Vận chuyển xi măng, VICEM chọn nhầm giá đắt?
So sánh hợp đồng vận chuyển clinker, xi măng của Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM) với các đối tác khác trên thị trường có sự chênh lệch đáng kể. Liệu có phải VICEM chọn nhầm giá đắt? Việc này gây lo ngại về xi măng có thể bị đội giá, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của DN và quyền lợi người tiêu dùng.
Từ năm 2000 đến nay, Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM) chủ trương điều động clinke từ phía Bắc vào phía Nam và xuất khẩu clinke, xi măng.
Đơn vị “may mắn” trúng thầu không qua đấu thầu này là CTy TNHH Vĩnh Phước (số 3 Lê Thánh Tông, Ngô Quyền, Hải Phòng). Được biết, Cty TNHH Vĩnh Phước (gọi tắt là Vĩnh Phước) cũng là đơn vị duy nhất ký kết HĐ vận chuyển với VICEM Việt Nam trong thời gian qua.
Tuy nhiên, giá cước ký kết mà bên Vĩnh Phước đưa ra cao hơn so với giá vận chuyển của các đơn vị khác cùng lĩnh vực.
Tại HĐ số 00277/VICEM – VP/2011 ký kết ngày 24/2/2011, VICEM ký với Vĩnh Phước nội dung: bên A thuê bên B vận chuyển clinker hạt từ máng xuất hoặc máng xuất thủy của các Nhà máy xi măng Phía Bắc (thuộc VICEM) tới khu neo Cửa Dứa (Quảng Ninh) và bốc xếp lên tàu do bên A hoặc đại diện ủy quyền bên A chỉ định.
Đơn giá khoán gọn (theo HĐ) đối với năng suất xếp hàng lên tầu 5.000 tấn/ngày, mức giá cụ thể đối với từng nhà máy như sau: NMXM Hoàng Thạch (Hải Dương) lên tàu tại khu neo Cửa Dứa (Quảng Ninh): 65.000đ/tấn; từ máng xuất nhà máy xi măng Bút Sơn (Hà Nam) ra Cửa Dứa: 115.000đ/tấn; NMXM Bỉm Sơn (Thanh Hóa) ra Cửa Dứa: 121.000đ/tấn; NMXM Tam Điệp (Ninh Bình) ra Cửa Dứa: 115.000đ/tấn.
Đối với năng suất 5.500 tấn/ngày, mức phí vận chuyển cao hơn 10.000đ/tấn (tính chung đối với các nhà máy sản xuất).
HĐ vận chuyển này tiếp tục được ký kết, gia hạn, điều chỉnh thêm tại các HĐ: HĐ số 33/VICEM-VP/2013 ngày 04/1/2013; Phụ lục điều chỉnh HĐ số 04 (ngày 17/12/2913); Phụ lục điều chỉnh số 05 (ngày 11/3/2014) với nội dung gia hạn HĐ đến hết ngày 31/3/2015.
Bản HĐ số 1561/XMVN – VP/2013 ký giữa VICEM và Cty TNHH Vĩnh Phước ngày 22/10/2013 về việc Vĩnh Phước vận chuyển Xi măng đóng bao Jumbo và Sling từ các nhà máy xi măng thuộc VICEM tới khu neo đậu Quảng Ninh và bốc, xếp lên tàu biển.
Đơn giá của VICEM ký với Vĩnh Phước: từ Vicem Bút Sơn đi Quảng Ninh: 135.000đ/tấn; Vicem Bỉm Sơn đi Quảng Ninh: 148.500đ/tấn; từ Vicem Tam Điệp đi Quảng Ninh: 142.000đ/tấn.
Giá cước vận chuyển của HĐ này có sự chênh lệch giá lớn hơn so với giá cước mà các đơn vị vận chuyển khác thực hiện. Đối chiếu với bảng giá cước vận chuyển của một số đơn vị vận chuyển trong cùng thời điểm, dễ dàng nhận thấy, cước vận chuyển của Vĩnh Phước cao hơn vài chục ngàn đồng/tấn so với các đơn vị cùng lĩnh vực.
Ví dụ: Cùng hàng hóa và quãng đường vận chuyển, mức cước của DN Tư nhân Nam Phương (trụ sở tại phường Ninh Khánh, TP. Ninh Bình) lần lượt là: 95.454đ/tấn – 109.545đ/tấn – 101.363đ/tấn. Con số chênh lệch về cước phí từ 38.900đ – 41.100đ/tấn.
Một dẫn chứng khác: HĐ vận chuyển số 1561 ký với VICEM Việt Nam, Cty TNHH Vĩnh Phước đưa mức giá vận chuyển xi măng Jumbo và Sling từ NMXM Bỉm Sơn ra Quảng Ninh ký với Tcty VICEM là 204.000đ/tấn (chưa bao gồm VAT).
Đơn vị này đã thuê lại các đơn vị khác như Cty TNHH MTV Vận tải và xếp dỡ đường thủy nội địa; Cty CP vận tải Ô tô vận chuyển xi măng Jumbo và Sling với giá cước thấp hơn.
Từ Bỉm Sơn ra cảng sông thuộc tỉnh Ninh Bình (như cảng Ninh Phúc; Khánh An; Khánh Phú), Vĩnh Phước thuê cty Vận tải Ô tô vận chuyển với đơn giá 39.000đ/tấn (HĐ số 06 ngày 20/12/2013); bốc xếp qua cảng Ninh Phúc (HĐ vận chuyển số 09 ký ngày 31/12/2013) đơn giá 9.000đ/tấn.
Từ cảng Ninh Phúc ra Quảng Ninh, giá vận chuyển trên thị trường ở mức xấp xỉ 80.000đ/tấn; cước bốc xếp lên tàu: 10.000đ/tấn.
Tổng chi phí vận chuyển bao gồm cả cước bốc xếp của quãng đường từ Bỉm Sơn – cảng sông Ninh Bình – Quảng Ninh là khoảng trên 123.000đ/tấn. Đây cũng là mức cước được nhiều đơn vị vận tải đưa ra để cạnh tranh với nhau trên thị trường. Mức chênh lệch này là hơn 80.000đ/tấn.
Trong vòng ba năm (từ 2012 đến nay), lượng xuất khẩu clinker và xi măng thông qua TCty Xi măng Việt Nam quản lý đạt xấp xỉ 6 triệu tấn. Nếu con số chênh lệch so sánh trên đây là thực tế thì có thể đã có hàng trăm tỷ đồng bị 'đánh rơi'.
Đại diện một đơn thành viên thuộc Tcty Xi măng Việt Nam cho hay: có biểu hiện cho thấy, đơn vị vận tải được VICEM chỉ định, Cty TNHH Vĩnh Phước chỉ làm trung gian, nhận hợp đồng với VICEM rồi thuê các đơn vị khác vận chuyển với giá cước thấp hơn để “bỏ túi” phần chênh lệch. Mức chênh lệch như so sách trên đây có thể lên đến 40.000đ - 80.000đ/tấn.
Một câu hỏi đặt ra, nếu việc vận chuyển nói trên được VICEM Việt Nam tổ chức mở thầu cho nhiều đơn vị vận tải, VICEM có thể tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng?.
Việc bị “đội giá” như phản ánh nếu là thực tế không những gây thiệt hại cho các đơn vị trực tiếp sản xuất xi măng annrh hưởng đến khả năng cạnh tranh của xi măng trên thị trường mà còn khiến người tiêu dùng bị thiệt hại.
Theo Thái Bình
Vietnamnet