Hồi âm:
TP. Hà Nội kiểm tra vụ tạo màu miến bằng hóa chất độc hại ở Cự Đà
(Dân trí) - Sau khi báo Dân trí phản ánh việc dùng hóa chất độc hại tạo màu miến ở làng nghề Cự Đà, UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo gửi các Sở, ban ngành khẩn trương kiểm tra, xử lý, báo cáo kết quả về UBND thành phố và Báo Dân trí.
“Ngày 12/5/2012, báo điện tử Dân trí có bài “Rùng mình trước công thức tạo màu miến bằng hóa chất độc hại ở Cự Đà”, về việc này, đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Chủ tịch UBND thành phố có ý kiến chỉ đạo như sau:
Giao Sở Y tế phối hợp với Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an Hà Nội, UBND quận Hoàn Kiếm, huyện Thanh Oai và các đơn vị liên quan kiểm tra sự việc báo nêu, xử lý theo quy định, báo cáo kết quả với UBND Thành phố và thông tin tới báo điện tử Dân trí theo quy định.
Trước đó, trong ngày 12/5/2013, báo Dân trí đã có bài viết “ Rùng mình trước công thức tạo màu miến bằng hóa chất độc hại ở Cự Đà” phản ánh việc phơi miến ở làng Cự Đà được thực hiện ngay bên cạnh dòng sông Nhuệ ô nhiễm đen kịt, hoặc phơi ngày trên mặt cống thoát nước hôi thối.
Điều PV Dân trí quan tâm nhất khi đến Cự Đà là công nghệ tạo màu để cung cấp ra thị trường loại miến có màu vàng ruộm, thứ màu sắc khác biệt hẳn so với những loại miến được sản xuất ở các tỉnh lân cận Hà Nội.
Theo công thức truyền thống, để miến có màu vàng ruộm, miến cần được nhuộm bằng mật mía. Sau khi đun đen và sánh giống kẹo đắng sẽ hòa với nước và đổ vào bột, khuấy đều lên rồi chế biến thành miến. Tuy nhiên, thời gian gần đây các đã không còn sử dụng công thức nhuộm bằng mật mía.
Miến ở Cự Đà bây giờ không chỉ có màu vàng, mà sẵn sàng đáp ứng đầy đủ màu sắc theo đúng yêu cầu của khách hàng. Người thích màu vàng sẽ có màu vàng, màu xanh có màu xanh và muốn để nguyên màu ban đầu là màu xám cũng sẽ được đáp ứng.
Thông qua một người quen, chúng tôi có ngỏ ý mua 1 lạng bột sắt dùng làm thí nghiệm cho học sinh. Không đề phòng và dè chừng, chủ xưởng có bán cho tôi 1 bọc nhỏ và không quên căn dặn: “Cho ít thôi, đi găng tay cẩn thận, nếu dính ra tay khó rửa lắm”.
Cầm bọc bột sắt mua được, đem cho 1 nhúm nhỏ vào cốc nước trắng, lập tức cốc nước đổi sang màu đỏ thậm chí còn lắng cặn dưới đáy. Tìm hiểu thêm, nguồn bột sắt là có người mang đến tận nơi cho các xưởng miến, hoặc các xưởng cho người lên chợ Đồng Xuân mua.
Giống như gói bột mua ở Cự Đà, khi nhúng vào nước, hóa chất mua trong chợ Đồng Xuân lập tức chuyển sang màu đỏ. Nếu vô tình dây ra tay hoặc ra bàn ghế lau rất khó sạch, thậm chí có cọ bằng xà bông. Dính ra tay đã vậy, không hiểu khi bột hóa chất này được dùng tạo màu cho miến sẽ còn nguy hại thế nào nếu ngấm vào cơ thể?.
Mang mẫu 2 gói hóa chất màu nâu đen mua ở Cự Đà và chợ Đồng Xuân, cùng 200g miến mua tại Cự Đà đến Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia - Bộ Y Tế xét nghiệm, PV Dân trí không khỏi rùng mình khi kết quả xét nghiệm cho thấy hàm lượng sắt trong 2 gói hóa chất đều ở mức rất cao.
Đối với mẫu miến màu vàng mua ở Cự Đà, phiếu kết quả xét nghiệm hàm lượng sắt trong miến cho ra mức 4,8mg/100g. Theo lời một cán bộ Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia, hàm lượng sắt 4,8mg/100g miến là chỉ số quá cao đối với thực phẩm dùng hàng ngày, nếu ăn phải sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường về sức khỏe.
Với những kết quả xét nghiệm nêu trên, có thể thấy vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm ở làng miến Cự Đà đang ở mức đáng lo ngại. Làm thế nào để vừa ngăn chặn việc sử dụng hóa chất độc hại tạo màu cho miến theo đúng quy định an toàn vệ sinh thực phẩm, lại vẫn phát triển được làng nghề? Đó là câu hỏi mà các cơ quan chức năng TP. Hà Nội cần phải sớm tìm ra lời giải!.
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.
Bài, ảnh: Vũ Văn Tiến - Ngọc Cương - Nguyễn Linh