Ninh Bình:
Vi phạm luật đê điều: Chính quyền "kêu khó", vi phạm mặc sức tung hoành
(Dân trí) - Các vụ vi phạm luật đê điều ở Ninh Bình diễn ra trong nhiều năm. Chính quyền các cấp đều "kêu khó" không thể xử lý dứt điểm dẫn đến các doanh nghiệp, cá nhân vi phạm cứ thế mặc sức tung hoành.
Như Dân trí đã phản ánh, tình trạng vi phạm pháp luật đê điều tại Ninh Bình thời gian qua đang gây bức xúc trong nhân dân. Hàng chục doanh nghiệp, cá nhân "thay nhau" xâm chiếm hành lang bảo vệ đê. Tình trạng trên diễn ra trong nhiều năm, trở nên nghiêm trọng nhưng chính quyền các cấp, cơ quan chức năng tại Ninh Bình tỏ ra "bất lực" với các vi phạm.
Trao đổi với PV Dân trí, hầu hết lãnh đạo UBND các huyện, thành phố ở Ninh Bình đều "kêu khó" không thể xử lý dứt điểm được các vụ vi phạm. Có địa phương còn ỉ lại "chờ ý kiến cấp trên" mới có phương hướng để giải quyết. Điều này dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp, cá nhân vi phạm cứ thế mà mặc sức tung hoành.
Tại huyện Nho Quan hiện nay đang còn tồn tại 8 vụ vi phạm hành lang bảo vệ đê. Trong đó có 3 vụ đê hữu Hoàng Long và 5 vụ đê Năm Căn. Ông Nguyễn Cao Các - Phó Chủ tịch UBND huyện Nho Quan cho biết, huyện đã nhiều lần có văn bản yêu cầu UBND các xã nơi có vụ vi phạm xử lý quyết liệt các vi phạm nhưng vẫn chưa xử lý hết được.
Ông Các cho biết thêm, thời gian tới, UBND huyện sẽ thành lập tổ công tác phối hợp với các xã để xử lý từng bước các vụ vi phạm pháp luật đê điều trên địa bàn. "Từ nay đến cuối năm 2021, huyện sẽ xử lý xong các vi phạm" - ông Các nói.
Thành phố Ninh Bình có tuyến đê hữu sông Đáy đi qua, hiện nay đang có 5 vụ vi phạm nhức nhối. Đây đều là các vụ vi phạm pháp luật đê điều do các doanh nghiệp gây ra trên địa bàn phường Bích Đào và xã Ninh Phúc. Trong đó phải kể đến các vi phạm lớn của doanh nghiệp lớn như: Cảng Ninh Bình, Công ty chế tạo máy Ninh Bình, cảng Phúc Lộc (Công ty Cổ phần Phúc Lộc), Công ty Thai Group…
Ông Đinh Văn Thứ - Chủ tịch UBND thành phố Ninh Bình cho biết, UBND thành phố đã chỉ đạo các phòng ban, cơ quan chuyên môn kiểm tra lập biên bản vi phạm; yêu cầu các doanh nghiệp khẩn trương khắc phục sai phạm nhưng các chủ doanh nghiệp vi phạm không có ý thức chấp hành.
Theo ông Thứ, các doanh nghiệp vi phạm này rất "cứng đầu", khi đoàn kiểm tra đến làm việc chủ doanh nghiệp vi phạm đã không ra làm việc mà cử bảo vệ hoặc người đại diện không có quyền quyết định. Bên cạnh đó, các chủ doanh nghiệp vi phạm này còn viện lý do vi phạm của họ không ảnh hưởng gì đến độ an toàn của thân đê.
"Thành phố đang lập kế hoạch, có những biện pháp cương quyết, đến trước mùa mưa bão sang năm (2022) sẽ giải quyết xong các vụ vi phạm. Chắc chắn phải xử lý" - Chủ tịch UBND thành phố Ninh Bình nói.
Huyện Yên Khánh là địa phương hiện nay đang tồn tại nhiều vụ vi phạm pháp luật đê điều nhất tại tỉnh Ninh Bình. Vi phạm pháp luật đê điều ở địa phương này nhức nhối bởi hàng loạt vụ vi phạm tại xã Khánh Phú nối tiếp nhau xâm phạm hành lang đê hữu sông Đáy.
Ghi nhận của PV Dân trí, chưa đầy 2 km trên tuyến đê hữu Đáy qua địa bàn xã Khánh Phú, huyện Yên Khánh, hiện nay có cả chục tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp lấn chiếm hành lang bảo vệ đê xây dựng nhà xưởng, lán trại, cầu cảng, đổ vật liệu xây dựng… xâm chiếm nghiêm trọng hành lang bảo vệ đê và hành lang thoát lũ.
Tại các bến cảng, bãi bốc dỡ hàng hóa này, lượng xe quá khổ, quá tải ra vào thường xuyên khiến các tuyến đê phải ngày đêm "gồng mình" chống đỡ. Người dân sống gần khu vực này thường xuyên phải chịu cảnh ô nhiễm từ khói bụi, bụi bẩn từ các cảng than, bãi cát…
Báo cáo của UBND huyện Yên Khánh cho thấy, địa phương này đang tồn tại 18 vụ vi phạm luật đê điều, trong đó tuyến đê hữu Đáy 14 vụ, tuyến đê Tả, hữu sông Mới 1 vụ, tuyến đê tả Vạc 3 vụ. Hầu hết các vụ vi phạm đều đã được lập biên bản và xử lý vi phạm hành chính. Tuy nhiên vẫn chưa được xử lý dứt điểm, triệt để, chưa đảm bảo tính răn đe phòng ngừa vi phạm.
UBND huyện Yên Khánh chỉ rõ, công tác xử lý các vụ vi phạm ở một số xã, thị trấn chưa được quan tâm sát sao, đúng mức, cơ bản mới dừng lại ở mức đình chỉ tại chỗ và lập biên bản vi phạm.
Ông Vũ Anh Tuấn - Phó trưởng Phòng NN&PTNT UBND huyện Yên Khánh cho biết, để xử lý dứt điểm các vụ vi phạm đê điều trên địa bàn hiện nay rất khó. Nhiều cá nhân, tổ chức vi phạm không những không chấp hành mà còn có hành vi chống đối. Huyện đang chờ chỉ đạo từ UBND tỉnh để có biện pháp xử lý vi phạm trong thời gian tới.
Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Ninh Bình nêu rõ, để diễn ra tình trạng vi phạm pháp luật đê điều trong nhiều năm trong đó có phần trách nhiệm của Sở NN&PTNT, UBND các huyện và thành phố, UBND các xã và thị trấn.
Hiện nay, UBND tỉnh Ninh Bình đang giao các cơ quan chức năng tham mưu, có biện pháp chỉ đạo các địa phương cấp huyện xử lý dứt điểm tình trạng vi phạm pháp luật đê điều trên địa bàn tỉnh.