Triết lý giáo dục nào cho Việt Nam?
Sau bài “Giáo dục: Cần một triết lý” của tác giả Dương Trung Quốc trên VietNamNet, đã có hàng chục bài khác về chủ đề này, nhưng có lẽ đáng lưu ý nhất là kết quả bàn thảo trong một hội nghị của Bộ GD-ĐT.
Phát triển sự nghiệp giáo dục cần dựa trên một hệ thống triết lý. Đó chính là một hệ thống quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước cần được vận dụng một cách sáng tạo phù hợp thực tiễn giai đoạn mới. Đó là: 1. Giáo dục và đào tạo có sứ mạng đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến của đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa, đồng thời tạo lập nền tảng và động lực công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước 2. Phát triển nền giáo dục của dân, do dân và vì dân là quốc sách hàng đầu 3. Giáo dục vừa đáp ứng yêu cầu xã hội, vừa thỏa mãn nhu cầu phát triển của mỗi cá nhân, mang đến niềm vui học tập cho mỗi người và tiến tới một xã hội học tập 4. Đẩy mạnh hội nhập quốc tế về giáo dục phải dựa trên cơ sở bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần xây dựng nền giáo dục giàu tính nhân văn, tiên tiến, hiện đại 5. Phát triển dịch vụ giáo dục và tăng cường yếu tố cạnh tranh trong hệ thống giáo dục là một trong những động lực phát triển giáo dục 6. Giáo dục phải đảm bảo chất lượng tốt nhất trong điều kiện chi phí còn hạn hẹp (trích dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục 2009-2020) |
Triết học và triết lý
- Phương Tây không phân biệt triết học và triết lý (họ chỉ có một từ: philosophy), nhưng vẫn có 2 loại: triết học “cụ thể” (như triết học giáo dục của một trường nêu lên để thu hút học sinh); và triết học “cao siêu”, ví dụ khi Aristot nói về sứ mệnh của giáo dục. Cũng tương tự, nhưng người Việt phân biệt thành triết học với triết lý: Một thứ thì cao xa, lĩnh hội không dễ, vận dụng càng khó; còn thứ kia thì gần gũi, rất “đời thường”, để mọi người tâm niệm khi hành động và ứng xử.
- Với người Việt, một câu danh ngôn trong sách triết học nếu hơi khó hiểu chưa hẳn đã thành triết lý của số đông. Ví dụ, câu: Biết rằng mình không biết (một điều gì đó), cũng là “biết” vậy! (tuy đã được dịch ra tiếng Việt). Trong khi đó, câu Nhân bất học bất tri lý, Ấu bất học, lão hà vi? hoặc Tiên học lễ, hậu học văn, không cần dịch sang tiếng Việt, nhưng vẫn dễ hiểu để trở thành triết lý rộng rãi của dân gian xưa.
Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn. |
- Trái lại, nhiều câu chẳng bao giờ gặp trong “sách thánh hiến”, như: “không thầy đố mày làm nên” hoặc “ăn vóc, học hay” (nghĩa: phải ăn mới có sức vóc; phải học mới biết điều hay) vẫn cứ là một triết lý rất phổ quát, trường tồn. Đáng chú ý là những câu triết lý về giáo dục của các cụ ta ngày xưa đều nhằm vào người học (hoặc cha mẹ người học); ví dụ: “Muốn sang thì bắc cầu kiều; muốn con hay chữ thì yếu lấy thầy”, hoặc “người dạy ta) một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy”…
- Có triết lý cho cá nhân, nhưng cũng có triết lý cho một nhóm, một cộng đồng, kể cả triết lý cho một dân tộc. Câu “giọt máu đào hơn ao nước lã” là triết lý cho cả họ tộc; còn “Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh” là triết lý của dân tộc. Thật bất ngờ, khi phương Đông và phương Tây có câu triết lý rất giống nhau: Ne fais pas à un autre ce que tu ne veux pas qu’il soit te fait (chớ làm cho người khác cái điều mà bạn không muốn người đó làm cho mình); và Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân (điều gì mình không muốn thì chớ có làm cho người khác).
Triết lý giáo dục trước hết cần nhằm vào người học
Để bàn về triết học giáo dục (philosophy of education, educational philosophy), chúng ta có sẵn một kho tư liệu “thiên kinh, vạn quyển” (trên internet), tích luỹ từ thời Plato, Aristote, Khổng Tử… tới nay – mà một nhà triết học chuyên sâu cũng chưa chắc đã đọc hết. Nhưng cuộc cãi cọ hàn lâm sẽ bất tận và ít bổ ích. Còn để bàn về triết lý giáo dục lại khác. Đó là bàn về những điều rất cụ thể, dễ hiểu, dễ đi vào lòng người.
Không ai cấm người học, người dạy và người quản lý có triết lý riêng. Nhưng định đề xuất triết lý cho giáo dục thì trước hết phải nhằm vào người học, vì hai lý do: 1) Ham học (chứ không phải ham dạy hoặc ham quản lý) mới là động lực mạnh mẽ nhất thúc đẩy phát triển giáo dục (nước nghèo càng cần); 2) Nếu trên 20 triệu học sinh đất Việt tâm niệm làm theo triết lý “ham học” sẽ khiến một triệu thầy cô phải tự có triết lý phù hợp và buộc các nhà quản lý cũng vậy.
Triết lý do dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục đưa ra, rõ ràng không phải dành cho thầy hoặc cho trò. Nếu viết lại cho phù hợp với “chuẩn”, có thể trở thành triết lý của người quản lý. Hơn ai hết, đội ngũ cán bộ quản lý nước ta phải quán triệt các quan điểm của đảng cầm quyền. Nhưng biến được quan điểm thành triết lý để ngày đêm tâm niệm thực hiện quả là không dễ, vì không chỉ là chuyện thay đổi câu chữ mà xong. |
Nhờ ai mới có ai?
Trong một xã hội, phải có người học (có nhu cầu học) thì người dạy mới được sinh ra. Thực tế, người học (và cha mẹ họ) nuôi sống người dạy. Xưa, đức Khổng Tử có hàng ngàn môn sinh là do đạo cao đức trọng và do ngài không tiếc công dạy. Nhưng cũng còn do phải nhiều học trò mới nuôi nổi một thầy giỏi. Câu triết lý: Nhất sĩ, nhì nông; hết gạo chạy rông, nhất nông, nhì sĩ” còn lưu hành… thì giáo dục chưa thể phát triển. Ở nước ta, mầm mống suy thoái và chệch hướng của giáo dục bắt đầu lộ diện khi thầy cô giáo (và trí thức) bị đưa về quê để… học lao động, đặng cải tạo tư tưởng (!).
Khi số thầy và trò trong xã hội đông đảo hơn, việc dạy và học cần đi vào nề nếp thì người quản lý mới có lý do sinh ra, được cả thầy và trò nuôi sống.
Quan niệm “ai sinh ra ai” làm xuất hiện hai loại triết lý giằng co tới hôm nay: 1) Giáo dục tạo ra những công dân gương mẫu phục vụ cho một xã hội; và 2) Giáo dục tạo ra những con người có năng lực và dũng khí cải tạo xã hội. |
Do vậy, thúc đẩy nhu cầu học tập trong xã hội là cách tuyệt vời để phát triển giáo dục. Động lực mạnh mẽ nhất để có nhiều người đi học (và họ đều ham học) là hễ ai học cao, học giỏi phải thu được lợi ích vật chất và tinh thần tương xứng với học lực. Không khó để hiểu như vậy, nhưng đừng làm trái mới thật khó. Do vậy, phải là một xã hội thiển cận lắm mới để nảy sinh và lưu hành câu triết lý, tới nay chưa thể quên: “Văn hay, chữ tốt không bằng học dốt nhiều tiền”.
Một ví dụ về sự đề xuất triết lý nhằm vào người học.
Các cụ thời Đông Kinh Nghĩa Thục đề ra triết lý: “Học thật (để có) nghề thật” (thực học - thực nghiệp). Người học, bằng trực giác, hiểu ngay rằng… hễ có nghề “thật” sẽ có thu nhập “thật” nuôi thân và gia đình. Đây sẽ là lực lượng chi phối chương trình (của nhà nước) và cách dạy (của thầy), vì học sinh sẽ chỉ chọn nơi nào “dạy thật”, “dạy thiết thực” để xin học. Và còn gì ích lợi cho xã hội hơn, nếu ai cũng có một nghề “thật”: từ ông quan cho tới dân thường? Thực dân Pháp bóp chết Đông Kinh nghĩa thục, nguyên nhân sâu xa chính là do cái triết lý này.
Xin được thán phục các cụ ta đã đề xuất được một triết lý theo nguyên tắc ngàn đời không cũ: 1) Về hình thức, không cần “hoành tráng” cứ như nghị quyết, khẩu hiệu) và không tỏ ra đứng trên cao ban phát xuống; 2) Về nội dung, trước hết, trên hết, phải nêu được lợi ích của bản thân người học - nếu họ “học thật”; 3) lợi ích của người học phù hợp lợi ích chung khiến họ yên tâm: không bị quy kết là… cá nhân chủ nghĩa (!). |
Triết lý nào cho giáo dục nước nhà?
Nếu nói thiếu sót số 1 của dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục 2009-2020, tôi xin nói ngay là: Nó không thể hiện nội dung các văn bản quan trọng nhất của UNESCO về giáo dục cho thế kỷ 21, nhất là về triết lý.
Khỏi cần nói, Việt Nam luôn luôn nhấn mạnh “hội nhập” và từ lâu đã tham gia UNESCO.
Tính triết lý toát ra trong mọi phần của văn bản, nhưng tập trung nhất ở chương IV, nhan đề Bốn trụ móng của giáo dục (The Four Pillars of Education).
Theo Delors, một nền giáo dục có sức sống là nhờ trong xã hội có nhiều người học và đều ham học. Sự ham học sẽ mạnh mẽ và bền vững nếu người học đạt được mục đích mà trước khi học họ tự đặt ra cho mình, miễn là mục đích này phù hợp với lợi ích xã hội. Như vậy, nhu cầu và mục đích học tập là cái trụ móng để ngôi nhà giáo dục đứng vững.
Với thế kỷ 21, các trụ móng của giáo dục phải thể hiện đầy đủ mục đích học tập của từng người và của mọi người: 1) dù người đó tuổi nào, trình độ nào, sống ở đâu, làm nghề gì; 2) dù anh ta theo tôn giáo nào và ý thức hệ là gì.
Và 4 trụ móng được đề xuất là:
Học để biết (Learning to know) | Học để làm (Learning to do) | Học để chung sống (Learning to live together) | Học để tồn tại (Learning to be) |
Ở nước ta, học sinh phổ thông đã được thầy cô dạy Văn cho bình luận về 4 trụ của giáo dục. Lẽ ra, người lớn phải bỏ thời gian, công sức thảo luận cho kỹ trước đã. Vậy mà không hiểu sao, dự thảo Chiến lược của ngành lại không lấy đó làm căn cứ.
Vận dụng và biến thành triết lý cho người học nước ta
Trong văn bản, mỗi trụ móng đều được giải thích, với văn phong sáng rõ và nội dung súc tích. UNESCO giữ bản quyền để không ai có thể tuỳ tiện thay đổi, nhưng ai cũng được sử dụng, vận dụng, trừ khi nhằm mục đích thương mại.
Vận dụng thực hiện tới mức nào tuỳ hoàn cảnh và điều kiện cụ thể.
- Học để biết. Nó đơn giản và dễ hiểu như chân lý; và là mục đích nguyên thuỷ của người học. Do vậy, đủ tiêu chuẩn trở thành triết lý (ta đã từng có câu “ăn vóc, học hay”).
Nếu trở thành triết lý, nó sẽ quy định cách dạy kiến thức của thầy và quy định chương trình kiến thức mà người quản lý ban hành. Bởi vì đã có quy định thế nào là “biết”.
Một nhà thơ, nếu thích có thể tìm hiểu để biết về Big Bang, và đó là chuyện cá nhân. Với toàn xã hội thì những điều cần “biết” phải mang lại lợi ích mưu sinh (câu của ta: “cần gì học nấy)”.
Nếu “học để biết”, thì trước hết phải biết cái gì (the know what). Đó chính là chương trình kiến thức học do Bộ Giáo Dục ban hành. Tiếp đó, phải “biết” vận dụng kiến thức (the know-how). Chính nhờ quy định này mà ông thầy không được phép tự biến thành “cuốn sách giáo khoa biết nói” để biến trò khỏi thành cái túi nhớ. Cuối cùng, người học phải biết dùng kiến thức để giải quyết (trên lý thuyết) các tình huống liên quan (the know how-to-do).
Hai cái “biết” sau (the know-how và the know how-to-do) đòi hỏi rất nhiều công sức và thời gian của thầy, nhưng sự bổ ích sẽ khiến việc học quả là niềm vui; khẩu hiệu “đi học là hạnh phúc” sẽ không “xuông” như hiện nay. Hệ quả tích cực sẽ là: 1) Chương trình không thể quá tải, mà buộc phải tinh lọc - để có thời gian dạy vận dụng và ứng dụng. Người ta sẽ “học một - biết mười”; 2) Tạo ra cách dạy và học tích cực, tiến tới tự học.
Tôi nói dài dòng vì tôi đang bất lực khi thấy cái chương trình “nhồi nhét” hiện nay.
Học để làm. Nó đơn giản như một triết lý của người sắp bước vào đời. Người học hiểu quá rõ: xã hội chỉ trả tiền nếu mình “biết làm”, chớ không dừng lại ở “biết nói”. Các cụ ta đã từng chê người học mà không biết làm bằng câu triết lý “học chẳng hay, cày chẳng biết”.
Nhưng “làm” ngày nay không chỉ là dùng sự khéo léo của cơ bắp để hoàn thành một công việc, mà còn gồm rất nhiều kỹ năng khác. Điều này cứ để xã hội yêu cầu nhà trường. Sẽ tới lúc học sinh vừa mới đọc thông viết thạo phải được trang bị kỹ năng tìm kiếm trên mạng.
Học thực hành thường tốn kém (phải có trang thiết bị). Do vậy, dễ bị những nước nghèo thay bằng lý thuyết, đưa đến tình trạng người học chỉ nói giỏi mà không làm được. Nếu trở thành triết lý, người học sẽ đổ xô vào trường nào quảng cáo rằng “đảm bảo những lý thuyết đã học đều được thực hành”.
Học để chung sống. Khoan nói mục tiêu cao nhất là duy trì hoà bình và hợp tác cho nhân loại. Đối lập là đương nhiên, muốn chung sống phải biết chấp nhận, khoan dung và biết đối thoại. Hy vọng nếu giáo dục làm được điều này, thế giới sẽ không còn đối đầu, xung đột, khủng bố, mà chỉ còn hợp tác, tương hỗ và cạnh tranh lành mạnh.
Mục tiêu chung là mỗi cá nhân, từ tuổi mẫu giáo, phải học để trở thành một thành viên được hoan nghênh trong tập thể của mình; đồng thời phải là thành viên tích cực.
Quả vậy, ngay một em bé lớp mẫu giáo đã phải học cách chung sống với bạn, với ông bà, cha mẹ, anh chị em. Đứa trẻ học môn Đạo Đức, Luân Lý, hoặc Giáo Dục Công Dân… rốt cuộc phải có kỹ năng ứng xử tốt trong gia đình, nhóm bạn, xã hội…
Học để tồn tại (câu triết lý của một nhân vật trong vở kịch: to be or not to be) - có người dịch là học để tự khẳng định. Văn bản gốc đã nói rõ về nội hàm. Nó là kết quả tổng hợp của cả 3 cái “học để…” ở trên. Người học được xã hội đánh giá và đãi ngộ xứng đáng cả về vật chất, tinh thần. Đồng thời xứng đáng được tôn vinh, vì sự cống hiến cao gấp bội sự đãi ngộ.
LTS Dân trí- Triết lý giáo dục có vai trò như “kim chỉ nam” của chiến lược phát triển giáo dục, Nhưng muốn xác định cho đúng triết lý giáo dục thì trước hết phải hiểu rõ và thống nhất về khái niệm, nội hàm của từ “triết lý”. Sau nữa là xác định rõ việc xây dựng Triết lý giáo dục cho đối tượng nào (Thầy, Trò hay Người quản lý) và dựa trên căn cứ nào?
Bài viết trên đây của GS. Nguyễn Ngọc Lanh là những suy nghĩ có căn cứ và có chiều sâu về Triết lý giáo dục, đáng được trân trọng tham khảo trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Chiến lược phát triển giáo dục 2009-2020.