Đắk Lắk:
Trưởng thôn bị tố mạo danh chữ ký để ăn chặn tiền cấp phát cho dân
(Dân trí) - Thời gian vừa qua, người dân trên địa bàn thôn 8 (thị trấn Ea Kar, huyện Ea Kar, Đắk Lắk) xôn xao trước sự việc vị trưởng thôn này đã nhận tiền kinh phí hỗ trợ người trồng lúa theo nghị định của Chính phủ từ thị trấn để phát cho dân, tuy nhiên trưởng thôn đã lập khống danh sách, mạo danh chữ ký của dân để ăn chặn tiền.
Bị dân tố mới đem tiền đến phát tận nhà
Theo đó, vào tháng 5/2015, thực hiện Nghị định số 42/NĐ-CP ngày 11/5/2015 về chi trả kinh phí hỗ trợ người trồng lúa từ năm 2013 đến năm 2015 với mức hỗ trợ 500 ngàn đồng/ha/năm cho hộ chuyên sản xuất lúa nước 2 vụ/năm và 100 ngàn đồng/ha/năm đối với hộ sản xuất lúa trên đất sản xuất khác 1 vụ/năm. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Ea Kar đã có công văn gửi về 15 đơn vị có danh sách được cấp phát trên địa bàn huyện, trong đó có UBND thị trấn Ea Kar.
Tại đây, vào đầu tháng 6/2015 UBND thị trấn Ea Kar đã giao lại số tiền hỗ trợ trên 12.700.000 đồng cho bà Hoàng Thị Tiến - Trưởng thôn 8 để về cấp phát lại cho 44 hộ dân theo danh sách đã đăng ký và phải hoàn tất, nộp danh sách lại cho UBND thị trấn trước ngày 30/6.
Theo phản ánh của người dân thôn 8, sau khi bà Tiến nhận tiền về đã không hề thông báo lại cho dân biết và không hề chi trả tiền cho người dân. Sự việc chỉ được phát giác khi một hộ dân trong thôn biết thông tin từ UBND thị trấn Ea Kar đã cấp phát tiền cho thôn lúc này bà Tiến mới… vội vã tìm gặp các hộ dân để đưa tiền.
“Tôi có nghe người dân trong thị trấn có trao đổi về việc những hộ trồng lúa nước sẽ được nhận tiền hỗ trợ của nhà nước, gia đình tôi cũng trồng lúa nước nhưng cũng không nghe thấy thông tin gì. Nên tôi đã tìm hiểu và phát hiện bà trưởng thôn đã gian dối rất nhiều trong quy trình thủ tục cấp tiền và còn lập khống hồ sơ nên tôi cùng một số người dân đã làm đơn tố cáo hành vi này của bà Tiến”, ông Trần Văn Hùng (SN 1962, ngụ thôn 8) bức xúc.
Đầu tháng 8/2015, ông Hùng đã đệ đợn gửi UBND thị trấn phản ánh vụ việc, sau đó đến ngày 28/8 bà Tiến liền tìm gặp người dân để cấp phát tiền. Tuy nhiên, theo danh sách được cấp phát tiền của thôn 8 lại không thực sự trung thực, có dấu hiệu bị ký mạo danh và kê khống danh sách lúa theo đúng thực tế.
“44 hộ được cấp tiền thì có nhiều hộ không có lúa vẫn được kê khai cấp tiền, có hộ có lúa lại không nằm trong danh sách, có hộ lúa từ ít lại thành nhiều và có rất nhiều trường hợp người dân bị bà Tiến ký mạo danh xác nhận đã nhận tiền, đây là việc làm mà chúng tôi cảm thấy rất bất bình”, ông Hùng nói thêm.
Việc bà Tiến xuống tận nhà dân phát tiền sau khi bị phát giác, khiến nhiều người dân tỏ ra hoài nghi trước việc làm này. Điển hình hộ anh Lê Xuân Trọng (SN 1975) có tên trong danh sách với diện tích 3.000m2 với mức hỗ trợ trên 300 ngàn đồng nhưng trưởng thôn đã không công khai cho gia đình anh, “ban đầu bà Tiến có gặp tôi đưa hơn 100 ngàn đồng bảo tiền nhà nước hỗ trợ, lúc này cũng không hề có danh sách hay giấy tờ gì nên tôi nhận đại. Sau này khi dân đâm đơn bà Tiến đến nhà tôi bảo trả tiếp cho tôi hơn 200 ngàn và đưa ra danh sách, tôi thấy tên tôi đã bị ký khống nên hỏi lại thì bà bảo do… nhầm lẫn. Tôi thấy việc làm của bà trưởng thôn không hề minh bạch, có dấu hiệu giả mạo để ăn bớt tiền nên dân chúng tôi cảm thấy mất niềm tin rất nhiều”, anh Trọng buồn bã nói.
Tương tự, hộ bà Hoàng Thị Quyến (SN 1960) có 3.000m2 lúa nước nhưng dù không hề đăng ký, lại được cấp phát đên 5.000m2 lúa, thắc mắc “Vào ngày 28/8 bà trưởng thôn có đưa cho tôi danh sách và trả tiền cấp phát, tôi thấy gia đình có ít nhưng sao lại được kê lên nhiều nên đã từ chối không nhận tiền. Đến ngày 1/9, UBND thị trấn có xuống nhà tôi lại để đưa tiền, xong tôi chỉ nhận đúng 3.000m2 tiền hỗ trợ còn lại tôi xin gửi trả lại nhà nước cấp cho hộ khác”.
Bên cạnh đó, có rất nhiều hộ dân phản ánh việc trong danh sách 44 hộ dân được cấp phát tiền có 2 hộ hoàn toàn không có tên trong thôn và đã bị mạo danh, “hộ bà Nguyễn Thị Mai và ông Trần Văn Thanh là hoàn toàn bị kê khống lập chỉ để nhận tiền trong khi đó gia đình tôi có lúa thì không được thông báo để đi đăng ký, thật là bất công!. Số tiền nhà nước hỗ trợ tuy không nhiều nhưng dân chúng tôi rất quý và coi trọng từng đồng vậy mà họ cố tình làm sai”, bà Phạm Thị Kỳ (SN 1952) chia sẻ.
Trưởng thôn thừa nhận sai sót do… nhầm lẫn
Trả lời trước những tố cáo của người dân, bà Hoàng Thị Tiến - Trưởng thôn 8 cho rằng: Sau khi nhận tiền về bà đã có thông báo trước cuộc họp chi bộ để thông báo lại cho dân, sau đó chỉ có một vài hộ đến lấy còn lại không ai đến nhận. “Đến hạn nộp danh sách mà còn hơn 22 hộ chưa tới lấy nên tôi đã… ký thay vào phần nhận tiền để sau này phát lại cho dân. Sau đó tôi còn cẩn thận ghi lại tên các hộ này trong sổ cá nhân để ai đến lĩnh sẽ ký vào xác thực”, bà Tiến biện minh.
Liên quan việc dân phản ánh bà Tiến tự ý kê khai diện tích và lập danh sách không minh bạch, bà Tiến cho rằng bà không thể nắm chính xác nhà nào có bao nhiêu lúa mà dân phải chủ động đăng ký, sau đó bà nộp lên cấp trên. Riêng đối với 2 hộ hoàn toàn không có tên trên địa phương, bà Tiến thừa nhận đó là sai sót của cá nhân bà “Hộ bà Nguyễn Thị Mai đúng là không có trên địa phương, cái này có thể trong quá trình lập danh sách tôi bị nhầm lẫn nên phần nhận tiền này tôi đã lỡ ký thay, nhận tiền và thấy không có nên tôi đã gửi trả lại cho UBND thị trấn. Còn hộ ông Trần Văn Thanh là do nhầm lẫn đánh máy nên nhầm với hộ của ông Trần Văn Mạnh trong thôn…”, bà Tiến lý giải.
Bà Tiến cũng cho biết trong quá trình làm việc bà có phần thiếu sót dẫn đến việc người dân gửi đơn tố cáo, “tôi không ký khống để ăn chặn tiền của dân, những việc làm này do nhầm lẫn nên dân làm đơn thư, công việc của tôi là “làm dâu trong họ” khó lắm chứ không đơn giản”, bà Tiến nói thêm.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Vương Khả Giáo - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Ea Kar cho biết: “Sau khi nhận đơn của người dân, thị trấn đã thành lập tổ xác minh mời bị đơn và nguyên đơn ra để lấy ý kiến và sẽ trực tiếp đi tận từng nhà các hộ dân để làm rõ, sự việc. Đây là lần đầu tiên ở địa phương xảy ra tình trạng này, quan điểm của chúng tôi là kiên quyết xử lý nghiêm nếu xảy ra sai phạm”.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Hoa - Phó trưởng Phòng NN&PTNT Ea Kar, cho biết: Quy trình để người dân được nhận tiền hỗ trợ lúa nước theo Nghị định 42/NĐ-CP của phải đăng ký vào mẫu đơn, kê khai số diện tích sau đó ban tự quản cấp cơ sở phải kiểm chứng thông tin rồi gửi báo cáo danh sách lên UBND thị trấn. Sau khi tiền được cấp phát về cho dân, địa phương phải có trách nhiệm thông báo công khai và niêm yết danh sách trong một thời gian nhất định.
Thúy Diễm