Vì sao học sinh ngày càng lười phát biểu?
(Dân trí) - Ngày nay ở các trường phổ thông có hiện tượng khá phổ biến là học sinh càng học lên lớp cao hơn, càng lười phát biểu ý kiến xây dựng bài. Vì sao có hiện tượng như vậy?
Trường tôi, bảy, tám năm về trước, mỗi khi nhà trường, đoàn thanh niên phát động phong trào thi đua Dạy tốt Học tốt nhân những ngày lễ lớn thì tinh thần học tập, hăng hái phát biểu bài trong lớp của học sinh có khí thế hào hứng sôi nổi hẳn lên! Sau tiết học, thầy trò bước ra khỏi lớp cảm thấy lòng dạ nhẹ nhàng, nét mặt rạng, tươi. Còn mấy năm gần đây, cũng phát động như thế, còn đưa ra nhiều biện pháp kích thích, thúc đẩy phong trào, nhưng không khí vẫn trầm lắng, không thu được kết quả như các năm trước.
Có dịp đi dự giờ thăm lớp và trao đổi với nhiều đồng nghiệp trường khác, trường chuẩn quốc gia, trường thành phố hẳn hoi, thì cũng nhận thấy không khí tương tự như thế. Giáo viên ngồi lại với nhau tâm sự cùng nỗi niềm trăn trở trước thực trạng học sinh thụ động, không chịu phát biểu xây dựng bài. Đấy là vấn đề làm đau đầu đối với thầy cô giáo ở nhiều trường phổ thông hiện nay.
Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn |
Để khắc phục sự im lặng như tượng đá của học sinh trong các giờ học, có giáo viên đã dùng "chiêu" cộng, thưởng điểm, hoặc miễn cho bài những bài kiểm tra 15, 1 tiết trở lên, đương nhiên cũng có tác dụng nhất định, song không duy trì được lâu, vì xung phong phát biểu bài chỉ quanh quẩn có một số ít em học khá, giỏi mà thôi. Ngay cả chương trình phân ban, được đánh giá là tốt, sẽ khơi dậy được vai trò chủ thể tích cực của học sinh. song thực tế, dần dà, càng về sau càng trầm lắng. Rất nhiều Thầy cô, trong giờ dạy, đặt câu hỏi ra, rồi tự trả lời luôn, vì chờ cho các em giơ tay phát biểu thì có hết giờ, cháy giáo án. Người thầy, cô giáo sẽ buồn chán, không khí giờ dạy- học sẽ đơn điệu biết bao, khi thiếu vắng những cánh tay học trò giơ lên. Nói rộng và sâu xa ra, sự lãnh đạm, thụ động, ít hoặc không phát biểu trong giờ học của học sinh phổ thông, không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học trong hiện tại mà còn có tác động tiêu cực sau này. Điều đó sẽ tạo ra những thế hệ người lao động, đội ngũ trí thức luôn nhút nhát, e dè, sợ sệt khi phát biểu trước đám đông, thiếu bản lĩnh, tự tin trong giao tiếp, không dám nói lên sự thật, chống lại cái sai trái...
Theo chúng tôi, để tìm lời giải cho thực trạng trên không phải là quá khó, vấn đề là chúng ta có dám nhìn thẳng sự thật và làm thật, làm kiên quyết hay không? Để giải quyết tốt cho nguyên nhân thứ nhất của vấn đề, đương nhiên cần tới nhiều biện pháp, nhưng theo tôi biện pháp quan trọng nhất là thầy cô giáo được giao nhiều "quyền lực" hơn trong xử lí đối với những học sinh lười học, học yếu kém, không bao giờ phát biểu trong lớp, chẳng hạn, buộc những học sinh đó phải ở lại lớp, chứ không chịu bất cứ sức ép nặng nề nào. Mặt khác, trình độ chuyên môn, khả năng truyền đạt, phương pháp sư phạm của mỗi thầy cô cũng được xem là có tính quyết định tạo không khí, tinh thần học tập tích cực, sôi nổi... trong học sinh. Muốn có được điều đó, không những đòi hỏi các trường sư phạm cần đào tạo, trang bị cho sinh viên mình những kiến thức, phương pháp cơ bản nhất, tốt nhất, mà còn cần sự nỗ lực, trau dồi, củng cố thường xuyên ở bản thân mỗi thầy cô giáo về kiến thức khoa học cũng như các phương pháp dạy học hiện đại , tích cực...trong quá trình giảng dạy. Nếu thầy cô giáo giỏi chuyên môn và có tâm huyết với nghề, thì tất nhiên sẽ biết cách khơi gợi tạo ra sự hứng thú và cuốn hút học sinh hăng say học tập và thích phát biểu ý kiến trong lớp để xây dựng bài học.
Đỗ Tấn Ngọc
Quảng Ngãi
LTS Dân trí - Kết quả dạy và học theo phương pháp tích cực được thể rõ ở không khí sinh động trong lớp học, thầy giáo giảng bài có sức cuốn hút và gợi mở, còn học sinh hào hứng tham gia phát biểu ý kiến để xây dựng bài.
Tạo nên không khí sinh động đó của lớp học, công lao chính thuộc về Người Thầy vừa có kiến thức sâu rộng về môn dạy mà mình phụ trách vừa có phương pháp sư phạm tốt và nắm sát trình độ học sinh cũng như mục tiêu của mỗi môn học và từng giờ học. Đấy là điều cốt lõi nhất, còn việc phát động các đợt thi đua chỉ có tính chất hỗ trợ cho Thầy và trò nâng cao thêm ý thức tự giác thực hiện nhiệm vụ dạy và học theo đúng tinh thần chủ động và sáng tạo.