Từ sự cố bất thường của môn thi Ngữ văn

(Dân trí) - Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, một số địa phương như Đồng Tháp, Kiên Giang, An Giang… sau khi biết kết quả chấm thi của môn Ngữ văn tỉnh mình đã báo cáo lên Bộ, đề nghị hoãn công bố kết quả để xem xét lại. Có điều gì bất thường ở đây?

So sánh tỷ lệ bài làm đạt trên 5 điểm của môn Ngữ văn năm nay so với năm ngoái thì thấy những biến động “bất thường”. Năm nay, lượng bài thi môn Ngữ văn tỉnh Kiên Giang đạt từ 5 điểm trở lên chỉ khoảng 20% so với 75% của năm ngoái (giảm gần 2/3). Tỷ lệ tương tự của tỉnh Đồng Tháp là 30/70; của tỉnh An Giang là 40/80, Hậu Giang là 30/50-60.
 
Các tỉnh “khiếu nại” bởi vì họ cho rằng không thể có chuyện kết quả làm bài của thí sinh lại quá kém cỏi so với các năm trước hay so với các tỉnh bạn, có chăng chỉ là do giám khảo tỉnh bạn “chấm ép” hay vận dụng máy móc biểu điểm chấm.

 

Có một luồng ý kiến cho rằng điểm môn Ngữ văn thấp bất thường như vậy là do giám khảo máy móc, đếm ý cho điểm, không xét đến toàn cục, bỏ qua sự sáng tạo vốn là đặc thù của môn Ngữ văn. Một người còn đưa ra dẫn chứng là một HS đạt giải quốc gia môn Ngữ văn, song điểm thi tốt nghiệp chỉ đạt 5 điểm (em Bùi Tứ Quý, giải Ba môn Ngữ văn quốc gia, giải Ba cuộc thi “Đường lên đỉnh Ôlimpia” năm 2009). Một số ý kiến lại “đổ lỗi” cho đáp án của Bộ cứng nhắc.

 

Thực ra, những “khiếu nại” này vẫn có lý của nó. Trước khi Bộ GD-ĐT công bố đáp án, một số báo đã mời các chuyên gia luyện thi Ngữ văn, các Tiến sĩ, thạc sĩ làm bài giải. Chúng tôi thấy nhiều vị Tiến sĩ, thạc sỹ cũng không làm bài “đúng ý” với đáp án khá nhiều, và dĩ nhiên điểm sẽ không cao (nếu được chấm theo đáp án).                       

 

Điểm Ngữ văn thấp, vì sao?

 

Trước hết, dù chưa có kết quả thanh tra của Bộ, chúng tôi xin khẳng định rằng, không thể có chuyện giáo viên tỉnh này chấm ép, cố tình hạ thấp kết quả thi của thí sinh tỉnh khác.
 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Đúng như ý kiến của ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng Giáo dục (Bộ GD-ĐT): “Không thể có hiện tượng giáo viên của sở này trù dập HS của sở kia. Họ không làm điều đó vì một mặt trái với lương tâm, mặt khác sai nguyên tắc của Bộ sẽ bị kỷ luật”. (Vietnamnet ngày 23/9/09).

 

Công tác chấm thi được tổ chức rất chặt chẽ, chấm đúng hai vòng độc lập, vì vậy giám khảo đã trao đổi kĩ lưỡng rồi mới thống nhất điểm. Trong quá trình chấm, Bộ GD-ĐT đã có công văn hỏa tốc yêu cầu tổ chức chấm nghiêm túc, đúng quy chế. Công tác chấm thi lại còn được kiểm định lại một lần nữa qua khâu chấm thanh tra (chấm lại 10% số bài).
 
Thực tế kết quả chấm thanh tra cho thấy chỉ có một số bài lệch 0,5 điểm giữa hai giám khảo và  người chấm thanh tra. Vì vậy, không thể có việc trù dập học sinh.

 

Điểm “thấp bất thường” hay “cao bất thường”?

 

Mấy năm gần đây, có rất nhiều ý kiến than phiền về tình trạng dạy học văn bị sa sút nghiêm trọng. Các môn KHXH bị coi là môn phụ, giáo viên cũng nản lòng, thiếu phấn đấu. Chất lượng môn Ngữ văn ngày càng đi xuống.

 

Một HS ở Hà Nội vừa tham gia kỳ thi viết: “Em là một thí sinh đi thi năm nay và thực sự cảm thấy không bất ngờ vì điểm Văn thấp. Ngày càng có nhiều học sinh Việt Nam coi thường và bỏ bê môn Văn, từ đó dẫn đến những câu văn “chết người” và rồi là điểm kém”.
 
Suốt cả quá trình thì không học, đến khi gần thi mới nháo nhào học thêm, học ôn, mua tài liệu về chép… Muốn học môn gì tốt cũng cần siêng năng, tích lũy trong thời gian dài; còn học theo kiểu đối phó, “mì ăn liền” như vậy, kết quả thấp là điều khó tránh.

 

Các giáo viên chấm thi luôn bắt gặp những bài thi “cười ra nước mắt”, và nhìn chung là chất lượng các bài thi xuống cấp rõ rệt. Kết quả chấm bài của thí sinh các tỉnh đang còn “khiếu nại” về điểm Ngữ văn thấp “bất thường” có rất nhiều con điểm 1,2. Khi cho bài thi 1,2 điểm, giám khảo rất trăn trở. Điểm số ấy chứng tỏ trong bài thi ấy “chẳng có gì” hoặc hoàn toàn lạc đề.

 

Việc một số ý kiến cho rằng điểm môn Ngữ văn thấp là do giám khảo thiếu linh hoạt trong vận dụng đáp án, bỏ qua sự sáng tạo của thí sinh. Ý kiến này chỉ đúng với thiểu số mà sai so với toàn cục.
 
Bởi vì những thí sinh có ý tưởng, cách trình bày sáng tạo, lưu loát mà đáp ứng được yêu cầu không nhiều. Đa số là những bài văn diễn đạt kém, kết cấu rối rắm, sai chính tả và ngữ pháp. Nếu giám khảo bắt lỗi, thì kết quả còn thấp hơn nữa. Bộ GD-ĐT cũng chỉ đạo giám khảo chỉ cho điểm khi thí sinh đúng ý và diễn đạt tốt. “Linh hoạt” chỉ là cách nói “uyển chuyển”, thực chất đó là bỏ qua cho những lỗi lầm của thí sinh, là “thương” học sinh không đúng chỗ.

 

Chúng tôi rất đỗi ngạc nhiên vì mấy năm trước thấy những học sinh không học hành gì, tư duy cũng tầm thường nhưng điểm thi tốt nghiệp môn Ngữ văn vẫn cao ngất ngưởng. Đơn giản là vì trong quá trình chấm, các giám khảo luôn được nhắc nhở về tinh thần “nhẹ nhàng”, “linh hoạt”, “quảng đại”, “vì tương lai con em”…

 

Năm trước vì chấm “thoáng” hơn nên kết quả cao hơn. Nay chấm “chặt” hơn, thì kết quả thấp hơn là đúng. Lẽ nào chúng ta phê phán những người làm đúng? Đành rằng những người “làm sai” cũng có cái lý của họ, cũng đáng thông cảm.

 

Có ý kiến đồng ý với việc chấm lại, nhưng không phải là chấm lại bài năm nay, mà chấm lại bài những năm trước xem thử có phải các giám khảo đã được chỉ đạo chấm quá “thoáng” hay không.
 
Năm nay, Bộ GD-ĐT cũng tổ chức chấm thẩm định một số địa phương có kết quả cao đột biến. Năm học trước, kết quả chấm thẩm định của Bộ cũng đã phát hiện ra hiện tượng giáo viên quá “hào phóng” khi cho điểm, nhưng không xử lý đúng mức.

 

Nếu cứ lấy tỉ lệ của năm ngoái ra làm “chuẩn”, thì hóa ra năm nay giám khảo đã vi phạm quy chế hàng loạt, và sẽ có hàng trăm giám khảo bị kỉ luật?! Có giám khảo nào lại nỡ lòng hoặc dại gì làm thế.

 

Nên nhìn thẳng vào sự thật để có giải pháp đúng

 

Những diễn biến sau kì thi cho thấy những bất cập cần phải khẩn trương rút kinh nghiệm và chấn chỉnh. Sự biến động bất thường về điểm số, về thứ hạng của các tỉnh trên bảng tổng hợp cho thấy sự thiếu tin cậy về kết quả thi, và những ảnh hưởng của “bệnh thành tích” còn đang khá nặng nề.

 

Dù muốn hay không, Bộ GD-ĐT cũng cần để ý đến tâm lý muốn nương nhẹ cho học sinh, tạo điều kiện cho các em vào đời của đại đa số cán bộ, giáo viên hiện nay. Hỏng tốt nghiệp sau 12 năm đèn sách là một cú sốc lớn đối với các em, và với cả gia đình. Nhiều hiện tượng đau lòng đã xảy ra.

 

Nâng cao chất lượng giáo dục không thể làm nóng vội, không thể là chuyện ngày một ngày hai. Đổi mới trong thi cử, kiểm tra đánh giá cần phải được tiến hành song song với các giải pháp nâng cao chất lượng như chất lượng đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất phục vụ dạy học, ý thức, điều kiện học tập của học sinh… Thậm chí các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục cần được ưu tiên đẩy mạnh hơn.

 

Chất lượng giáo dục, mức độ tin cậy của quy trình kiểm tra đánh giá trong các trường phổ thông đang bị thả nổi, nên việc siết chặt đầu ra qua kì thi tốt nghiệp sẽ trở nên bất cập. Hiện dư luận cũng đang rất quan tâm và lo ngại nếu chủ trương tổ chức kì thi tốt nghiệp THPT quốc gia (còn gọi là thi “hai trong một”) được tiến hành. Tổ chức kỳ thi “hai trong một” là một chủ trương đúng, song rất không phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh hiện tại.  

 

Mong rằng qua “sự cố” liên quan đến môn Ngữ văn năm nay, những người có trách nhiệm sẽ có những chấn chỉnh cần thiết.

 

Trần Quang Đại

Giáo viên Trường THPT Đức Thọ, Hà Tĩnh

 

LTS Dân trí - Cái gì bất thường so với những cái được cho là bình thường trước đây cũng dễ làm nảy sinh những băn khoăn. Điểm thấp “bất thường” của môn ngữ văn của học sinh một số tỉnh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua cũng nằm trong hoàn cảnh như vậy. Nhưng thật ra nếu xem xét khách quan và nhìn toàn cục thì điểm thấp nói chung của một môn nào đó phản ảnh đúng trình độ kiến thức và ý thức học môn ấy của học sinh.

 

Cách nhìn tích cực nhất đối với các trường cũng như các địa phương là từ kết quả kỳ thi nên tự xem xét rút kinh nghiệm về cách dạy cũng như ý thức và cách học các môn đạt điểm thấp để năm sau có kết quả tốt hơn.

 

Với trách nhiệm quản lý ngành, Bộ GD-ĐT cũng đang tiến hành thẩm tra những trường hợp bất thường, rút kinh nghiệm về mặt tổ chức và chỉ đạo kỳ thi xem có những ưu điểm, khuyết điểm gì để ngày càng hoàn thiện phương án tổ chức kỳ thi sao cho chuẩn mực, nghiêm túc và công bằng ở mọi hội đồng thi, nhằm phản ánh đúng thực chất trình độ học sinh ở mỗi trường, mỗi địa phương cũng như trên phạm vi cả nước.