Như báo Dân trí đã đưa tin, mâu thuẫn giữa ông Nguyễn Đình Kiên (anh trai ông Nhâm) và ông Nguyễn Đình Thinh xuất phát từ việc tranh chấp ngõ đi chung kéo dài từ năm 2001. Khoảng 20h ngày 25/8/2012, Nguyễn Đình Phi (con ông Thinh) đi xe máy qua khu vực cổng ngõ nhà ông Kiên thì thấy anh em nhà ông Kiên đang xây cổng. Khi Phi bước vào cổng nhà ông Kiên, giữa 2 bên xảy ra cãi vã, trước khi biến thành vụ ẩu đả do các bên không giữ được bình tĩnh.
Ngày 25/3/2013, Cơ quan CSĐT - Công an huyện Thanh Oai ra Kết luận điều tra số 38/CSĐT vụ án “Cố ý gây thương tích”. Kết luận điều tra số 38 thừa nhận vụ xô xát bắt nguồn từ việc tranh chấp ngõ đi giữa gia đình ông Nguyễn Đình Thinh (bố Phi) với gia đình ông Nguyễn Đình Kiên từ năm 2001. Cho dù việc mâu thuẫn ngõ đi chung, ông Vũ Hồng Khanh - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định khẳng định việc khiếu nại của ông Thinh là không có cơ sở, nhưng Công an và Tòa án huyện Thanh Oai đều cho rằng vụ xô xát bắt nguồn từ việc này (anh em ông Nguyễn Đình Kiên bị hành hung trên phần đất hợp pháp đã được TP. Hà Nội thừa nhận).
Hội đồng xét xử - TAND huyện Thanh Oai ngày 23/10/2013
Theo kết quả giám định thương tật, vụ xô xát ngày 25/8/2012 khiến Nguyễn Đình Thịnh (cháu ông Thinh) bị thương tật 32%; Nguyễn Đình Phi thương tật 13%; Nguyễn Đình Nhâm bị thương tật 4%; Nguyễn Đình Kiên bị thương tật 2%. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT - Công an huyện Thanh Oai chỉ tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với các ông Nguyễn Đình Nhâm, Nguyễn Đình Tuấn, Nguyễn Đình Hảo (người nhà ông Kiên) và một nhân vật lạ có mặt ở hiện trường là Đỗ Biên.
Tòa án yêu cầu điều tra bổ sung 10 điều bất thường, Công an huyện chỉ làm 2. Vậy mà Tòa án huyện Thanh Oai vẫn "đè ngửa" vụ việc này ra xét xử.
Về vụ án này, TAND huyện Thanh Oai đã nhiều lần yêu cầu điều tra bổ sung, nhưng Công an huyện Thanh Oai chỉ điều tra 2/10 vấn đề. Tuy nhiên, TAND huyện Thanh Oai vẫn đưa vụ việc ra xét xử vào ngày 23/10/2013. Tại phiên tòa, nhiều điểm bất thường gây bất bình cho những người tham dự xét xử. Đặc biệt, khi lời khai của các nhân chứng có nhiều sự khác biệt, như lời khai của Nguyễn Đình Thịnh, Nguyễn Đình Phi khai việc ông Nhâm dùng lời lẽ đe dọa anh em Thịnh, Phi và lời khai của các nhân chứng khác có mặt tại hiện trường về việc ông Nhâm có bị thương hay không.
Bảng kê chi phí phẫu thuật không thống nhất về tên bệnh nhân
Trong phần tranh tụng, luật sư Trần Đình Triển và luật sư Chu Đình Vẻ -Văn phòng Luật sư Vì Dân (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) bảo vệ quyền lợi cho ông Nguyễn Đình Nhâm đưa ra nhiều điểm mâu thuẫn bất bình thường trong vụ án chưa được làm sáng tỏ, từ đó dẫn đến kết luận thiếu căn cứ. Trước những vấn đề luật sư Trần Đình Triển đưa ra, cả Giám định viên và đại diện Viện KSND huyện Thanh Oai đều không đưa ra được câu trả lời thỏa đáng.
Có rất nhiều mâu thuẫn chưa được làm rõ, nhưng Hội đồng xét xử - TAND huyện Thanh Oai vẫn tuyên xử ông Nguyễn Đình Nhâm 6 năm tù vì tội cố ý gây thương tích, Nguyễn Đình Tuấn và Nguyễn Đình Hảo mỗi người 5,5 năm tù. Nhận định về phần tuyên án của TAND huyện Thanh Oai, luật sư Trần Đình Triển cho rằng, bản án có dấu hiệu oan sai và bỏ lọt tội phạm khi còn quá nhiều uẩn khúc:
“Trước hết với vụ án này và hội đồng tuyên bố bản án như vậy thì tất cả những người dự phiên tòa đều phải ngạc nhiên. Với tư cách là một luật sư, khi sự việc xảy ra thì cả một quá trình tố tụng đều vi phạm pháp luật. Những vi phạm này thể hiện ở: Phê chuẩn lệnh giam đối với anh Nguyễn Đình Tuấn là thiếu đi 1 ngày, như vậy tức là giam giữ trái pháp luật 1 ngày; Khi lập hồ sơ ban đầu về việc thu giữ tang, vật chứng của vụ án thì nói 1 kiếm và kiếm này đúng với tính chất của vụ án là của Nguyễn Đình Hảo, nhưng sau lại sinh ra thêm 1 cái kiếm khác.
Các luật sư cho rằng Cơ quan CSĐT đã giam giữ trái pháp luật 1 ngày với Nguyễn Đình Tuấn
Yêu cầu dựng lại hiện trường không được tiến hành; Lấy lời khai của các nhân chứng không được tiến hành, ví dụ như chị Ngọc, hai nữa là có người xây dựng cho nhà ông Kiên đang ở trong nhà thì cũng không lấy mà chỉ một phần để gây ra kết luận này; Về việc giám định, hôm nay Giám định viên trả lời quyết định giám định là ngày mùng 2/10/2013 và đưa ra văn bản như vậy, nhưng trong hồ sơ vụ án lại là mùng 3/10/2013, nếu như vậy có 2 quyết định; Việc thu thập tài liệu để cơ quan tiến hành tố tụng không yêu cầu, không có văn bản đề nghị Bệnh viện 103 cung cấp mà lại xác nhận cho gia đình họ đến lấy bản trích bệnh án, 1 tờ duy nhất để lấy đó làm căn cứ.
Cơ quan Công an cùng với cơ quan Giám định mượn hồ sơ bệnh án trong 1 tháng để tiến hành giám định, nhưng những tài liệu giám định lại không có trong hồ sơ vụ án. Đây là một trong những vi phạm hết sức nghiêm trọng của pháp luật; Ngày 3/10/2012 mới có kết quả giám định, nhưng ngày 6/9/2012, Cơ quan điều tra đã gửi văn bản đến các cơ quan Đảng thông báo kết luận kết quả giám định Nguyễn Đình Thịnh bị thương tật 32%, từ đó Quận ủy Hai Bà Trưng ra văn bản đình chỉ sinh hoạt Đảng đối với Nguyễn Đình Nhâm cũng nói rõ là ngày 6/9/2012. Vậy là chưa có kết quả giám định mà Cơ quan điều tra đã biết tỷ lệ thương tật của Thịnh là 32%. Việc này có sự khách quan giữa cơ quan Điều tra với cái được gọi là bị hại cùng với cơ quan Giám định và Giám định viên hay không? Đây là vấn đề nhức nhối trong vụ án này.
Ngày 3/10/2012 mới có kết quả giám định, nhưng trong văn bản gửi đi ngày 6/9/2012 Cơ quan CSĐT đã thông báo việc Nguyễn Đình Thịnh bị thương tật 32%
Một bản kê khai để thanh toán thì đầu đề bệnh tật là của người khác sau đó bệnh nhân lại là người khác mà không phải Nguyễn Đình Thịnh, những chứng từ này có dấu hiệu gian lận và làm thay đổi bản chất của vụ án này, kể cả quá trình điều tra, truy tố, xét xử, kể cả luật sư lập luận, họ đều bỏ ra ngoài; Vấn đề nghiêm trọng nữa là bản ảnh được cung cấp tại Tòa, so với lời khai là bổ thẳng trước mặt cùng với trích sao của bệnh án là vùng dài 13,5 cm ở đỉnh đầu, nhưng bản ảnh mà gia đình cung cấp và gửi đi các cơ quan để khiếu nại thì nó là một vòng cung từ tai lên đến đỉnh đầu. Nó không thể hiện đúng bản chất của vụ việc, có dấu hiệu của một sự tạo dựng gây nên sự bức xúc dẫn đến oan sai. Đặc biệt, đây là đối với một cán bộ làm công tác tổ chức của Quận ủy Quận Hai Bà Trưng.
Luật sư Trần Đình Triển đề nghị Cục Điều tra Viện KSND Tối cao vào cuộc
Với tư cách là một luật sư đã từng làm việc rất nhiều ngành Công an, tôi thấy đây là một vụ án hết sức oan khuất mà các cơ quan có thẩm quyền cần phải xem xét, đặc biệt là Cục Điều tra Viện KSND Tối cao phải vào cuộc điều tra, xử lý nghiêm minh những việc vi phạm tố tụng dẫn đến sự oan sai này. Đồng thời TAND TP. Hà Nội phải xử lý vụ việc này theo trình tự phúc thẩm một cách khách quan, đánh giá chứng cứ một cách toàn diện”.
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ án có dấu hiệu oan khuất này.
Ban Bạn đọc