Tu tại gia

Chuyện xưa kể rằng: Dương Phủ người đời nhà Minh (Trung Quốc ngày nay), đỗ tiến sĩ, nổi tiếng là quan thanh liêm, lúc nhỏ nhà nghèo nhưng hết sức cày cấy để phụng dưỡng song thân.

Một hôm nghe bên đất Thục có một vị Vô tế đại sĩ - tức nhà tu hành vô cùng đắc đạo, ông bèn thưa với song thân xin từ biệt ít lâu để theo hầu bậc Vô tế.

Đi được nửa đường, gặp một vị lão tăng bảo ông rằng:

- Được gặp bậc Vô tế không bằng được gặp Phật.

Ông hỏi: "Phật ở đâu?"

Lão tăng nói:

- Nhà ngươi cứ quay trở về, gặp người nào mặc cái sắc như thế này, đi đôi dép kiểu như thế này, thì đó chính là Phật đấy.

Dương Phủ háo hức quay về, đi đường không gặp ai như thế. Đến khuya mới tới nhà, ông gọi cửa, mẹ ông nghe tiếng mừng quá vội vàng xỏ ngược cả dép, áo sống xộc xệch ra đón. Dương Phủ ngẩn người nhìn, thì ra đấy chính là hình dáng Phật mà lão tăng chỉ dạy và chợt ngộ ra thâm ý trong lời dạy của lão tăng.

Từ đấy ông ở nhà, hết lòng thờ kính cha mẹ, không phải cầu kỳ đi mộ Phật ở đâu xa nữa".

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn.

Chuyện xưa mà sao hôm nay đọc lại vẫn thấm thía đến vậy. Từ thuở còn thơ có ai không hơn một lần được nghe bà, mẹ ru: "Thứ nhất là tu tại gia/ Thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa/ Tu đâu bằng tu tại gia/ Thờ cha kính mẹ mới là chân tu".

Chính đức Phật đó từng dạy các đệ tử:

- Sinh thời không gặp Phật, khéo phụng dưỡng cha mẹ tức là thờ Phật vậy (Kinh Pháp cú).

Trong truyền thống đạo đức của người Việt Nam, hiếu với cha mẹ là một trong những đạo lý hàng đầu thiêng liêng cao cả.

Có sự thành công nào của những đứa con mà đằng sau không có những người mẹ tuyệt vời?

Trong lịch sử Việt Nam, những bậc vĩ nhân như: Phan Bội Châu "Người Việt Nam đẹp nhất đầu thế kỷ XX" đó có một người mẹ tuyệt vời, "Bà thường dạy con đừng làm gì trái với lẽ phải và lời khuyên ấy đó hướng Phan Bội Châu vào con đường cứu nước" (Lê Duẩn)

Bác Hồ kính yêu đã được một người mẹ đảm đang, tảo tần giầu đức hy sinh nuôi dạy, góp công to lớn tạo nên nhân cách tuyệt vời của một lãnh tụ thiên tài. Bác đã từng nói: "Non sông Việt Nam gấm vóc do phụ nữ ta trẻ cũng như già ra sức dệt thêu mà trở nên tốt đẹp rực rỡ".

Đất nước Việt Nam ta trải 4000 năm lịch sử. Những bà mẹ Việt Nam tiếp nối bước đi của Mẹ Âu Cơ, sinh ra và nuôi dưỡng nên những người con làm rạng rỡ cho non sông gấm vóc. "Những bà mẹ đo chân vào thần tích/ Để hoài thai triệu triệu những anh hùng" (Nguyễn Khoa Điềm).

Ông bà ta có câu: "Phúc đức tại mẫu". Những người mẹ Việt Nam đời đời thầm lặng vun trồng cây Phúc - Đức cho muôn đời thế hệ. Chính phẩm hạnh tuyệt vời của người mẹ là cơ sở bất tử của loài người.

Đọc lại chuyện xưa, ngẫm chuyện hôm nay, ta giật mình khi nghĩ về trách nhiệm với bậc sinh thành. 

Trần Vân Hạc

LTS Dân trí - Lòng hiếu thảo với cha mẹ tạo thành nét đẹp gia phong truyền thống của nước ta và nhiều nước khác. Không chỉ những gia đình giầu có - “Phú quý sinh lễ nghĩa” - mà nhiều gia đình thuộc tầng lớp trung lưu hoặc thuộc lớp nghèo trong xã hội vẫn dành “miếng ngon” và sự chăm sóc thật ân cần cảm động đối với ông bà, cha mẹ.

Tiếc rằng ngày nay không ít gia đình chưa quan tâm đúng mức tới việc chăm sóc người già, thể hiện lòng hiếu thảo đối với ông bà, cha mẹ. Lẽ ra, xã hội  tiến lên hiện đại, văn minh, một trong những mục tiêu quan trọng nhất của nền giáo dục hiện đại là “Học cách chung sống”; còn sự “chung sống” nào gần gũi hơn, gắn bó hơn trong gia đình thể hiện bằng tấm lòng yêu thương giữa những người ruột thịt với nhau.

Kính trọng và chăm sóc người lớn tuổi đã có công xây dựng gia đình và xã hội không chỉ là nghĩa vụ của các con cháu trong mỗi gia đình mà còn là trách nhiệm của xã hội, thể hiện đúng đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm