Bạn đọc viết:
Văn hóa kinh doanh “ngược”
(Dân trí) - Đã qua rồi cái thời bao cấp khi hầu như mọi mặt hàng đều được bán theo kiểu phân phối. Nhưng dường như dấu ấn của nó vẫn còn đậm nét đến tận hôm nay và đặc biệt "phát huy" qua cung cách bán hàng chanh chua của không ít tiểu thương.
Gần đây nhiều người hay nhắc tới cụm từ “văn hóa ngược”. Đó là cái cách người ta nói về cảnh không được “vừa mua thuận bán” của những người tham gia “giao dịch”. Hình như không ít người bán hàng vẫn tự cho mình cái quyền được ban phát cho người khác, dẫn tới cảnh nhiều người mua mặc dù phải bỏ tiền ra nhưng vẫn phải nhẫn nhịn chịu đựng bị ép mua qua những lời nói, hành động thiếu văn hóa
Nhiều người tâm sự rằng, bây giờ đi chợ muốn mua cái gì cũng phải... nhìn mặt người bán mới "dám" ngồi xuống chọn đồ, trả giá.
Chị Huyền (trú tại đường Nguyễn Phong Sắc, quận Cầu Giấy) phàn nàn: “ Có hôm định mua bộ quần áo, nhưng vào cửa hàng chọn mãi mà không ưng cái nào, vừa đi ra cô bán hàng đã buông một câu nặng chình chịch: “Mới sáng mai đã ám khí, thế này thì cả ngày còn buôn bán cái gì”, vừa nói cô vừa lấy tay phủi thật sạch sạp hàng như thể chúng bị dây bẩn. Lúc đó cảm thấy như mình bị xúc phạm, thấy ức chế thật sự nhưng không lẽ lại đôi co với họ, mà có đôi co thì cũng mất thời gian”.
Chưa kể là nhiều khi ra chợ mà mua đồ ít quá cũng người ta cũng quát cho “Thời buổi nào rồi mà còn mua được 500đ hành, 1.000đ dưa… Giờ cái gì cũng lên, mua thế thì người ta ăn cám à?”. Lúc đó tôi bực mình lắm, những biết có nói vài câu phải trái với họ thì cũng không lại được.
Những chuyện như thế không phải hiện tượng hiếm khi gặp phải. Bác Lan (trú tại phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng) cho biết: Tôi đi chợ Hôm thường xuyên, nhưng phải công nhận nhiều người bán hàng ghê gớm thật, họ hét giá lên trời, mình trả rẻ quá thì bị mắng “Bà đi đâu mua được thì mua chứ ở đây không có giá đó, không mua thì thôi trả rẻ thế ai mà bán được”. Còn không mua thì các cô ấy chì chiết đủ kiểu, hôm nào đúng mùng Một vào hàng mà không mua, có cô còn mang giấy ra đốt vía không quản gì khách hàng là già hay trẻ.
Thực ra anh Dũng không thể biết chiêu lừa đó nếu chị mua hàng đứng bên cạnh không nhắc nhở. Dù biết mình bị phát hiện gian lận, cô hàng cá vẫn cố tình chối cãi. Nhưng vì chợ đang đông, lại lo mất khách nên cô đành ngậm bồ hòn đổi lại hai con cá rô tươi cho anh, miệng vẫn... kêu oan: “Khổ quá, vẫn là hai con cá mà anh đã chọn thôi, nhưng nếu anh muốn đổi em sẽ đổi cho” (?)
Tình trạng trên ngoài chợ không thiếu, và người ta thường bỏ qua vì cho rằng họ buôn bán manh mún, nhỏ lẻ và đa phần xuất phát từ những người nông dân, ứng xử còn thô vụng và đôi khi thiếu văn hóa.
Cho đến siêu thị
Nhưng điều này thì khó thông cảm với một số nhân viên trong siêu thị, vì dù sao họ cũng được học một số nguyên tắc bán hàng cơ bản. Chị Lê (Cầu Giấy – Hà Nội) bức xúc nói: "Đi chợ mình gặp phải người chanh chua thì không nói làm gì, nhưng vào siêu thị tưởng được phục vụ tốt hơn, ai ngờ... Có hôm vào nhà sách Nguyễn Văn Cừ mua hộp đồ chơi cho con, vừa hỏi cô nhân viên có được mở ra xem thử không thì cô gắt lên “Chị nhìn thế kia mà không biết à, nó dán rồi còn xem cái gì nữa, giờ bóc ra thì ai mua…”. Nói xong cô ta đứng cau có theo dõi tôi chọn đồ. Nhưng vì bực bội, vì không thích cái nhìn bất nhã của nhân viên siêu thị mà tôi chẳng mua nữa, đi khỏi đó luôn".
Lại còn có chuyện mua đồ trong siêu thị, thanh toán xong còn tiền thừa họ không trả tiền lẻ cho mình mà cố tình trả bằng kẹo mặc dù có tiền lẻ. Nhiều lần như thế, có hôm “ý kiến” với cô thu ngân thì cô đổi lại tiền thừa cho nhưng mặt tỏ vẻ khó chịu và bảo “Sao chị khó tính thế, có đáng là bao nhiêu đâu”- Chị Lê nói tiếp.
“Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi” là phương châm cần thiết trong bán hàng, đó cũng là một nghệ thuật và nghệ thuật đó chứa đựng cả văn hóa, cả tình người. Vì vậy những người bán hàng thời buổi kinh tế thị trường này càng cần phải trau dồi lời ăn tiếng nói, cần biết nói những từ rất thông dụng trong giao tiếp thông thường như “cảm ơn”, “thông cảm” hay “xin lỗi”...
Huyền Minh