quay lại về giáo dục ý thức cho người dân địa phương kèm theo chế tài. Hy vọng nhà nước sẽ thực sự nhìn thấy sự nghiêm trọng của vấn đề và hành động sớm", độc giả Hung Nguyen.
Chia sẻ kinh nghiệm bảo vệ môi trường biển của một số quốc gia, độc giả Hưng Trần viết: "Mình chưa từng đi vịnh Hạ Long nhưng đi đảo Phi Phi ở Thái Lan rất nhiều, dựa trên hình ảnh thì 2 nơi đó na ná giống nhau. Ở đó rất nghiêm ngặt về bảo vệ môi trường, nếu có ai bị quay clip hay chụp được ảnh xả thải ra môi trường biển thì họ sẽ bị bắt bỏ tù (sự thật), người chở khách du lịch thấy khách xả thải mà không ngăn cản sẽ bị cấm kinh doanh ở đó. Các resort thường xuyên thuê người dọn dẹp bãi biển vì họ muốn tự bảo vệ miếng cơm của mình chứ không như ở VN".
"Việt Nam làm du lịch mà rác khắp mọi nơi. Khách không thể nào muốn quay lại. Qua Trung Quốc thôi, mấy thành phố, thị trấn giáp biên giới VN, như Mông Tự, Tịnh Tây, thị trấn Kiến Thủy... Bên họ sạch từ đường cao tốc, đường phố. Điểm thăm quan thì khỏi cần nói, sạch như nào", độc giả Khánh Hòa Đoàn.
Độc giả Cuong Le cho rằng, ô nhiễm môi trường là vấn nạn của các nước đang phát triển, muốn làm được việc này thì thay đổi từ tư duy và thói quen con người "Đi đâu cũng thấy cái biển cổng chào khu phố văn minh, gia đình văn hóa... nhưng hành động thì không có văn minh: chó thả rông, vứt rác bừa bãi, lấn chiếm vỉa hè... Cần lắm những xử lý ngay từ đầu để đánh vào ý thức người dân".