Ứa nước mắt nhìn sông Nghệ đang từ từ chết

(Dân trí) - Hãy đừng phải nghe lại một lần câu nói đầy bức xúc của một người dân đã gắn trọn đời mình trên thượng nguồn sông Lam: “Cán bộ lạ thật, cái vảy vàng nhỏ tý thì thấy rất rõ để bỏ túi mà cái tàu múc đất to vậy lại không thấy mà đuổi đi”.

 
Ứa nước mắt nhìn sông Nghệ đang từ từ chết - 1
Người dân mưu sinh khi đi đãi vàng tấm ở huyện Tương Dương ngay trên dòng sông Lam. Sông Lam thời gian qua cũng được đào bới, khoét hầm ếch dọc hai bờ gây xói lở rất nghiêm trọng... (Ảnh: Nguyễn Duy)
 
Hồi nhỏ tôi theo cha mẹ đi sơ tán khắp Hưng Nguyên, Thanh Chương (Nghệ An). Lớn lên chút nữa thì chiến tranh phá hoại Miền Bắc của không quân Mỹ lại mở rộng, gia đình tôi ngược miền Nghĩa Đàn. Sau này lớn lên được học địa lý, mới ngộ ra rằng bước chân thơ dại của tôi đã men theo hai bờ sông Cả suốt gần 10 năm trời. Dấu ấn sông Lam, sông Giăng, sông Hiếu còn lại trong tôi là những kỷ niệm bình yên, hiền hòa, nhìn thấy sông là nhìn thấy sự sống yêu thương, ngụp lặn hì hụp chơi với sông suốt ngày vẫn không thèm chán.

Vậy mà sau mấy chục năm, sự thể đã đổi khác. Bây giờ đi dọc các bờ sông nơi nào cũng nghe người dân trăn trở trăm chuyện vì sông. Báo chí thông tin về những dòng sông đang từ từ chết và sông Nghệ đang rất cồn cào.

Ngược lên sông Hiếu, chi lưu quan trọng bậc nhất của sông Lam, dòng sông 220 km trôi từ Quế Phong qua Quỳ Châu, Quỳ Hợp rồi xuống Nghĩa Đàn thật sự không còn bình yên nữa. Mùa khô dòng sông kiệt nước, nhiều đoạn đá sỏi nổi thành gò đống giữa lòng sông trơ đáy. Mùa mưa lũ xuống ầm ầm, nước dâng cao lên cả lưng chừng núi, đe dọa sụt lở nhà cửa ruộng vườn của hàng ngàn hộ gia đình.
Ứa nước mắt nhìn sông Nghệ đang từ từ chết - 2
Khai thác vàng trên dòng sông Hiếu, con sông có nguy cơ xói lở lớn
mỗi khi mùa lũ về (Ảnh: Nguyễn Duy).

Sang miền Tây Nam, đoạn thượng nguồn sông Lam ở Thị trấn Mường Xén ngập tràn trong rác thải. Xuôi về Tương Dương và Con Cuông, sông Lam vẫn âm thầm bị hàng chục máy khai thác vàng sa khoáng rút ruột, lòng sông nham nhở nông sâu, cảm giác tiềm ẩn thiên tai hiện rõ trên màu nước sông ngầu đục.

Trôi về vùng hạ lưu, sông Lam lại oằn mình suốt ngày đêm vì vô số những vòi rồng của trên 200 tàu thuyền hút cát sỏi. Hãy làm một phép tính, trên 25 km đường sông qua Nam Đàn cứ hai ngày thì số cát được tiêu thụ khoảng 1triệu m3, ước chừng tương đương với một quả đồi dài 200m, rộng 100m và cao 50m. Khai thác dã man thế hỏi có sông nào mà không chết? Mấy xã Ngọc Sơn, Bồi Sơn, Lam Sơn của Đô Lương sông đổi dòng gặm luôn vào đất nông nghiệp và đất ở. Xã Nam Cường của Nam Đàn mỗi năm mất chừng 4ha đất canh tác.
 
Ngay tận chân cầu Chôm Lôm, Yên Xuân, Bến Thủy cũng bị tàu thuyền áp vào hút cát sỏi, một vị lãnh đạo Cảnh sát đường sông thẳng thắn thừa nhận nếu ngành này không mạnh tay xử lý thì nhiều cầu cũng đã sập. Mỗi năm hàng trăm tỷ đồng tài nguyên chui vào túi cá nhân trong lúc gộp cả phí môi trường và phí khai thác khoáng sản cũng không đủ bù tổn thất cho các hộ dân của xã Nậm Giải (Quế Phong) trong trận lũ quét kinh hoàng năm 2007.
Ứa nước mắt nhìn sông Nghệ đang từ từ chết - 3
Thuyền hút cát trái phép trên dòng sông Lam đoạn cách cầu Nam Đàn
khoảng 50m (Ảnh: Nguyễn Duy).
 
Ai cũng biết môi trường ngày nay đã thay đổi quá nhiều. Thủy điện mọc lên và sông bị chặn dòng, rừng đầu nguồn được khai thác khốc liệt, độ che phủ giảm mạnh nên mỗi khi mưa bão thì rừng không giữ được nước mới thành ra lũ ống lũ quét, nước đổ hết vào sông không kịp thoát ra biển mới sinh ra lụt. Lũ lụt hậu quả khôn lường, nhưng chuyện dài lâu của cồn cào sông Nghệ không chỉ là lũ lụt mà là đủ thứ dân sinh.
 
Sông Nghệ điều hòa thời tiết quanh năm, góp công làm ra cả triệu tấn lương thực và là nguồn nước sinh hoạt chủ yếu để nuôi sống gần 3 triệu người Nghệ. Quan trọng thế mà có những nhà máy chế biến nông sản ngang nhiên xả cả hàng vạn m3 nước thải hóa chất làm cá chết trắng sông, một số rong rêu có tác dụng tẩy sạch nguồn nước nay cũng không còn tồn tại. Dẫu rất buồn nhưng cũng phải công nhận một sự thật khủng khiếp là nhiều con sông Nghệ đang từ từ chết.

Nhiều người đã đặt câu hỏi: nếu đó là sông của nhà mình thì tàu thuyền đào đãi vàng và khai thác cát sỏi có dám tung hoành được vậy không? Câu trả lời là không thể. Vậy thì đúng sông đang là của chùa, ai nhanh chân mạnh tay moi móc được gì thì cứ vô tư.

Chính quyền và pháp luật trong tay, chế tài trong tay và đặc biệt là được dư luận nhân dân ủng hộ. Bài học xử lý qua nhiều vụ việc lớn cho thấy không có việc gì là không làm được nếu chúng ta quyết tâm và đồng thuận.

Hãy đừng phải nghe lại một lần câu nói đầy phản ứng của một người dân đã gắn trọn đời mình trên thượng nguồn sông Lam: “Cán bộ lạ thật, cái vảy vàng nhỏ tý thì thấy rất rõ để bỏ túi mà cái tàu múc đất to vậy lại không thấy mà đuổi đi”.
 
Khánh Linh