TP Hà Nội: Nên có cơ chế quản lý riêng đối với Taxi tải

(Dân trí) - Taxi tải thường là các loại xe tải nhẹ, kích cỡ nhỏ. Từ ngày có Taxi tải, TP mới loại trừ được các loại xe ba bánh. Với đặc điểm riêng biệt đó, nếu xếp Taxi tải vào diện quản lý như xe tải bình thường thì có nhiều thiệt thòi, bất cập.

TP Hà Nội: Nên có cơ chế quản lý riêng đối với Taxi tải - 1

  Vòng xoay đường Phạm Hùng (ảnh: Nhật Ánh)

Đầu tháng 01/2011, Sở GTVT Hà Nội có quyết định số 2509/QĐ-GTVT, trong đó cấm toàn bộ các loại xe tải không được hoạt động trong nội thành từ 06h đến 21h. Sau khi có ý kiến của Lãnh đạo thành phố, ngày 07/01/2011, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội đã ra quyết định số 11/QĐ-GTVT thay thế quyết định số 2509/QĐ-GTVT, trong đó điều chỉnh lại cho phép các loại xe tải có tải trọng thiết kế dưới 01 tấn được phép lưu hành trong nội thành.

Trên thực tế, vào các thời gian cao điểm giao thông trong ngày (sáng từ 06h30 đến 08h30, chiều từ 16h30 đến 20h tối), chúng ta không hề thấy xuất hiện bóng dáng một chiếc xe tải nào hoạt động trong thành phố, bất kể trọng tải lớn hay nhỏ, kể cả ở những nơi thường xẩy ra tắc đường (do đã có quy định không cho phép xe tải lưu thông vào các giờ trên và được thành phố Hà Nội duy trì thực hiện từ năm 2002). Như vậy, có thể kết luận nguyên nhân dẫn đến tắc đường trong thành phố, xẩy ra chủ yếu vào các giờ cao điểm, hoàn toàn không có sự góp mặt của các xe ô tô tải loại nhỏ.

Một thực tế nữa, để đánh giá đúng vai trò của loại xe tải nhỏ, theo thống kê của Hiệp hội Taxi tải Hà Nội, số lượng xe tải dưới 01 tấn của các thành viên trong Hiệp hội và các cá nhân, các đơn vị kinh doanh vận tải khác trên toàn thành phố hiện có khoảng 2500 phương tiện, thật không thấm vào đâu so với con số Hà Nội tăng thêm 3500 phương tiện cá nhân – nguyên nhân chính của sự tắc đường - được đăng ký mới trong một ngày!
 
Mặt khác, số lượng 2500 phương tiện vận tải nhỏ nói trên đã trở thành “cứu cánh” cho việc sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa, đáp ứng tích cực nhu cầu vận chuyển cho hàng triệu người dân thủ đô, trở thành những mao mạch nhỏ, rất đỗi cần thiết, hòa vào mạch máu chính tuần hoàn để nuôi sống  Cơ Thể Hà Nội trong mỗi ngày qua. Có thể nói, nhu cầu vận chuyển, lưu thông hàng hóa của nhân dân cũng cần thiết và quan trọng như chính nhu cầu đi lại của mỗi người dân Hà Nội.
 
Năm 1996, dự án Taxi tải đi vào hoạt động tại Việt Nam và rất phát triển tại TP.HCM và Hà Nội. Nhà nước đã từng coi đây là dự án khuyến khích phát triển trên phạm vi cả nước bởi tính văn minh, hiện đại của mô hình Taxi tải. Nhờ mô hình này, thành phố Hà Nội đã thành công trong việc đẩy lùi và triệt tiêu hoàn toàn các loại xe thô sơ, lạc hậu như xe lam, công nông, xích lô chở hàng…, các phương tiện một thời gian dài tung hoành trong nội đô, trở thành nỗi ám ảnh của các cấp quản lý, của nhân dân Thủ đô bởi sự mất an toàn giao thông và mỹ quan đô thị.
 
Phát triển mô hình Taxi tải tại Hà Nội là một việc làm cần thiết và cấp bách (như TP.HCM đã và đang ưu tiên làm) bởi sự ưu việt mà loại hình vận tải này mang lại cho đời sống nhân dân và các cấp quản lý thành phố: Phương tiện vận chuyển nhỏ, hiện đại, dễ điều khiển, phù hợp với điều kiện đường xá giao thông chật hẹp của Thủ đô.

Thiết nghĩ, Sở GTVT Hà Nội nên xem xét đưa 2500 chiếc xe tải nhỏ tham gia kinh doanh vận tải hàng hóa nói trên vào diện quản lý, giám sát chặt chẽ thông qua hình thức cấp tem PHÙ HIỆU TAXI TẢI cho từng xe, nhằm quản lý số lượng phương tiện gia tăng. Yêu cầu các xe tải phải đóng thùng kín, đảm bảo an toàn khi vận chuyển. Mỗi đơn vị cần sơn xe thống nhất một mầu sơn biểu trưng cho từng doanh nghiệp, điều đó làm gia tăng giá trị thẩm mỹ cho loại hình văn minh, hiện đại này. Qua đó thành phố Hà Nội sẽ tăng thu ngân sách thông qua các loại phí hợp lý: Phí cấp phù hiệu Taxi tải, phí điểm đỗ, điểm dừng v.v…Quan trọng hơn, việc quản lý giá cước, thiết bị đồng hồ tính tiền trên xe của  2500  xe tải tham gia hoạt động kinh doanh là hết sức cần thiết, nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng (hiện nay chỉ có khoảng 400 phương tiện trong Hiệp hội Taxi tải Hà Nội là có dán tem kiểm định).

Trong những năm qua, thành phố Hà Nội đã phát triển tích cực theo hướng bền vững, dù hạ tầng giao thông chưa được đầu tư kịp thời so với sự phát triển nóng của các phương tiện vận tải, nhưng cũng không thể phủ nhận được sự cố gắng tích cực đổi mới bộ mặt giao thông đô thị của Sở GTVT Hà Nội và các cấp quản lý thành phố. Trong tiến trình phát triển của Hà Nội, việc thành phố phải điều chỉnh lại các chủ trương, chính sách cho phù hợp với từng thời điểm là hết sức cần thiết. Quan trọng là mỗi chủ trương, chính sách do các cấp quản lý thành phố ban hành phải đảm bảo hài hòa giữa sự phát triển bền vững và quyền lợi của xã hội, cộng đồng, đặc biệt là các quyết định có ảnh hưởng lớn đến đời sống của nhân dân và người lao động Thủ đô.

Vũ Văn Tiến

 

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm