Văn hoá và phản văn hoá
"Kinh hoàng đêm cướp ấn”, “Bi hài chuyện khai ấn”, “Thảm hại lễ hội”... là những tựa đề rất lớn trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng trong suốt mấy ngày vừa qua. Đi kèm những bài viết là những ảnh chụp minh họa hết sức ấn tượng về thảm cảnh của lễ hội đầu năm.
Ấn tượng nhất có lẽ là hàng loạt bức ảnh chụp về cảnh chen lấn, xô đẩy, giẫm đạp lên nhau đến ngất xỉu phải khiêng đi cấp cứu ở lễ khai ấn đền Trần (Nam Định). Nhìn những cảnh ấy, người ta không khỏi rùng mình khi liên tưởng đến thảm họa chen lấn, xô đẩy nhau của hàng ngàn người trên cây cầu Koh Pich ở Campuchia vào ngày 22.11.2010, khiến 387 người chết và gần 1.000 người bị thương. Ở đó mới chỉ có vài ngàn người chen lấn nhau mà đã khiến 387 người thiệt mạng, nói dại, nếu như có sự cố gì xảy ra, hơn 60.000 người chen nhau ở lễ hội đền Trần thì không biết hậu quả như thế nào?
Người xưa coi lễ hội đầu xuân là một sợi dây tâm linh giữa tiền nhân với hậu thế để nhắc nhở đạo lý làm người và nó thực sự là một sự kiện văn hoá và ứng xử với nó cũng phải hết sức văn hoá. Nay đời sống thực dụng hơn, những dục vọng về cuộc sống vật chất nhiều hơn nên rất nhiều người sẵn sàng chà đạp lên nhau, hối lộ cả thần linh để hầu mong kiếm tìm một chút lộc rơi lộc vãi.
Chẳng thế mà cây vàng cây bạc, đôla âm phủ, nhà lầu, xe hơi đồ mã ngập tràn cửa phủ, cửa chùa, bởi những toan tính dương gian đầy nhục cảm. Không chỉ có vậy, tiền lẻ bừa bãi khắp nơi, ấn cả vào tay tượng hết sức phản cảm. Chưa hết, sau khi cầu cúng xong, người ta thải ngay những thứ không cần thiết ra cửa chùa. Thế là rác ngập tràn nơi thờ tự.
Chính vì những dục vọng về cuộc sống vật chất, nhiều người sẵn sàng “bỏ tiền ra hối lộ thần linh”, nên một số nơi đã cố tình huyễn hoặc niềm tin của dân chúng để biến lễ hội trở thành cỗ máy in tiền. Dẫn chứng là dù Chính phủ, Bộ VHTTDL đã cấm không được đặt quá nhiều hòm công đức, nhưng hòm công đức vẫn đặt tràn lan nơi thờ tự. Nhiều cơ sở thờ tự còn bày ra rất nhiều ban thờ để nhằm mục đích thu tiền công đức. Chẳng đâu xa, ngay cả lễ phát ấn đền Trần (Nam Định), Ban tổ chức nói rằng không thu tiền phát ấn, nhưng thử hỏi có ai đêm khai ấn không ít nhiều bỏ tiền ra mà lấy được tấm vải vàng nho nhỏ in chữ vi tính của Ban tổ chức?
Mặc dù biết thừa là xưa kia Vua Trần chẳng phát ấn cho ai, nhưng Nam Định lại coi việc phát ấn là “sản phẩm của du lịch” để kiếm tiền thiên hạ. Khi thấy Nam Định thu được tiền từ hội đền Trần, Hà Nam cũng bày ra việc... “phát quân lương” để kéo dân chúng đến, thu tiền công đức. Những việc làm này rõ ràng là mang màu sắc thương mại mà chẳng có chút nào hào khí Đông A thuở trước. Thế rồi việc “chặt chém” tiền trông xe, dịch vụ ở các lễ hội, thậm chí đấu thầu cả lễ hội như lễ hội đền Củi (Hà Tĩnh) thờ ông Hoàng Mười cũng chẳng ai kiểm soát được.
Lễ hội là một sự kiện văn hoá, thế nhưng với cung cách tổ chức như hiện nay nó đang được thương mại hoá. Nét văn hoá đang dần mất đi do cả người tổ chức lẫn người đi hội đều có đích chung là kiếm tìm lợi nhuận. Vậy nên tình trạng xả rác bừa bãi, chen lấn, xô đẩy, tiền lẻ vương vãi khắp nơi, ấn tiền vào tay, vào mặt tượng... hết sức vô văn hoá là điều dễ hiểu. Nói đến việc vô văn hoá ở lễ hội như hiện nay, ngay cả đến Chánh Thanh tra Bộ VHTTDL Vũ Xuân Thành cũng than thở trên một tờ báo rằng: “Tôi không muốn đi lễ hội nữa”. Thật buồn thay!
Theo Chí Tùng
Báo Lao Động