Tiêu điểm số 50.2009:

Trải thảm đỏ cũng phong trào

(Dân trí) - Khắp nơi rộ lên phong trào "trải thảm đỏ" đón nhân tài. Nhiều địa phương cử đoàn lên tận TPHCM, tổ chức giao lưu với sinh viên, mời gọi những người có tâm huyết về làm việc, sẽ có chính sách đãi ngộ để yên tâm công tác.

Những người có học vị cao sẽ được hưởng quyền lợi cao, nghe rất hấp dẫn... Nhưng nước ta có một điều rất lạ, đó là chuyện gì cũng làm theo phong trào.
 
Tuyển nhân tài cũng giống như nhiều phong trào sôi nổi khác, thích khoe khoang nhưng thiếu thực chất. Ví dụ như việc nhiều tỉnh thi nhau mở nhà máy đường,  rồi tỉnh nào cũng xây dựng khu công nghiệp, tranh nhau cấp dự án sân golf, gần nhất là tỉnh nào cũng cố gắng mở trường đại học. Cái bệnh phong trào không cần truyền nhiễm nó cũng tự phát. Chẳng lẽ tỉnh người ta "trải thảm đỏ" mà mình không "trải thảm đỏ"? Hóa ra mình thua kém, mình không trọng nhân tài hay sao? Trò chơi phong trào nơi nào cũng có, kể cả chuyện thu hút nhân tài.

Thế là đua nhau trải thảm, còn thảm có đỏ không lại là chuyện khác, nhân tài có đến hay không cũng chẳng ai quan tâm. Tệ hơn, ngay cả khi có người đến gõ cửa thì "cửa vẫn đóng và đời im ỉm khóa". Mới đây, cả nước chứng kiến "chất lượng" của những chiếc thảm. Sinh viên vừa ra trường Phan Thị Cảnh ở Nghê An bị các ngành của tỉnh này đá như bóng suốt cả năm trời. Trần Thị Diệu Hương ở Quảng Bình bị mất việc vì có bằng đại học. Kỹ sư Nguyễn Văn Hưng ở Quảng Ninh có nhiều bằng quá nên bị loại trong cuộc thi tuyển công chức... Người có bằng cấp bị hắt hủi, bị ruồng rẫy, vậy thì những chiếc thảm trải ra cho ai và vì mục đích gì?

Cái lối tuyển dụng vì quan hệ, vì quyền thế, vì lợi ích cá nhân đã làm giảm chất lượng đội ngũ công chức trong bộ máy nhà nước. Những người có năng lực thực sự  không có cơ hội bước vào cơ quan chính quyền hoặc vào rồi nhưng quá ngán ngẫm với sự trì trệ, lạc hậu trong quy trình làm việc và hoạt động điều hành nên phải cuốn gói ra đi. Chính vì lẽ đó cho nên chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính công không được cải thiện như mong muốn.

Trong cuộc cạnh tranh chất xám giữa các cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp tư nhân thì tư nhân dành thế thượng phong. Họ tìm người đúng người, làm việc đúng việc, trả lương phù hợp và có chính sách để người có khả năng có cơ hội phát triển. Trong các cơ quan nhà nước, còn có kiểu chắn cửa chèn lối người tài, giữ chỗ sắp ghế cho "người nhà" dù bất tài. Còn những người như thế giữ nhiệm vụ canh cửa "tổ chức" thì còn lâu nhân tài mới bước vào được cửa cơ quan nhà nước để đóp góp, cống hiến.

Lê Chân Nhân