Tranh cãi hình ảnh trơ trọi của móng cọc cầu Trung Hà nối Hà Nội - Phú Thọ
(Dân trí) - Theo dõi hình ảnh cầu Trung Hà, nhiều người đặt nghi vấn về chất lượng thi công. Ngược lại, nhiều ý kiến cho rằng hình ảnh đăng tải không phản ánh đúng thực trạng cây cầu.
Ngày 5/1, mạng xã hội xuất hiện hình ảnh sông Đà cạn nước để lộ trụ cầu Trung Hà (thuộc QL32, đoạn nối Hà Nội với Phú Thọ) trơ sắt thép, nhiều tảng bê tông ở trụ cầu bị vỡ. Trong đó, hình ảnh về phần móng "trơ trọi" của trụ cầu là điều được nhiều người quan tâm và đặt câu hỏi.
Bình luận dưới bài viết "Xôn xao hình ảnh trụ cầu Trung Hà nối Hà Nội - Phú Thọ trơ sắt thép" của Dân trí, độc giả Hưng Nguyễn Văn bày tỏ cảm xúc khi chứng kiến hình ảnh trụ cầu Trung Hà: "Nhìn móng cầu mong manh quá... hãi".
Chung cảm nhận, anh Hoàng Minh Đức viết: "Ơn giời ngày cạn nước! Sao mong manh dễ vỡ vậy!".
"Chân cầu được ép cọc lơ lửng trên mặt nước, nếu sông không cạn thì không biết sẽ như thế nào? Tôi cứ nghĩ các mố cột phải được khoan nhồi và đổ từ dưới lên, không nghĩ lại thiết kế ép cọc lơ lửng xong gắn trụ vào cọc ép như thế nào", người dùng Hải Nguyễn đặt câu hỏi.
Những ý kiến nghi vấn tạo ra làn sóng tranh luận về việc thi công cũng như chất lượng của trụ cầu. Giải thích về việc trụ cầu "trơ trọi" sau 20 năm, anh Viết Khánh Nguyễn nêu ý kiến: "Cát tặc hút hết cát đi bán, cầu trơ chân ra có gì lạ đâu. Sông Đà độ dốc cao, tốc độ dòng chảy lớn, cứ hút hết cát như vậy thì cây cầu đứng vững sau 20 năm đã là kỳ tích rồi".
Đặt câu hỏi ngược, độc giả Tran Cong Ninh viết: "Thử đếm xem mỗi ngày có bao nhiêu xà lan hút cát vàng ở lòng sông quanh khu vực cầu Trung Hà để vận chuyển về Quảng Ninh, Hải Phòng phục vụ xây dựng, phát triển các vùng kinh tế trọng điểm? Cầu còn đứng được như vậy là may rồi. Các cơ quan chức năng nên đánh giá tác động môi trường của việc khai thác cát ở các sông hồ lại cho đúng".
"Do hút cát lòng sông mà ra. Hồi xưa móng chân cầu nằm sát dưới đáy sông, giờ đáy sông sâu xuống cả chục mét như vậy, đủ hiểu hút cát cỡ nào rồi", ý kiến từ độc giả Thái Nguyễn.
Bên cạnh hình ảnh móng cầu "trơ trọi", nhiều người cũng đặt nghi ngờ trước việc xuất hiện các móng cọc được ép xiên, nghi do thi công "ẩu" hoặc không đảm bảo chất lượng dẫn tới việc xô lệch theo thời gian. Tuy nhiên, dưới góc độ kỹ thuật, nhiều người đã phản biện các quan điểm này.
Từ góc nhìn của người làm chuyên môn, anh Nguyễn Văn Khánh viết: "22-25 năm trước chưa đủ điều kiện kinh tế, kỹ thuật nên sử dụng biện pháp đóng/ép cọc. Cọc không thẳng hoàn toàn (nhất là vị trí nối) là điều bình thường, áp dụng ngay cả trong thời điểm hiện tại. Trong hình thấy rõ, bê tông lót bị vỡ mảng lớn nhưng lớp này được đổ dày, chỉ để tạo điều kiện thi công bệ móng, không có tác dụng chịu lực khi kết cấu hoàn thành. Bệ móng không nứt nẻ, đầu cọc không đâm ra khỏi bệ, không thấy cốt thép đầu cọc.
Sông Đà cạn nước hay hết sạch nước thì kết cấu chịu lực vẫn không thay đổi, từ tải trọng, mặt cầu, kết cấu nhịp, xà mũ, thân, bệ, cọc, đất. Mất vài mét bùn cát phía trên mà đã la làng cầu hỏng thì chẳng ai cầm nổi bằng kỹ sư xây dựng. Có chăng phải tìm biện pháp để khỏi bị xói mòn sâu thêm, khả năng là xây thêm các ụ phía thượng nguồn để bồi tụ cát tại vị trí chân cọc".
"Đây là các trụ dạng móng cọc đài cao. Các trụ gần bờ có móng cọc đóng, các cọc biên thiết kế xiên, thi công đúng như thiết kế. Phần bê tông dưới đài cọc trông "nhom nhem" đó là bê tông bịt đáy, không phải kết cấu chính của trụ. Nó ngăn nước cùng với vòng vây cọc ván xung quanh để đảm bảo rằng đổ bê tông bệ trụ trong điều kiện khô ráo. Phần bê tông này không có tác dụng gì ngoài việc ngăn nước khi thi công, nó có thể bị phá bỏ hoặc thông thường để nguyên.
Hiện nay, lòng sông bị xói lở nhiều, kể cả khu vực gần bờ quanh các trụ cọc đóng này, khác nhiều so với hơn 20 năm trước, thời điểm thiết kế và xây dựng cầu, là hướng bất lợi cho móng cọc đài cao. Đó là nguyên nhân mà đơn vị quản lý, khai thác yêu cầu hạn chế xe tải nặng chạy qua cầu. Việc này cần tính toán lại kết cấu móng trụ (do đường xói thấp hơn trước đây) và có giải pháp khắc phục", anh Ngô Thái Bình phân tích.
"Ép cọc xiên là đúng rồi. Vì cọc không có dẫn hướng, đôi khi cọc dài phải nối thì càng xiên. Cọc xiên làm tăng tính ma sát trong một số trường hợp, bởi vậy, đài cọc như vậy là bình thường, không nên nói mong manh dễ vỡ. Tôi chưa thấy hình ảnh nào có sắt thép, đề nghị cung cấp thêm hình ảnh để làm rõ", độc giả Phan Trung Duyên tiếp lời.
"Mấy cọc đầu hồi phải ép xiên để chống trượt ngang đúng rồi, vấn đề là chưa đẹp được như lý thuyết thôi", "Trong 1 nhóm cọc, người ta cố ý ép xiên một vài cọc để chống trượt ngang. Theo dõi hình ảnh chụp hết các móng cầu, móng nào cũng có một cọc xiên theo quy luật"... nhiều ý kiến phản biện khác được đưa ra trước những nghi vấn về chất lượng thi công của công trình.
Mới đây, một lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Phú Thọ cho biết chưa phê duyệt dự án sửa chữa cầu Trung Hà. Địa phương này đã báo cáo xin ý kiến của Bộ GTVT về phương án trước mắt và lâu dài về hư hỏng trụ cầu. Biển cảnh báo nguy hiểm, giới hạn tốc độ, trọng tải xe qua cầu được cắm từ ngày 28/12/2023, thực hiện theo ý kiến của Cục Đường bộ Việt Nam về việc trực gác, điều tiết giao thông và thực hiện thủ tục sửa chữa đột xuất cầu Trung Hà.
Hoàng Diệu