Trồng rừng nguyên liệu: Phát triển kinh tế, chống biến đổi khí hậu

Trong 7 năm qua, từ khi có chủ trương chuyển đổi từ việc trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi núi trọc sang trồng rừng nguyên liệu. Diện tích rừng trồng mới của tỉnh Nghệ An nói chung, miền núi nói riêng năm sau cao hơn năm trước.

Theo thống kê chưa đầy đủ từ năm 2002-2009, toàn tỉnh Nghệ An đã trồng được gần 83.000 ha/75.000 ha kế hoạch, vượt 10,6% diện tích theo kế hoạch đề ra.

Điều đáng phấn khởi nhất là trong tổng số diện tích rừng trồng mới, nhân dân tự bỏ vốn ra trồng chiếm tới trên 62%, để khẳng định rằng nhận thức của nhân dân về việc trồng rừng nguyên liệu đã được nâng lên rõ nét.

Trồng rừng nguyên liệu: Phát triển kinh tế, chống biến đổi khí hậu  - 1
Cơ sở ươm cây giống của một nông dân huyện Con Cuông hàng năm cung cấp hàng triệu cây giống cho nhân dân trồng...

Trồng rừng nguyên liệu đã góp phần tích cực trong công cuộc xoá đói, giảm nghèo, tạo việc làm và làm thay đổi bộ mặt nông dân miền núi. Mặt khác phải thấy rằng nhờ làm tốt công tác trồng, quản lý và bảo vệ rừng, nâng độ che phủ rừng của toàn tỉnh nói chung, miền núi nói riêng đạt cao nhất cả nước, nên hơn 10 năm qua, Nghệ An ít bị ảnh hưởng lớn của thiên tai bão lũ.

Việc tổ chức trồng và khai thác hợp lý rừng nguyên liệu vừa góp phần tích cực tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân. Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã và đang giàu lên nhờ trồng rừng nguyên liệu giấy. Cây mét (luồng), cây keo lá tràm đang là thế mạnh, vừa dễ trồng, dễ chăm sóc, bảo quản và nhanh cho khai thác.

Chỉ tính riêng tại huyện Con Cuông, các thôn bản như: Khe Rạn, Thanh Đào (xã Bồng Khê); Bãi Ổi (xã Chi Khê); Chôm Lôm, Đồng Tiến (xã Lạng Khê); Bãi Gạo (xã Châu Khê)… đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao, thôn bản trở thành đơn vị văn hoá tiêu biểu, nhờ có sự hỗ trợ đắc lực của kinh tế rừng.

Ba năm lại đây phong trào trồng rừng nguyên liệu tại Con Cuông phát triển mạnh. Diện tích rừng trồng mới hàng năm vượt hơn 200% kế hoạch đề ra, nhiều xã vùng sâu, vùng cao trước đây luôn là điểm nóng của việc phá rừng làm nương rẫy như: Đôn Phục, Mậu Đức, Thạch Ngàn, Cam Lâm, Lục Dạ, Châu Khê… Thì nay bà con các dân tộc thiểu số đã nhanh chóng phủ xanh diện tích nương rẫy trước đây bằng rừng keo, rừng mét, đưa diện tích rừng trồng mới của Con Cuông đạt trên 2.000 ha mỗi năm.

Ngay cả bà con dân tộc Đan Lai ở Lạng Khê, Châu Sơn, Khe Bu, Khe Nà (xã Châu Khê); Thạch Sơn (xã Thạch Ngàn) cũng đã biết mở rộng diện tích trồng rừng nguyên liệu giấy.

Độ che phủ rừng ở Con Cuông đến cuối năm 2009 đạt tỷ lệ 74%, nên trước đây vào mùa hè, Con Cuông thường được nhắc có nền nhiệt độ cao trong dự báo thời tiết, thì ba năm nay không còn được nhắc đến nữa. Nhờ làm tốt công tác trồng, quản lý và bảo vệ rừng, nhiều năm nay Con Cuông không có lũ quét, lũ ống xẩy ra.

Trồng rừng nguyên liệu: Phát triển kinh tế, chống biến đổi khí hậu  - 2
Bà con đang lấy các mầm chè đem đi ươm phục vụ cho trồng chè công nghiệp vụ xuân năm 2010

Năm 2010, theo dự báo sẽ có nhiều diễn biến bất lợi về thời tiết, sự biến đổi khí hậu của toàn cầu, cùng với tốc độ phát triển của các nhà máy, các khu công nghiệp sẽ thải ra lượng khí CO­2 sẽ ảnh hưởng lớn đến khí hậu Việt Nam.

Nếu như chúng ta làm tốt công tác bảo vệ rừng, giữ vững diện tích rừng hiện có, trồng thêm nhiều diện tích rừng mới, thì sẽ hạn chế rất nhiều về sự biến đổi khí hậu. Bởi do cây xanh hút khí CO2, nhả ô xy cung cấp khí thở cho con người và các loài vật, chưa nói đến việc giữ đất, giữ nước, cung cấp nguồn thức ăn … cho con người.

Hiểu rõ và nắm chắc giá trị kinh tế, giá trị xã hội và tính thời sự về sự tác hại của việc biến đổi khí hậu, cộng với truyền thống trồng cây đầu xuân. Chúng ta tin tưởng rằng phong trào trồng cây, trồng rừng năm 2010 sẽ phát triển, được nhân dân đồng tình hưởng ứng.

Phùng Văn Mùi