Trách nhiệm pháp lý vụ sạt lở làm 4 người tử vong ở Lâm Đồng

PV

(Dân trí) - Luật sư nhìn nhận dựa trên những dữ liệu hiện có, chưa đủ cơ sở để xử lý hành chính hoặc hình sự cán bộ địa phương. Nếu có sai phạm, có thể xử lý kỷ luật bằng các biện pháp như kỷ luật, khiển trách.

Như Dân trí đã thông tin, khoảng 14h30 ngày 30/7, một vụ sạt lở xảy ra ở khu vực đèo Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) làm 3 cán bộ Cảnh sát giao thông và một người dân tử vong. Theo ghi nhận, khu vực sạt lở không trồng cây bản địa của rừng phòng hộ mà được người dân sử dụng để canh tác, trồng cây sầu riêng.

Bà L. (76 tuổi, chủ vườn sầu riêng) cho biết, khu đất được bố bà khai hoang từ trước 1975. Sau khi ông mất, bà được giao quản lý khu đất và sử dụng để trồng các loại cây khác nhau như lúa, bơ, cà phê, mít. Do các cây trồng cũ kém hiệu quả nên tới năm 2020, người phụ nữ chuyển sang trồng cây sầu riêng.

Lãnh đạo thị trấn Đạ M'ri, huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng) xác nhận việc này và cho biết bà L. bắt đầu canh tác trên ngọn đồi từ năm 1985. Khu đất này đã đưa ra quy hoạch ngoài 3 loại rừng từ năm 2008, theo quyết định số 450 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc đưa ra khỏi quy hoạch rừng đặc dụng, phòng hộ và sản xuất để sử dụng đất phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Trách nhiệm pháp lý vụ sạt lở làm 4 người tử vong ở Lâm Đồng - 1

Toàn cảnh vụ sạt lở nhìn từ trên cao. Khu vực sạt lở không có cây rừng mà được trồng sầu riêng (Ảnh: Hải Long).

Còn theo Cục phó Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khu vực trồng sầu riêng chắc chắn là rừng phòng hộ. Do vậy, vị trí này phải trồng cây bản địa có bộ rễ phát triển, lá không rụng theo mùa. Việc trồng sầu riêng trên đất rừng phòng hộ khiến đất không có độ che phủ, có trách nhiệm của địa phương, cụ thể, địa phương phải quan tâm, quy hoạch, rà soát lại đất rừng phòng hộ và trồng theo đúng quy định.

Từ những thông tin trên, độc giả Dân trí đặt vấn đề, với việc khu vực sạt lở là đất trồng sầu riêng thay vì cây bản địa, ai có thể phải chịu trách nhiệm trong vụ việc này?

Luật sư Đặng Phương Chi (Công ty Luật TGS, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, trong giai đoạn từ năm 1975 đến 1985, nước ta vừa giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước nên Nhà nước chủ trương tái thiết đất nước, củng cố chính quyền địa phương. Tới năm 1985, Bộ luật Hình sự đầu tiên, quy định cụ thể vi phạm, tội phạm mới được hình thành và đến ngày 1/1/1986, Bộ luật này mới có hiệu lực.

Dưới góc độ hình sự, việc cấp đất, cho phép người dân canh tác, trồng cây từ trước năm 1985 của các cán bộ địa phương thời đó sẽ không bị xem xét trách nhiệm hình sự và không áp dụng thời hiệu xem xét trách nhiệm hình sự đối với họ trong trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.

Còn dưới góc độ hành chính, thời điểm năm 1985, hệ thống pháp luật nước ta cũng chưa có quy định cụ thể về mức xử phạt. Tuy nhiên, theo Nghị quyết số 155/CP ngày 3/10/1973 của Phó thủ tướng thì Chủ tịch Ủy ban Hành chính các cấp ở địa phương có rừng sẽ chịu trách nhiệm về việc thi hành pháp lệnh và các quy định bảo vệ rừng trong phạm vi đất đai của địa phương mình, nhanh chóng khắc phục tệ nạn phá rừng, ra sức đẩy mạnh trồng rừng, tu bổ và nuôi rừng đúng với quy hoạch và kế hoạch của Nhà nước nhằm xây dựng diện tích rừng ổn định, có năng suất cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của nhân dân.

Tuy nhiên, do hành vi và các quyết định hành chính đã xảy ra từ năm 1985 nên không còn thời hiệu xử lý vi phạm hành chính.

Về trách nhiệm xử lý kỷ luật, khoản 18, Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức 2019 quy định như sau:

"…5. Việc xử lý đối với hành vi vi phạm trong thời gian công tác của cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu được quy định như sau:

a) Mọi hành vi vi phạm trong thời gian công tác của cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu đều bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Căn cứ vào tính chất, mức độ nghiêm trọng, người có hành vi vi phạm có thể bị xử lý hình sự, hành chính hoặc xử lý kỷ luật;

b) Cán bộ, công chức sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm gắn với hệ quả pháp lý tương ứng với hình thức xử lý kỷ luật.

Việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu có hành vi vi phạm trong thời gian công tác trước ngày 01 tháng 7 năm 2020 được thực hiện theo quy định của Luật này…".

Trách nhiệm của chính quyền địa phương khi đưa ra quy hoạch ngoài 3 loại rừng từ năm 2008

Từ những phân tích trên, luật sư Chi nhìn nhận, vụ việc vừa xảy ra nhưng cán bộ cấp phép từ năm 1985 đã nghỉ việc, nghỉ hưu. Tuy nhiên, dù đã nghỉ việc, họ vẫn có thể phải chịu một trong các hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách, chức vụ đã đảm nhiệm gắn với hệ quả tương ứng với hình thức kỷ luật, tùy thuộc mức độ hậu quả của hành vi.

Trách nhiệm pháp lý vụ sạt lở làm 4 người tử vong ở Lâm Đồng - 2

Điểm sạt lở bắt đầu từ giữa ngọn đồi, xung quanh bị chặt trụi cây để trồng sầu riêng (Ảnh: Hải Long).

"Theo Luật Lâm nghiệp 2017, rừng phòng hộ được sử dụng để chủ yếu để bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, chống xói mòn, sạt lở, lũ quét, lũ ống, chống sa mạc hóa, hạn chế thiên tai, điều hòa khí hậu, góp phần bảo vệ môi trường, quốc phòng, an ninh, kết hợp du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; cung ứng dịch vụ môi trường rừng. Do đó rừng phòng hộ phải trồng cây bản địa có bộ rễ phát triển, lá không rụng theo mùa nên việc trồng cây sầu riêng trên đất rừng phòng hộ phải có trách nhiệm của địa phương.

Việc chính quyền địa phương để người dân trồng cây sầu riêng trên đất rừng phòng hộ có thể bị xem xét trách nhiệm pháp lý, tùy thuộc mức độ sai phạm (nếu có)", luật sư Chi nói về trách nhiệm của chính quyền địa phương khi đưa ra quy hoạch ngoài 3 loại rừng từ năm 2008, theo quyết định số 450 của UBND tỉnh Lâm Đồng.

Còn đối với người dân, việc họ trồng cây sầu riêng trên đất rừng phòng hộ có thể sẽ không phải chịu trách nhiệm nếu họ hoàn toàn không biết được việc đưa rừng phòng hộ ra khỏi quy hoạch là sai quy định và chỉ làm theo Quyết định số 450 của UBND tỉnh Lâm Đồng.

Bên cạnh đó, luật sư cũng chỉ ra rằng nếu xác định nguyên nhân sự việc trên hoàn toàn do thiên tai, người dân và cán bộ quản lý sẽ không phải chịu trách nhiệm hành chính theo quy định tại khoản 4, Điều 11 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012. Tuy nhiên, chính quyền địa phương vẫn cần phải có trách nhiệm trong việc khắc phục hậu quả đối với sự việc trên.

Còn luật sư Trần Xuân Tiền (Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội) nhìn nhận, trên thực tế, nhiều trường hợp vi phạm quy định về sử dụng đất đai xuất phát từ việc người dân tự ý chuyển đổi mục đích, sử dụng đất trồng rừng để canh tác hoa màu. Tuy nhiên, trong vụ việc này, việc người dân canh tác không có lỗi mà họ chỉ làm theo quyết định của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc đưa toàn bộ khu đất này ra ngoài quy hoạch 3 loại rừng là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và sản xuất, để phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Từ những thông tin hiện có trên báo chí, luật sư Tiền cho rằng chưa đầy đủ cơ sở để xem xét trách nhiệm pháp lý của người dân hoặc chính quyền địa phương trong trường hợp này. Tuy nhiên, với việc sạt lở làm 4 người thiệt mạng, cơ quan chức năng có thể xem xét khởi tố vụ án hình sự để điều tra, xác minh theo quy định pháp luật.