Tôi đã tự ứng cử Quốc hội như thế nào?
(Dân trí) - Cách đây 10 năm, vào năm 1997, Quốc hội ta lần đầu tiên cho phép có ứng cử tự do, tức là tự ứng cử. Ông Minh Tuấn, khi đó là phóng viên báo Đại Đoàn Kết đã tự ứng cử. Nhân dịp QH đang chuẩn bị bầu cử đại biểu, CTV Minh Tuấn đã có những tâm sự về việc này.
Tôi đã suy nghĩ khá nhiều trước khi tham gia tự ứng cử Quốc hội khi đó. Trước đó, vào năm 1994, bầu cử Hội đồng nhân dân các địa phương, nước ta cũng đã cho phép tự ứng cử. Tôi đã tự ứng cử vào Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa 1994-1999, và đã trúng cử, tại hòm phiếu số 13 của quận Hai Bà Trưng. Khóa HĐND TP Hà Nội đó, trong số 85 đại biểu HĐND TP HN, tôi là đại biểu tự ứng cử duy nhất. (Khi đó TP HCM cũng có 1 đại biểu tự ứng cử trúng cử vào HĐND).
Việc tự ứng cử và trúng cử vào HĐND TP HN khi đó đã động viên tôi rất nhiều, trong việc mạnh dạn xin tự ứng cử vào Quốc hội khóa 10 năm 1997-2002. Trong những cuộc họp báo về bầu cử Quốc hội, ông Vũ Mão, khi đó là Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, đã nhiều lần nói là Trung ương rất hoan nghênh việc tự ứng cử. Điều đó càng động viên tôi nên tự ứng cử Quốc hội. Nhiều người dân ta vẫn phàn nàn là quyền dân chủ của nhân dân chưa được phát huy. Nay Đảng đã cho phép có quyền dân chủ trong việc tự ứng cử Quốc hội, vậy dân ta hãy thực hiện quyền đó đi.
Thế nhưng phần đông dân ta đòi quyền dân chủ thế thôi, nhưng khi Đảng cho phép, thì lại không biết thực hiện.
Đến khi bầu cử cũng vậy, nhiều người dân cho rằng bầu cử chẳng qua chỉ là hình thức, chứ mọi đại biểu đã được xắp xếp cả rồi, nên nhiều người dân khi bỏ phiều chỉ bầu theo cảm tính. Có những chuyện vui là người ta thường gạch tên người ở dưới danh sách, nên người có tên vần S, T, U, V,,,thường bị gạch. Hoặc người ta gạch tên người không có chức vụ, hoặc chức bé. Ví dụ ứng cử viên là công nhân vệ sinh nếu bị xếp cạnh ông Chủ tịch nào đó, thì tên người công nhân vệ sinh thường bị gạch,,,.
Nói chung dân ta nhiều người chưa biết thực hiện quyền dân chủ của mình.
Tôi lên Hội đồng bầu cử tại trụ sở Mặt trận Tổ quốc TP HN để xin hồ sơ TƯC, khi đó trụ sở còn nằm ở đường Hai Bà Trưng (Nay Đại Sứ Quán Mỹ đã lấy lại, vì trước đây, đấy vốn là trụ sở ĐSQ Mỹ thời Pháp). Tôi đã làm hồ sơ TƯC HĐND, nên bây giờ làm hồ sơ TƯC Quốc hội cũng đã khá quen thuộc. Quy trình hầu như không khác gì. Tôi về cơ quan (báo Đại Đoàn Kết), điền vào tờ khai và làm Lý lịch. Lãnh đạo báo Đại Đoàn Kết có vẻ rất ngạc nhiên việc tôi tự ứng cử vào Quốc hội, nhưng cũng xác nhận lý lịch cho tôi. Tự ứng cử vào HĐND TP là một chuyện, còn vào Quốc hội là chuyện khác. Chắc chắn nhiều người nghĩ thế.
Sau khi nộp hồ sơ đúng hạn, thì mọi người ứng đều phải qua 3 vòng Hiệp thương.
Vòng 1, là bầu tại cơ quan mình công tác.
Vòng 2 là bầu tại khu dân cư, nơi mình cư trú.
Và vòng 3, là Hội đồng bầu cử sẽ họp kín, lựa chọn danh sách ứng cử viên chính thức.
Tôi đã qua vòng Hiệp thương 1, bầu tại cơ quan báo Đại Đoàn Kết, có đại diện Mặt trận tổ quốc Trung ương, Mặt trận Tổ quốc HN, Hội đồng bầu cử về dự. Tôi được trên 80% phiếu bầu. Người ta thường nói ở cơ quan mình là nơi mình có nhiều “kẻ thù”. Nhưng kết quả bỏ phiếu vòng 1 cho thấy tôi có ít “kẻ thù” ở cơ quan.
Sau đó là vòng Hiệp thương 2, bầu ở khu dân phố, nơi tôi cư trú. Khoảng 40 người dân đã đến dự. Tôi được 100% phiếu ủng hộ. Đại diện Mặt trận thành phố Hà Nội tham dự cuộc bầu “hiệp thương” nói là rất vui vì thấy nhân dân nơi tôi cư trú đến khá đông, hơn nhiều nơi khác. Tôi sống chan hòa với mọi người, nên tôi được mọi người ở nơi tôi cư trú quý mến.
Đến vòng Hiệp thương 3, tôi chờ đợi, và tin chắc tên mình sẽ có trong danh sách ứng cử viên chính thức, để đưa ra cuộc bầu cử Quốc hội chính thức, vì tôi đã lọt qua “2 vòng sát hạch” rồi. Thế nhưng ít hôm sau, mấy người bạn là đồng nghiệp ở mấy tờ báo bạn gọi điện đến cho tôi, hỏi tôi là “Tại sao cậu lại xin tự rút lui ra khỏi danh sách bầu cử chính thức?”. Tôi rất ngạc nhiên, nói là tôi đã tham gia xin tự ứng cử Quốc hội, thì sao lại xin tự rút được. “Hội đồng bầu cử họ nói thế đấy”, một người bạn nói với tôi.
Sau đó tôi đọc báo Hà Nội Mới, tìm xem tên mình có trong danh sách bầu cử Quốc hội khóa 1997-2002 không, thì không thấy. Tức là Hội đồng bầu cử đã loại tên tôi ra khỏi danh sách bầu cử chính thức. Tôi ngạc nhiên, nhưng không bực mình vì tôi hiểu những “uẩn khúc” đằng sau cái gọi là quyền tự ứng cử này. Sau đó có một vị tri thức cũng tự ứng cử, cũng bị loại tên khỏi danh sách như tôi, đã đến báo Đại Đoàn Kết đưa đơn khiếu kiện về trường hợp của ông, và ông rủ tôi cùng đi kiện. Tôi cứ buồn cười. Ông ấy đến nhờ báo Đại Đoàn Kết can thiệp. Vậy tôi làm ở báo Đại Đoàn Kết, tôi biết nhờ ai?
Sau khi cuộc bầu cử Quốc hội khóa 10 kết thúc được hơn 1 tháng, tôi nhận được Thư Cảm ơn rất lịch sự của Mặt trận tổ quốc thành phố Hà Nội, do ông Vũ Mạnh Kha, Chủ tịch Mặt trận tổ quốc TPHN, ký, nói lời cảm ơn tôi , có đoạn như sau:
“Do yêu cầu về cơ cấu, thành phần và số lượng Đại biểu quốc hội khóa 10 của Hà Nội có hạn, nên không thể đưa hết các Đại biểu vào danh sách để giới thiệu ra ứng cử Đại biểu quốc hội,,,
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội thay mặt Hội nghị hiệp thương nhiệt liệt hoan nghênh và cám ơn ông/bà đã hưởng ứng và tham gia vào việc ứng cử và tự ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa 10.
Kính chúc ông/bà và gia đình mạnh khỏe, giành được nhiều thành tích mới, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của thủ đô và cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 10”.
Cuối năm 2000 tôi xin thôi việc ở báo Đại Đoàn Kết, sang Nhật định cư, và mang theo lá Thư Cảm Ơn này để làm kỷ niệm.
Giờ đây, từ nước Nhật nhìn về quê hương Việt Nam, tôi và nhiều bà con người Việt định cư ở nước ngoài đang trông chờ ở cuộc bầu cử Quốc hội khóa 12 lần này thực sự dân chủ, đổi mới, theo tinh thần Đại hội Đảng lần thứ 10 vừa qua.
Vài người bạn Việt Nam ở Nhật, và cả những người bạn Nhật yêu quý Việt Nam hỏi tôi rằng, nếu lần này, Đảng cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài được tham gia ứng cử Đại biểu Quốc hội, thì tôi có lại xin tự ứng cử không?
Có chứ, tại sao không? Vì dù mình có sống ở đâu, thì cội nguồn của mình vẫn là “con Rồng, cháu Tiên”, vẫn muốn làm cái gì đó tốt cho đất nước mình. Dù mình sống ở nước ngoài có sung sướng hơn ở Việt Nam, thì thấy nước mình còn nghèo, còn phải ngửa tay đi xin ODA, còn phải bán sức lao động ra nước ngoài, thì còn buồn lắm. Lịch sử 4000 năm hào hùng của nước Việt Nam mình, không đáng để nước Việt Nam mình chịu nghèo hèn mãi được.
Sự phát triển của nước ta ngày nay quả là đáng tự hào, nhưng vẫn chưa thực sự bền vững vì phần lớn sự phát triển đó vẫn đang phải dựa vào nguồn tiền từ nước ngoài đổ vào, như tiền đầu tư nước ngoài, tiền ODA, tiền Việt kiều gửi về, tiền lao động xuất khẩu gửi về, tiền bán tài nguyên thô...
Nhìn vào sự thật đó, để thấy rằng nước ta còn phải phấn đấu nhiều hơn nữa, mới đuổi kịp được với sự phát triển của thế giới.
Minh Tuấn
(từ Tokyo)