Trốn đóng bảo hiểm, doanh nghiệp có thể bị phạt lên đến hàng tỉ đồng

Ngọc Hảo

(Dân trí) - Theo luật sư, căn cứ vào số tiền trốn đóng bảo hiểm, số người lao động không được đóng bảo hiểm, doanh nghiệp vi phạm có thể đối diện mức phạt tiền cao nhất lên đến 3 tỷ đồng.

Gửi thắc mắc về báo Dân trí, nhiều bạn đọc cho biết, rất nhiều bạn bè, người thân của mình đang bị doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội. Vậy những doanh nghiệp này có bị phạt không và mức phạt sẽ như thế nào?

Trốn đóng bảo hiểm, doanh nghiệp có thể bị phạt lên đến hàng tỉ đồng - 1

Nhiều lao động khốn đốn vì doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội (ảnh minh họa: Quang Tùng).

Trao đổi với phóng viên Dân trí về vấn đề này, Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho biết, theo quy định tại Điều 21 Luật bảo hiểm xã hội 2014, người sử dụng lao động có trách nhiệm "lập hồ sơ để người lao động được cấp sổ bảo hiểm xã hội, đóng, hưởng bảo hiểm xã hội." Hơn thế nữa, tại Điều luật này cũng quy định người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động theo quy định pháp luật.

Vậy nên, trong trường hợp người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm cho người lao động, tùy theo tính chất mức độ của hành vi mà có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo đó, hành vi trốn đóng bảo hiểm được giải thích tại khoản 10 Điều 2 Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐTP là hành vi của người sử dụng lao động có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động thuộc đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Vì vậy, doanh nghiệp không đóng bảo hiểm bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động có thể bị xử phạt hành chính do vi phạm quy định về đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp vi phạm có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng căn cứ quy định tại điểm a khoản 7 Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.

Ngoài ra, doanh nghiệp vi phạm còn bị buộc phải đóng đủ số tiền bảo hiểm cho cơ quan bảo hiểm xã hội và phải nộp khoản tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng, không đóng, trốn đóng, chiếm dụng tiền đóng.

Nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng. Khoản tiền lãi của số tiền này tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt vào tài khoản của cơ quan bảo hiểm xã hội.

Trong trường hợp, đã bị xử phạt hành chính về hành vi trốn đóng bảo hiểm cho người lao động nhưng vẫn trốn đóng bảo hiểm từ 50.000.000 đồng trở lên hoặc trốn đóng bảo hiểm cho từ 10 người lao động trở lên trong thời hạn 06 tháng trở lên thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định tại khoản 5 Điều 216 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi 2017.

Căn cứ vào số tiền trốn đóng bảo hiểm, số người lao động không được đóng bảo hiểm, doanh nghiệp vi phạm có thể phải đối diện với mức phạt tiền thấp nhất là từ 200.000.000 đồng; mức phạt tiền cao nhất có thể lên đến 3.000.000.000 đồng. 

Trong trường hợp, doanh nghiệp giải thể, phá sản thì doanh nghiệp vẫn phải thanh toán các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể đã ký kết theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 54 Luật phá sản 2014. 

Vậy nên, trong trường hợp doanh nghiệp thực hiện hành vi trốn đóng bảo hiểm cho người lao động bị phá sản, giải thể thì vẫn bị xử lý theo chế tài nêu trên tùy vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm