Vì sao có sự bất đồng về chuyện “tôn vinh tiến sĩ”?
Lưu lại di sản của các nhà khoa học Việt Nam là một ý đồ tốt, tuy muộn mằn nhưng phải là người đã từng chắt chiu di sản tốt đẹp của quá khứ mới đề xuất ra được ý tưởng này.
Người đưa ra ý tưởng đó là ông Nguyễn Văn Huy, nguyên giám đốc bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.
Các công trình khoa học đã công bố của các nhà khoa học thì có thể dễ tìm kiếm vì đã được lưu trữ lâu dài ở sách báo, thư viện, kho tư liệu... và nay còn có thể được đưa lên mạng, nhưng những di sản riêng của họ cũng có những giá trị khác nhau cần được bảo tồn. Có lẽ chúng đã mai một hoặc thất lạc khá nhiều, cần sớm tỉnh ngộ để cứu vớt lại.
Trong một bảo tàng ở nước ngoài, tôi đã rất xúc động khi ngắm cái bàn làm việc của một nhà văn trên đó la liệt và rất bừa bộn những vật dụng mà nhà văn dùng trong công việc và sinh hoạt của mình. Tôi hình dung ra rất cụ thể tấm gương gian khổ sáng tạo cũng như cuộc sống không mấy sung túc của danh nhân. Ở nước ta, rất nên có nơi lưu lại những di sản tương tự của các nhà văn và nhà khoa học có công với dân, với nước.
Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn |
1. Tư liệu lịch sử sống về các tiến sĩ đương đại (Báo VietNamNet ngày 20/09/2008)
2. Cần có một Văn Miếu đương đại (Báo Người lao động ngày 28/09/2008)
Sự vụng về gây hiểu lầm chính là ở từ “tiến sĩ” (ở bài trên) và từ “Văn Miếu” (ở bài dưới).
Dư luận rộ lên phản đối gay gắt và dai dẳng chính là do các từ này.
Về từ “tiến sĩ”. Quả là không thể lưu lại di sản của tất thảy 16 ngàn tiến sĩ đương đại, vì nhiều khi bản thân cái bằng tiến sĩ của họ đã không giá trị thì “di sản” quanh cái bằng ấy phỏng có giá trị gì? Vả lại khái niệm “di sản” chưa được làm rõ. Nếu, giả sử, có vị tiến sĩ bê cả cái bàn hoặc căn phòng mà ông ta đã dùng để viết luận án thì 25 hecta đất e rằng vẫn không đủ chỗ.
Nếu thay từ “tiến sĩ” bằng “nhà khoa học có công” (hoặc một từ khác tương tự) thì đỡ gây phản cảm.
Về từ “Văn Miếu”: Giả sử, nếu chúng ta có thành lập được một nơi lưu trữ và trưng bày những hiện vật có giá trị thật sự, liên quan đến cuộc đời của những nhà khoa học có công với dân, với nước, thì cũng không nên gọi là “Văn Miếu”, dù là Văn Miếu đương đại.
Ngày xưa, Văn Miếu tôn vinh người giỏi làm “văn”, triển vọng thành “quan văn”, mà chưa thể tôn vinh khoa học. Khi đó làm gì đã có các nhà khoa học để mà tôn vinh? Lưu danh trên bia đá thời xưa chỉ thuần tuý là tôn vinh và khuyến khích nghiệp học, do vậy ai thành công trong học tập đều xứng đáng được tôn vinh. Cũng do vậy, thành công của quá trình dùi mài kinh sử (đánh dấu bằng học vị tiến sĩ) chưa nói lên thành công trong văn nghiệp sau khi được vinh danh trong lễ xướng danh.
“Phó tiến sĩ”
Nhiều bạn đọc phát biểu rằng trong 16 ngàn cái bằng tiến sĩ đương đại có nhiều bằng “không thật”, do vậy không thể tôn vinh cả 16 ngàn vị này. Điều này không sai. Chính những người chủ trương thu thập di sản tiến sĩ cũng nghĩ như vậy - nếu chúng ta đọc hai bài nói trên sẽ thấy rõ.
Có bạn nói, rất nhiều bằng tiến sĩ của ta chỉ là sự chuyển đổi từ cái bằng “phó tiến sĩ” của Liên Xô sang (sau khi chế độ XHCN ở Liên Xô sụp đổ), do vậy không đáng tôn vinh.
Tiện đây, tôi xin nói rằng từ “phó tiến sĩ” là một từ vô nghĩa, phải sửa, nếu muốn tiếng Việt của chúng ta lành mạnh và trong sáng. Bởi lẽ “phó” là một chức, chỉ có trong hệ thống các chức vụ (gắn với con người), mà không thể có trong hệ thống bằng cấp (là mảnh giấy chứng nhận trình độ). Chỉ có chuyện con người này là cấp phó của con người kia (về chức vụ); chứ không có chuyện tấm bằng này phải làm... cấp “phó” cho tấm bằng kia: chúng vô tri vô giác với nhau. Do vậy, phải xoá bỏ cái từ “phó tiến sĩ” bị dịch sai từ candidat (dự ứng viên) tiếng Nga. Ở nước Nga thời Liên Xô, nó hàm ý rằng người mang tấm bằng này là nguồn dự trữ để đào tạo tiến sĩ - tức là người chính thức đứng trong giới nghiên cứu khoa học.
Hệ thống bằng cấp trên đại học của Liên Xô xưa rất nặng nề: bằng candidat khoa học tuy được các nước Âu-Mỹ xếp ngang với bằng tiến sĩ (Ph.D) của họ, lẽ ra có thể chính thức được coi là nhà nghiên cứu (như ở Âu-Mỹ) thì Liên Xô đòi hỏi phải có thêm bằng tiến sĩ (tương đương tiến sĩ khoa học ở Âu-Mỹ) mới được ứng cử chức danh giáo sư. Do vậy, nó gây lãng phí, vì một candidat nghiên cứu để lấy bằng tiến sĩ (cộng với loay hoay viết luận án lần thứ hai) rất tốn thời gian và rất khác với nghiên cứu giải quyết các vấn đề thực tiễn.
Tiến sĩ “thứ thiệt” cũng chưa đáng được tôn vinh
“Tiến sĩ” là từ ngữ chỉ một học vị thời xa xưa của ta, với nội hàm rất xác định; nay được vay mượn để chỉ một tấm bằng mà chúng ta du nhập từ các nước có nền khoa học đi trước ta. Có thể vay mượn từ ngữ, nhưng khi cần thì không được phép lẫn lộn khái niệm: bằng tiến sĩ thời nay khác với quan niệm thời xưa.
Thời nay, trang thiết bị để nghiên cứu khoa học không rẻ chút nào; do vậy cần trao vào tay những người có năng lực nhất. Một nước nghèo lại càng phải thế. Nghĩa là phải tuyển chọn chặt chẽ. Tuyển chọn ngay từ khi thi vào làm nghiên cứu sinh (học sinh tập nghiên cứu). Rồi sàng lọc, nghĩa là không phải 100% nghiên cứu sinh sẽ thành tiến sĩ.
Như vậy, thời nay khác thời xưa, tiến sĩ chỉ là tấm bằng công nhận đương sự có khả năng làm nghiên cứu khoa học, mà chưa có thành tựu khoa học. Thế thì đã có gì mà phải thu thập di sản để tôn vinh, cho dù bằng cấp này là “thứ thiệt”? Thiếu gì các vị tiến sĩ “thứ thiệt” không tiếp tục nghiên cứu - do đủ thứ nguyên nhân, ví dụ do thiếu trang thiết bị; hoặc do kiếm bằng chỉ để củng cố cái ghế chức vụ hành chính... vân vân. Rồi thiếu gì các vị tiến sĩ không thành công trong cả cuộc đời nghiên cứu của mình?
Có một số không nhỏ tiến sĩ nước ta được học bổng đi làm tiến sĩ khoa học ở nước ngoài với thời gian hai năm. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu họ còn trẻ (lứa tuổi tam thập hoặc mới tứ thập). Rõ ràng, tấm bằng thứ hai này cao hơn, và nếu hiếu danh thì còn thấy oai hơn, tấm bằng tiến sĩ chuyên ngành (có người quen miệng gọi là “tiến sĩ thường”). Trong số này không thiếu những người trước đây là “phó tiến sĩ” được đào tạo ở các nước thuộc phe XHCN - vốn rập khuôn toàn diện theo mô hình XHCN của Liên Xô. Do vậy, tuổi tác của họ đã khá cao, có người đã ở tuổi sắp ngũ thập, hoặc hơn. Có người đã là phó giáo sư, thậm chí là giáo sư của nước Cộng hoà XHCN Việt Nam; bản thân họ đã trực tiếp đào tạo được tiến sĩ.
Nếu muốn đùa cho vui, chúng ta có thể nói rằng thuở xưa, có cụ 70 tuổi còn mang lều chõng đi thi thì đã sao; nhưng để nghiêm chỉnh, chúng ta phải đặt câu hỏi: có lãng phí không? Lãng phí ở chỗ để một người đã trưởng thành về khoa học bỏ ra 2 năm chỉ để hoàn thiện vài ba công trình sẵn có và loay hoay viết một cái luận án. Tôi quen biết nhiều vị trong số này và rất thông cảm những lý do để họ đi thi tiến sĩ khoa học. Do điều kiện trang thiết bị nghiên cứu và nguồn tư liệu hạn hẹp ở trong nước thì nguyện vọng cập nhật của họ là rất chính đáng; trong điều kiện sinh hoạt quá thiếu thốn ở thập niên 80 và 90 thì sự xuất ngoại của họ còn mang ý nghĩa “cứu nhà”... Số người hiếu danh là rất ít.
Dẫu sao, thời nay chúng ta không tôn vinh bản thân mảnh bằng tiến sĩ, dù là tiến sĩ khoa học. Cái đáng tôn vinh là sự nghiệp khoa học đáng giá của nhà nghiên cứu, dù ông ta có bằng tiến sĩ hay không. Do vậy mà chúng ta quý trọng và thu thập những di sản liên quan đến sự nghiệp khoa học và cuộc sống cao đẹp của con người làm nên sự nghiệp.
GS. Nguyên Ngọc Lanh
LTS Dân trí - Dù sự “hiểu lầm” ý tưởng của tác giả dự án nhằm lưu lại những “di sản” đáng trân trọng của các nhà khoa học chỉ do sự “vụng về” dùng hai chữ “Tiến sĩ” và “Văn Miếu” như tác giả bài trên đây phân tích, tuy nhiên, suy cho cùng thì nguyên nhân của sự “vụng về” này cũng là do sự suy nghĩ chưa chín trong việc đề xuất một dự án nhằm mục tiêu tôn vinh và lưu giữ lâu dài những di sản của những danh nhân khoa học thời nay.
Thiết nghĩ muốn biến ý tưởng tốt đẹp này thành hiện thực thì phải suy nghĩ công phu hơn, có đầy đủ căn cứ khoa học và thực tiễn, cần hết sức tránh việc dùng những khái niệm không chuẩn xác, không đúng với mục tiêu và nội dung công việc định làm, dẫn tới sự không đồng tình và gây ra nhiều trở ngại cho quá trình triển khai.