Tự tiện phân bổ chỉ tiêu nộp các loại quỹ

Do bị khấu trừ lương để nộp các loại quỹ do cấp trên phân bổ chỉ tiêu đóng góp, nhiều cô giáo dạy các trường mầm non chỉ còn nhận được số tiền lương ít ỏi… đến rơi nước mắt!

Cảnh tượng đó đã từng xảy ra ở huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 2009, huyện này đã ra văn bản giao chỉ tiêu cho các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện  phải nộp nhiều lọai Quỹ.

Năm 2010, UBND huyện này lại tiếp tục ban hành văn bản giao chỉ tiêu đóng góp tương tự năm 2009 với các loại quỹ “An ninh-Quốc phòng”, “Bảo trợ trẻ em”, “Phòng chống thiên tai”. Sau khi có ý kiến phản ánh, UBND huyện đã có công văn gửi Sở LĐ-TB&XH và Sở Tài chính xin ý kiến về việc thu các khoản nói trên.

Nhằm khắc phục tình trạng thu các quỹ và phí không đúng quy định của Thủ tướng Chính phủ, chúng tôi thấy trước hết cần hiểu rõ các khái niệm này:

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Theo Nghị dịnh số 148 ngày 25-9-2007 của Chính phủ thì "Quỹ" là do tổ chức phi chính phủ có tư cách pháp nhân do một hoặc nhiều cá nhân, tổ chức tự nguyện dành một khoản tài sản nhất định để thành lập hoặc thành lập thông qua hợp đồng, hiến tặng, di chúc, nhằm mục đích hỗ trợ văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục thể thao, khoa học, từ thiện, nhân đạo và các hoạt động vì lợi ích cộng đồng không vì mục đích lợi nhuận, quỹ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thành lập, công nhận Điều lệ”. (Khoản 1 điều 3).

Như vậy, có thể hiểu “Quỹ” là một nguồn tài chính vì lợi ích công cộng, nhằm thu hút sự tài trợ, đóng góp tự nguyện của xã hội, không thể giao chỉ tiêu bắt buộc đóng góp các lọai quỹ.

Một số người vẫn còn phân vân, nhập nhằng giữa các khái niệm “Quỹ”, “Phí”, “Lệ phí”. Pháp lệnh Phí và lệ phí năm 2001 định nghĩa “Phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả khi được một tổ chức, cá nhân khác cung cấp dịch vụ được quy định trong Danh mục phí…”. Còn “Lệ phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải nộp khi được cơ quan nhà nước hoặc tổ chức được ủy quyền phục vụ công việc quản lý nhà nước được quy định trong Danh mục lệ phí…”. (Pháp lệnh số 38/2001/PL-UBTVQH10 ngày 28/8/2001 của UBNTV Quốc hội). Ví dụ: học phí, viện phí, lệ phí trước bạ, lệ phí cấp biển số nhà…    

Rất đáng tiếc là nhiều địa phương còn huy động sự đóng góp của người dân không đúng quy dịnh, còn chưa phân biệt rõ việc đóng góp theo tinh thần tự nguyện đối với các lọai quỹ và việc đóng góp theo nghĩa vụ một số lọai phí và lệ phí khi người dân được hưởng một dịch vụ cần thiết nào đó.

Tại Chỉ thị số 24/2007/CT-TTg ngày 01 tháng 11 năm 2007, Thủ tướng Chính phủ nhận định: “…trong việc thực hiện các quy định về phí, lệ phí và huy động các khoản đóng góp của nhân dân vẫn còn những tồn tại: một số địa phương chậm bãi bỏ các khoản phí, lệ phí không đúng quy định của pháp luật; có một số khoản phí, lệ phí được ban hành không đúng thẩm quyền, không phù hợp với quy định của pháp luật; một số nơi vẫn còn những khoản đóng góp (nhất là đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng) khá cao, không phù hợp với thu nhập của người dân; một số khoản huy động đóng góp chưa được lấy ý kiến rộng rãi trong cộng đồng người dân trước khi ban hành; một số khoản huy động mang tính chất xã hội từ thiện, phải vận động đóng góp tự nguyện, nhưng lại quy định mang tính bắt buộc...”.

Thủ tướng chỉ thị: “1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện các công việc sau:

a) Bãi bỏ ngay những khoản thu phí, lệ phí không có tên trong Danh mục chi tiết phí, lệ phí ban hành kèm theo Nghị định số 24/2006/NĐ-CP ngày 06 tháng 3 năm 2006 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03 tháng 6 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Phí, lệ phí.

Đến ngày 30 tháng 11 năm 2007 nếu tỉnh, thành phố nào còn các khoản phí, lệ phí trái với quy định của pháp luật, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ.

Đối với các khoản phí, lệ phí có tên trong Danh mục chi tiết phí và lệ phí, nhưng chưa có văn bản của cấp có thẩm quyền hướng dẫn thì chưa được phép thu, không được vận dụng mức thu của các khoản phí, lệ phí khác có tính chất tương tự để thu. Trường hợp địa phương đã tổ chức thu thì phải dừng ngay.

Đề xuất, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bãi bỏ các khoản phí, lệ phí chưa hợp lý, chưa phù hợp với tình hình thực tế địa phương.

b) Đối với các khoản huy động đóng góp tự nguyện để xây dựng cơ sở hạ tầng, huy động đóng góp mang tính chất xã hội, từ thiện, phải thực hiện theo đúng nguyên tắc tự nguyện.

Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp không được ra văn bản bắt buộc đóng góp, không được giao chỉ tiêu huy động cho cấp dưới, không gắn việc huy động đóng góp với việc cung cấp các dịch vụ công mà người dân được hưởng.

Chỉ đạo các Sở, Ban, ngành và Ủy ban nhân dân cấp dưới rà soát, bãi bỏ ngay các văn bản huy động đóng góp của nhân dân không đúng quy định trước đây”. (Chỉ thị số 24/2007/CT-TTg ngày 01 tháng 11 năm 2007)

Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng, Bộ Tài chính, HĐND, UBND các tỉnh   đã có văn bản quán triệt, hướng dẫn thực hiện cụ thể. Thế nhưng điều khó hiểu là đây đó vẫn có những tồn tại, bất cập gây thắc mắc, bức xúc. Có thể do một số cán bộ địa phương, cơ sở chưa nắm được những văn bản nói trên. Hiện nay tình trạng cán bộ quản lí các cấp không nắm được những văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực, địa phương mình khá phổ biến.

Cũng có những trường hợp cán bộ quản lí biết rõ khoản thu sai quy định, nhưng vẫn cố tình ép buộc người dân nộp tiền vì mục đích lợi nhuận riêng tư. Người dân lâm vào “thế yếu”, dù biết thiệt thòi nhưng đành chấp nhận. Tình trạng “loạn thu” của các trường từ phổ thông đến đại học vào đầu mỗi năm học là ví dụ tiêu biểu. 

Thiết nghĩ, khi ban hành các quy định huy động nguồn tài chính từ nhân dân, các địa phương, ban ngành cần quán triệt các văn bản của Chính phủ, Bộ Tài chính và UBND tỉnh để tránh những sai sót không đáng có. Cần quán triệt nguyên tắc pháp quyền, dân chủ trong lãnh đạo, điều hành xã hội.

    

Trần Quang Đại

Giáo viên trường THPT Trần Phú, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh

 

LTS Dân trí - Mặc dù đã có chỉ thị của Thủ tướng Chính về việc bãi bỏ các khỏan thu không hợp lý đối với người dân (Chỉ thị này ban hành năm 2007), nhưng cho đến nay, vẫn còn có địa phương thu nhiều loại quỹ, phí không đúng quy định, như tác giả bài viết trên đây đã phản ảnh.

Điều đáng lưu ý của tình hình nói trên là việc thu nhiều lọai quỹ theo cách phân bổ chỉ tiêu, vừa không đúng với tinh thần tự nguyện vừa tạo thêm gánh nặng đóng góp đối với người dân, nhất là những người nghèo có thu nhấp thấp (như cô giáo dạy trường mầm non). Mong rằng những địa phương có tình hình lạm thu những khỏan đóng góp của người dân như vậy cần quán triệt sâu sắc và thực hiện đúng chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.