Tôn vinh không đích đáng ắt gây ra đàm tiếu

Đến thăm Điện Versailles, tôi tận mắt thấy cảnh sống của các hoàng đế Pháp xưa thật xa hoa. Rồi đặt chân tới Cố Cung, Di Hòa Viên, tôi lại nhận ra rằng các hoàng đế Trung Hoa còn xa hoa hơn nữa!

Có vị chiếm đoạt tới ba nghìn… cung tần, mỹ nữ! Khi chết, trong lăng mộ còn có mấy nghìn người hầu bằng… đất nung!

Một ông Tổng thống Pháp thời nay không thể nào được “tôn vinh” như Hoàng đế Louis 14! Mỗi thời đại, mỗi chế độ chính trị - xã hội có những quy điển, chuẩn mực, thang giá trị riêng. Cách thi cử và các học vị xưa đâu có giống hệt hôm nay! Vậy thì, tại sao ta lại cứ phải rập theo cách tôn vinh xưa cũ là khắc tên trên bia đá? 

Tú tài không đồng nhất với tốt nghiệp PTTH

Khoa cử Nho giáo xưa có ba cấp thi: thi hương (hương thí) ở các tỉnh thành, thi hội (hội thí) ở kinh đô, và thi đình (Trung Quốc gọi là điện thí) tại đại điện Hoàng cung, do đích thân Hoàng đế chủ trì. Cách thi cử này xuất hiện ở Trung Quốc từ đời Tuỳ - Đường (586-907).

Khoa thi đầu tiên ở nước ta diễn ra vào năm 1075 đời Lý Nhân Tông. Đến đời Lê Thánh Tông thì việc thi cử trở nên hoàn bị. Cũng chính vị Hoàng đế này có sáng kiến cho khắc bia tiến sĩ.

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Ba năm mới diễn ra một khoa thi. Thi hương năm nay thì năm sau thi hội và thi đình. Người thi trượt khoa này, phải ba năm nữa, mới có khoa khác để “so tài cao thấp”! Do vậy, mới xảy ra tình cảnh: Một người đeo đẳng thi 4 khoa liền trong 12 năm, mà vẫn chỉ đỗ tú tài, không sao vươn tới cử nhân! Có điều, đỗ lần 2 thì được gọi là “tú kép”, đỗ lần 3 gọi là “tú mền”, lần 4 là “tú đụp”!

Nhà thơ xuất chúng Tú Xuơng chỉ đỗ tú tài. Và Thi sĩ lừng danh Tản Đà - Nguyễn Khắc Hiếu cũng chỉ là một vị tú tài Nho học. Trong tiếng Hán, tú tài có nghĩa là tài năng ưu tú, được bộ Hán - Anh từ điển mà tôi quen dùng dịch là skillful writer (người viết văn giỏi). Bởi vì, muốn đỗ tú tài, phải thuộc làu kinh, sử, và vượt qua được 4 kỳ (tứ trường) khi dự thi hương: Kỳ 1 làm bài về kinh nghĩa; kỳ 2 làm một bài phú và hai bài thơ; kỳ 3 viết các loại văn chiếu, chế, biêu; kỳ 4 viết văn sách. Nghĩa là phải thành thạo sáng tác thơ, phú, văn bát cổ và những gì viết ra phải toát lên nét riêng đặc sắc. Không có gì tương đồng giữa bằng tốt nghiệp THPT hiện nay và học vị đỗ tú tài xưa!

Pháp - Hán từ điển in ở Bắc Kinh dịch từ Pháp baccalauréat là trung học tất nghiệp. Còn sinh viên tốt nghiệp đại học tổng hợp thì được gọi là học sĩ, chứ không phải cử nhân.

Tiến sĩ đâu có phải là doctor? 

Học vị tiến sĩ trong khoa cử Nho giáo không tương đồng với học vị doctor hay PhD (tức doctor of phylosophy) của Anh - Mỹ, hoặc docteur của Pháp, doktor nauk của Nga, v.v. 

Chính vì vậy, các bộ Anh - Hán từ điển đều dịch doctor là bác sĩ. Người Nhật cũng dịch như vậy. Anh hùng Lương Định Của thường tự giới thiệu mình là bác sĩ nông học, bởi vì văn bằng tiếng Nhật ghi như vậy.

Ngay bộ Pháp - Việt từ điển của Đào Duy Anh in năm 1936 tại Hà Nội cũng dịch: docteur ès-lettres là văn học bác sĩ, docteur ès-sciences là khoa học bác sĩ, docteur en médecine là y học bác sĩ, v.v. Đáng tiếc, một số từ điển khác ở ta về sau dịch không chuẩn docteur thành tiến sĩ.

Học vị tiến sĩ với ngữ nghĩa là người được tiến cử lên Hoàng đế, chỉ có trong thời phong kiến mà thôi. Còn học vị doctor (tiếng Anh) hoặc docteur (tiếng Pháp) thì đều bắt nguồn từ từ Latin doctor, có nghĩa là người uyên bác, nên mới được Trung Quốc, Nhật Bản dịch là bác sĩ.

Tiến sĩ được Hoàng đế trực tiếp chọn để ra làm quan. Còn bác sĩ thì vì học rộng nên thường đi vào nghiên cứu, giảng dạy. Tiến sĩ ba năm mới mở một khoa thi. Còn doctor thì bất cứ lúc nào cũng bảo vệ được luận án.

Số lượng tiến sĩ rất ít! Trong gần một nghìn năm khoa cử Nho giáo, chỉ có gần ba nghìn tiến sĩ. Thí dụ: Khoa thi năm 1652 có 2.000 cử nhân dự thi, chỉ lấy 9 tiến sĩ; khoa thi năm 1656 có 3.000 cử nhân dự thi, chỉ lấy 6 tiến sĩ; khoa thi năm 1706 có 3.000 cử nhân dự thi, chỉ lấy 5 tiến sĩ! Bởi vì, nhà vua chỉ cần chừng ấy ông nghè để bổ sung vào hàng ngũ công khanh.

Còn số lượng doctor thì vô hạn. Ai có vài ba bài báo khoa học, ngồi viết lại thành luận án đạt những tiêu chí cần thiết, là có thể bảo vệ doctor. Chỉ mới khoảng nửa thế kỷ qua, ta đã có 16.000 doctor. Ở một vài nước, số doctor lên tới nửa triệu. Đá nào đủ để khắc bia!
Tầm nhìn nghìn năm

Dựng bia là chuyện “thiên niên chi kế”. Vậy thử tính xem, một nghìn năm nữa, nước ta có bao nhiêu doctor? Chắc phải là… nhiều triệu! Liệu có… “đục hết đá Nam Sơn không đủ để dựng bia”!

Và còn những nhà khoa học được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, như Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa, Đào Duy Anh, Cao Xuân Huy, v.v. nhưng không có bằng doctor, thì có được khắc bia không? Rồi những doctor người Việt Nam ở nước ngoài?

Có lẽ nên làm theo Từ điển Larousse: Chỉ in danh sách những ai được tặng Giải thưởng Nobel và Huy chương Fields (vinh dự toán học ngang Giải thưởng Nobel). Hiện nay, chưa có người Việt Nam nào đạt được niềm vinh quang ấy. Nhưng, trong thế kỷ 21, có thể có chứ?… Hãy chờ để tôn vinh một cách đích đáng.

Hàm Châu

LTS Dân trí - Làm việc gì mà khái niệm ban đầu không chuẩn thì không tránh khỏi tình trạng hồ đồ cả về mục tiêu đến những tiêu chí để xem xét và kết quả đạt được xem ra cũng rất… mông lung!

Theo như sự phân tích - nói có sách mách có chứng - của tác giả bài viết trên đây thì Dự án xây dựng bia “tiến sĩ” đã rơi vào trường hợp này. Vì vậy tốt nhất là cần phải xem xét lại dự án đó như nhiều ý kiến đã đóng góp. Không nên dựa trên cảm tính và căn cứ vào thiện chí của người đề xuất mà cho phép thực hiện một dự án không những thiếu căn cứ khoa học và ý nghĩa thực tiễn, mà còn không chuẩn xác cả về khái niệm của tên gọi, khắc sâu thêm sự nhầm lẫn đáng tiếc giữa danh vị tiến sĩ ngày xưa với học vị “tiến sĩ” thời nay.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm