Bạn đọc viết:
Tục mừng sấm đầu năm của người Thái
(Dân trí) - Đối với đồng bào dân tộc Thái ở miền Tây Nam Nghệ An nói chung, đồng bào Thái Con Cuông nói riêng, tiếng sấm đầu năm đối với họ rất linh thiêng.
Họ coi đó là lời phán của ông trời “Phà hoọng Pi mớ” (lời phán năm mới của ông Trời). Năm nào đầu năm có mưa, sấm ra là năm đó báo hiệu mùa màng tươi tốt, no đủ. Tiếng sấm đầu năm đã ăn sâu vào tâm thức của đồng bào, trở thành nét văn hoá tâm linh trong cộng đồng dân tộc Thái nơi đây.
Cho nên dù là đang lúc nửa đêm, giấc ngủ đang ngon, hễ nghe tiếng sấm, mọi người, mọi nhà đều bật dậy nổi trống, khua chiêng reo to lên rằng: “Xuung xáng Phà Hoọng Pi mớ” (đại ý là nhờ ơn Trời cho sấm đầu năm). Đêm đó các bà, các chị sẽ không ngủ mà lấy nong nia, thúng, mủng... ra ngoài Cơi (Hiên nhà bếp) đập lộp bộp và miệng không ngớt hô reo: “Xung xáng Phà hoọng Pi mớ hờ đạy; Lôông nặm đạy pạ, oóc na đạy khầu, Hầu hạy đạy phắc, xuung xáng...” (Tạm dịch là: Nhờ ơn Trời cho sấm năm mới mong được: Xuống nước được cá, ra ruộng được lúa, vào nương rẫy được rau, nhờ ơn...).
Mặc dầu ngày nay nét văn hoá tâm linh này, có ít nhiều bị mai một, nhất là lớp trẻ, nhưng với các Bản, mường người Thái, mỗi khi nghe tiếng sấm đầu năm, các cụ già lại bất giác giơ tay lên quá đầu mình, ngửa mặt lên trời và thốt lên rằng: “Xuung xáng Phà hoọng Pi mớ...” để cảm ơn trời đát cho sấm đầu năm.
Phùng Văn Mùi