Trả lại tên cho các anh hùng liệt sĩ "chưa biết tên"

Thay mặt các gia đình có anh hùng liệt sĩ vô danh, chúng tôi xin gửi tới <i>Diễn đàn Dân trí</i> đề xuất về một chương trình mang tính xã hội và nhân văn sâu sắc, đó là chương trình mục tiêu quốc gia "Trả lại tên cho các anh hùng liệt sĩ chưa biết tên".

Như mọi người đều biết, đất nước ta đã trải qua hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Hàng triệu người con đã anh dũng hy sinh để giành lại độc lập tự do cho tổ quốc. Nay chiến tranh đã qua đi nhiều năm nhưng vẫn còn hàng ngàn liệt sĩ (LS) chưa được qui tập, hàng trăm ngàn LS đã được qui tập về các nghĩa trang liệt sĩ nhưng lại yên nghỉ dưới những nấm mộ mang tên “LS chưa biết tên”. Đây là nỗi đau quá lớn không những của gia đình thân nhân các LS mà còn là nỗi đau dai dẳng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chế độ chính sách để tri ân với các anh hùng liệt sĩ (AHLS). Song việc làm tri ân mang ý nghĩa cao cả hơn hết thảy là trả lại tên cho các AHLS “chưa biết tên” vẫn chưa được quan tâm đúng mức gây bức xúc nhiều cho xã hội.

Từ nhiều năm nay, mỗi ngày có hàng ngàn, hàng vạn gia đình LS chưa tìm được hài cốt người thân phải tìm đến các nhà ngoại cảm, thày bói, cô đồng, nhờ cậy vào “năng lực huyền bí” của họ để hy vọng tìm được hài cốt người thân bằng mọi giá, cốt làm vơi đi nỗi đau tinh thần của người sống và vì vậy đã gây ra sự tiêu tốn vô kể cho xã hội.

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Trong sự phát triển khoa học - công nghệ hiện đại, việc ứng dụng công nghệ giám định gene ADN đã được triển khai ở Viện Công nghệ sinh học từ năm 2003 tới nay. Đây là một kỹ thuật tuy có tốn kém nhưng hết sức chính xác, khoa học và khách quan để thực hiện được việc trả lại tên cho các AHLS “chưa biết tên”.

Nhiều năm qua nền kinh tế của nước ta đã có bước phát triển liên tục, đời sống của nhân dân đã được cải thiện khá. Đã đến lúc Chính phủ cần đầu tư để giải quyết một vấn đề vừa thể hiện đạo lý truyền thống của dân tộc ta “uống nước nhớ nguồn” đối với các AHLS vừa mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc.

Việc đưa nhiệm vụ trả lại tên cho các AHLS “chưa biết tên” thành chương trình mục tiêu quốc gia hoàn toàn phù hợp với Quyết định số 42/2002/QĐ-TTg ngày 19/3/2002 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý chương trình mục tiêu quốc gia, vì:

- Đây là chương trình có mục tiêu rõ ràng, nằm trong chính sách xã hội trọng tâm của Chính phủ, đồng thời chương trình bảo đảm lượng hóa được khối lượng công việc và các chỉ tiêu cụ thể để thực hiện mỗi năm.

- Đây là một chương trình mang tính liên ngành gồm các Bộ: LĐTB&XH, Quốc phòng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Y tế, Công an, Khoa học và Công nghệ... do Bộ LĐTB&XH là Bộ quản lý chương trình. Chương trình được triển khai trên phạm vi cả nước, đặc biệt là hệ thống nghĩa trang liệt sĩ trên toàn quốc cùng với sự góp sức góp công của toàn xã hội.

- Thời gian thực hiện có thể hoạch định được một cách rõ ràng, tập trung trong 2 kế hoạch 5 năm là có thể hoàn thành cơ bản mục tiêu của chương trình.

- Đặc biệt là chương trình mục tiêu quốc gia Trả lại tên cho các anh hùng liệt sĩ chưa biết tên mang ý nghĩa xã hội và tâm linh sâu sắc, chắc chắn sẽ được toàn Đảng, toàn dân đồng tình ủng hộ.

Nội dung của chương trình bao gồm nhiều dự án nhưng tập trung vào 3 nhóm dự án chính:

Phần phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật mà nhiệm vụ chính là xây dựng “ngân hàng gene” cho các gia đình AHLS chưa biết tên. Nhiệm vụ này có thể giao cho các Bộ: Khoa học và Công nghê, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế... Nơi có các Labô sinh học phân tử đảm nhiệm. Nhưng có sự điều hành tập trung từ Bộ Khoa học và Công nghệ.

Phần xây dựng mạng lưới thu thập mẫu giám định ADN của các AHLS chưa biết tên được giao cho bộ Quốc phòng (đối với hài cốt LS trong khi qui tập chưa biết tên) và Bộ LĐ-TB & XH, cùng các địa phương thực hiện với các hài cốt LS đã được qui tập nhưng chưa biết tên.

Phần truyền thông “uống nước nhớ nguồn” giao cho bộ Thông tin và Truyền thông cùng các cấp các ngành ở các địa phương thực hiện.

Bộ KH & ĐT và bộ Tài chính chịu trách nhiệm về kế hoạch và cân đối ngân sách bảo đảm cho thực hiện các mục tiêu của chương trình này trong 2 đến 3  kế hoạch 5 năm.

Chúng tôi cho rằng, đây là vấn đề có tính cấp bách, nếu không được giải quyết sớm, chúng ta sẽ có lỗi lớn với những người đã hy sinh cho sự bình yên của đất nước hôm nay.

Đề xuất này chúng tôi đã gửi tới Thủ tướng Chính phủ và đã được Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng chỉ đạo Bộ LĐTBXH và các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng từ 1/10/2008.

Chúng tôi muốn gửi tới Diễn đàn Dân trí, mong rằng công luận cùng lên tiếng để sáng kiến này sớm được thực hiện.

Nguyen Dinh Thuong

LTS Dân trí - Đề xuất nói trên đáng được hoan nghênh và sớm được thực hiện. Tuy rằng tình hình kinh tế nước ta hiện nay còn nhiều khó khăn nhưng việc gì cần làm và nên làm vẫn có khả năng đầu tư và thực hiện.

Chỉ nghe tên của chương trình “Trả lại tên cho các Anh hùng Liệt sĩ chưa biết tên” đã thấy rõ mục tiêu của một chương trình đáng được thực hiện ở tầm cỡ quốc gia. Hơn thế, trình độ khoa học - công nghệ của ta hiện nay hoàn toàn cho phép dùng công nghệ ADN đế xác định chính xác danh tính của các AHLS chưa biết tên; điều này Viện Công nghệ sinh học (thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã thực hiện có kết quả tốt nhưng ở quy mô chưa lớn vì thiếu nguồn đầu tư và lực lượng phối hợp.

Nếu đề tài nghiên cứu ứng dụng này được nâng lên tầm vóc của một chương trình mục tiêu quốc gia chắc chắn sẽ được triển khai ở tầm vóc rộng lớn hơn nhiều, không những đáp ứng đúng nguyện vọng tha thiết nhất của rất nhiều gia đình thân nhân AHLS, mà còn thể hiện rõ đạo lý truyền thống nghĩa tình “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam ta.