UBND huyện Đông Anh “hai lời” với dân
(Dân trí)- Thời gian qua, Báo Dân trí cùng nhiều cơ quan chức năng liên tục nhận được đơn thư kêu cứu của gia đình bà Lê Thị Mây, trú tại thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh về việc đã nhiều lần bị chính quyền cơ sở xâm hại quyền lợi.
Gia đình bà Mây bị thu hồi 659m2 và hộ gia đình cụ Lê Văn Quang (gia đình liệt sỹ, bố đẻ bà Mây) bị thu hồi 278m2. Toàn bộ 937m2 này là đất thổ cư có nguồn gốc từ những năm 1960, do Ủy ban Hành chính xã Kim Chung đổi đất, giao cho hộ cụ Quang sử dụng.
Trong bản đồ địa chính, bà Mây đứng tên thửa đất số 41, có diện tích 659m2 và bố bà, cụ Lê Văn Quang có thửa đất số 40, diện tích 278m2. Năm 2001, bố bà chết, để lại thừa kế thửa đất số 40 cho hai em bà là Lê Thị Bền và Lê Thị Bỉ.
Năm 2002, UBND huyện ra Quyết định số 1090, 1091 phê duyệt phương án bồi thường cho các hộ, nhưng thửa đất số 40 của gia đình bà Bền, bà Bỉ lại không được đền bù về đất và lại gộp chung vào phương án bồi thường của bà Mây. Không những thế, phương án bồi thường còn quy kết là bà đổi 240m2 đất rau xanh để sử dụng, lấn chiếm đường cao tốc 349,8m2...
Gia đình bà Mây đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng đề nghị xác minh lại. Tuy nhiên, đáp lại sự mong đợi của gia đình vẫn là các quyết định có cùng nội dung với Quyết định 1091 cùng các quyết định cưỡng chế GPMB. Bất bình, bà Mây đã làm đơn khởi kiện hành chính tại TAND huyện Đông Anh.
Khi TAND huyện đang trong quá trình thu thập hồ sơ, chứng cứ, Hội đồng GPMB và UBND huyện Đông Anh đã “sửa sai” bằng hàng loạt phương án mới. Quyết định số 1004 ngày 22/7/2007, UBND huyện Đông Anh đã phê duyệt phương án chi tiết điều chỉnh bổ sung bồi thường hỗ trợ GPMB có nội dung đền bù Thửa đất số 40 với diện tích 278m2 là đất ở, cùng ngôi nhà 2 gian trên đất đối với hộ cụ Lê Văn Quang.
Quyết định số 1005 ngày 23/7/2007 xác định “giảm trừ bồi thường, hỗ trợ GPMB hộ gia đình bà Lê Thị Mây”. Thửa đất số 41 được xác định có diện tích 704,8m2, trong đó có 240m2 đất đổi rau xanh, 349m2 đất lấn chiếm đường cao tốc, chỉ còn 115m2 đất ở.
Các quyết định đền bù này đẩy gia đình bà Mây hầu kiện tại Tòa án hành chính. Cấp sơ thẩm, Tòa án nhân dân huyện Đông Anh đã yêu cầu UBND huyện Đông Anh giải quyết khiếu nại của bà Mây đối với các Quyết định hành chính với Quyết định số 1090, 1091 phê duyệt phương án bồi thường đối với gia đình bà.
Theo đến cấp Phúc thẩm, gia đình bà Mây được hòa giải. Tại biên bản làm việc ngày 2/2/2010 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội do thẩm phán Mai Văn Quang chủ trì, ông Nguyễn Văn Sỹ, đại diện theo ủy quyền của Chủ tịch UBND huyện Đông Anh khẳng định: Sự việc của gia đình bà Mây rất được UBND huyện quan tâm nhưng do một số vướng mắc, khó khăn khách quan nên chưa được giải quyết triệt để. UBND huyện đề nghị người khởi kiện rút đơn kháng cáo để UBND huyện tập trung giải quyết. UBND huyện sẽ giải quyết triệt để sự việc trước ngày 1/5/2010.
Tuy nhiên, đã hàng tháng trôi qua so với cái hẹn của đại diện UBND huyện, việc khiếu nại của gia đình bà Mây vẫn không có một chuyển biến nào. Như vậy, UBND huyện Đông Anh đã mất 8 năm mà chưa giải quyết được khiếu nại của gia đình bà Mây. Không hiểu, UBND huyện Đông Anh sẽ biện minh cho cách làm việc “hai lời” này thế nào?
Vũ Văn Tiến