Văn hóa ứng xử và ý thức công dân đã xuống cấp?

Tôi năm nay 58 tuổi, vốn nghiên cứu về văn hóa dân gian. Những ngày qua, tận mắt chứng kiến những gì tại Phố Hoa và đọc báo sao thấy buồn thế! Tôi tự hỏi, phải chăng văn hóa ứng xử và ý thức công dân của một bộ phận dân ta đã xuống cấp nghiêm trọng?

Nhớ lại xuân 2008 lễ hội hoa anh đào, nhiều người, trong đó có cả những thanh niên trí thức cũng cố sờ bằng được hoặc lén bẻ hoa về làm “kỷ niệm” (!). Thế hệ chúng tôi được gia đình và nhà trường giáo dục để có ý thức không xâm phạm của công và của người khác, biết kính già yêu trẻ, biết giúp đỡ người khác… Bởi vậy thời đó chúng tôi không thô tục trong ăn nói và ứng xử xã hội. Nhặt được của rơi bao giờ cũng đem nộp cho người có trách nhiệm. Qua đường, trên tàu xe… bao giờ cũng giúp đỡ và nhường chỗ cho người già, trẻ nhỏ, phụ nữ…
 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn.

Những ngày ấy nếu sơ ý có những lời nói và hành vi thiếu văn hóa luôn bị chê cười và nhắc nhở, trong lòng tự thấy hổ thẹn. Có lẽ vì vậy mà sau này, thế hệ chúng tôi khi tình nguyện nhập ngũ theo tiếng gọi của đất nước, anh bộ đội Cụ Hồ “đi dân nhớ, ở dân thương” và luôn phấn đấu để chiến thắng chính bản thân mình và chiến thắng kẻ thù. Bây giờ trong các gia đình, nhà trường và cả các cấp có trách nhiệm cao hơn đã thật sự coi trọng giáo dục ý thức công dân? 

Ở nhiều lúc, nhiều nơi đều thấy cảnh học sinh, thanh niên nói tục và có những hành vi thiếu văn hóa: Chế riễu người tàn tật, người nghèo… dửng dưng trước sự cần giúp đỡ của người già, trẻ nhỏ; ăn chơi đua đòi, đua xe, nghiện hút… Tôi thường xuyên đi xe buýt, không phải lúc nào cũng được nhường ghế, có bạn trẻ còn cố tình quay mặt đi khi thấy người già phải đứng ngay bên mình. Cùng với những điều đó, nạn tham ô, lãng phí, cửa quyền… luôn là những điều nhức nhối trong xã hội. 

Nói như vậy không có nghĩa là phủ nhận tất cả, coi lớp trẻ bây giờ là xấu cả và lan man sang những vấn đề ngoài những chuyện ở phố hoa. Xong đất nước ngày càng phát triển, mà sao ý thức công dân, văn hóa ứng xử của một bộ phận con người chưa đáp ứng với những yêu cầu của thời đại? 

Đã đến lúc mỗi gia đình và những cấp có trách nhiệm phải đầu tư công sức nhiều hơn vào việc Giáo dục con người một cách toàn diện, bên cạnh việc quan tâm phát triển kinh tế. Không cần học đâu xa, cứ học ngay ở ông cha ta và nhìn ra các nước bạn để đối chiếu lại chính mình trong khi còn chưa quá muộn.  

Trần Vân Hạc
(F.201, Nhà.B4, Ngõ.189, Thanh Nhàn
P. Quỳnh Lôi, Q. Hai Bà Trưng, TP Hà Nội
 
LTS Dân trí - Lẽ ra việc tổ chức lễ hội Phố Hoa tại Thủ đô Hà Nội vào dịp đầu xuân phải để lại dư vị vui vẻ, ngọt ngào trong lòng người Hà Nội, mà sao đem đến nhiều nghĩ suy, trăn trở như tác giả bài viết trên đây.

Đấy cũng là điều băn khoăn chung của nhiều bạn đọc tỏ bày cùng Diễn đàn Dân trí. 

Qua những hành xử phản văn hóa tại Phố Hoa như báo chí phản ánh, không thể dừng lại ở thái độ phê phán mà phải suy nghĩ sâu hơn về những hành động đáng lên án đó. Đúng là chúng ta đang có những khiếm khuyết trong công tác giáo dục thanh thiếu niên cũng như công tác tổ chức quản lý trật tự, an ninh xã hội ngay trên địa bàn thủ đô. 

Qua đó, cần nghiêm túc rút kinh nghiệm để tổ chức những cuộc vui, những lễ hội trong dịp Tết nguyên đán sắp tới sao cho thật sự thể hiện đầy đủ tính văn hóa, phát huy được những nét đẹp của lễ hội truyền thống, nhất là tại Thủ đô vốn được kế thừa truyền thống thanh lịch của người Tràng An.   

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm