Hà Nội:
Nhiều điểm bất thường cần làm rõ trong vụ án gây thương tích ở Thanh Oai
(Dân trí) - Nhiều lần Tòa án huyện Thanh Oai yêu cầu điều tra lại vụ xô xát ngày 25/8/2012, tại xã Cao Viên, nhưng Công an huyện Thanh Oai vẫn không thực hiện đúng yêu cầu của Tòa án. Khi những điểm bất thường chưa được làm rõ, người bị hại vẫn bị xem là bị cáo.
Tuy nhiên, về vụ tranh chấp ngõ đi chung, ngày 18/4/2012, ông Vũ Hồng Khanh - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1582/QĐ-UBND với nội dung: Việc gia đình ông Thinh tranh chấp ngõ đi với gia đình ông Kiên, trong khi đất của gia đình ông Thinh đã có ngõ đi khác là không có cơ sở giải để quyết. Và kiểm điểm trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân liên quan đến việc lập bản đồ vào sổ Mục kê năm 1983 - 1985 không đúng quy định ở vị trí đất mà gia đình ông Thinh đang sử dụng để gây ra tranh chấp ngõ đi.
Căn cứ quyết định của UBND TP. Hà Nội thì việc phá dỡ tường rào của gia đình ông Kiên vào ngày 6/6/2009 là không có căn cứ pháp luật, việc Cơ quan CSĐT - Công an huyện Thanh Oai viện dẫn tranh chấp trên đưa vào kết luận số 38 là không có căn cứ.
Theo kết quả giám định thương tật, vụ xô xát ngày 25/8/2012 khiến Nguyễn Đình Thịnh (cháu ông Thinh) bị thương tật 32%; Nguyễn Đình Phi thương tật 13%; Nguyễn Đình Nhâm bị thương tật 4%; Nguyễn Đình Kiên bị thương tật 2%. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT - Công an huyện Thanh Oai chỉ tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với các ông Nguyễn Đình Nhâm, Nguyễn Đình Tuấn, Nguyễn Viết Hảo (người nhà ông Kiên) và một nhân vật lạ có mặt ở hiện trường là Đỗ Biên.
Ông Nhâm và ông Kiên đều mang trên mình những thương tật, nhưng CQĐT lại kết luận không truy tìm được đối tượng đã gây thương tích đối với ông Nhâm và ông Kiên.
Về vụ án này, luật sư Trần Đình Triển - Trưởng Văn phòng Luật sư Vì Dân nhận định: “Đây là vụ án có dấu hiệu trả thù đối với người khiếu nại - tố cáo. Sự việc bắt nguồn từ việc ông Nguyễn Đình Kiên và ông Nguyễn Đình Thinh ở xã Cao Viên, huyện Thanh Oai khiếu kiện về tranh chấp lối đi. Lối đi đó theo nguồn gốc là của ông Kiên, nhưng trong quá trình chính quyền xã và huyện giải quyết lại thiên về ông Thinh.
Với tư cách là một luật sư, tôi đọc quyết định số 1582 ra ngày 18/4/2012 của UBND TP. Hà Nội do ông Vũ Hồng Khanh - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội ký, trong quyết định này không bác bỏ việc giải quyết sai trái đó, mà cần có một chế tài yêu cầu địa phương kiểm điểm những người làm sai rút kinh nghiệm và phải xử lý. Tôi tán đồng với UBND thành phố.
Khi gia đình nhà ông Kiên xây ngõ thì phía tranh chấp (ông Thinh) đã có âm mưu gây sự. Gia đình ông Thinh đã bố trí người ném gạch, đá và đánh 2 người bị thương tích. Sau đó cơ quan điều tra chỉ nghe một phía bên lời khai (gia đình ông Thinh), lời khai này đã được Công an huyện Thanh Oai gọi là lời khai bên bị hại.
Tôi thấy việc đọc hồ sơ vụ án như trên là không thể chấp nhận được. Cụ thể, về tài liệu thì thiếu bút lục, về thực nghiệm hiện trường thì đối chất không được thực hiện một cách đầy đủ khách quan theo quy định của pháp luật. Nhiều vấn đề giám định cũng bỏ lọt, việc thu thập tài liệu hay giám định cũng không đúng theo quy định luật tố tụng.
Liên quan đến vụ án này, hiện 2 người cháu của ông Kiên đã bị giam giữ một năm nay. Việc lấy lời khai của người dưới 18 tuổi không có giám hộ, không được thực nghiệm điều tra. Ví dụ, vết máu ở trên kiếm thì đây là vết máu của ai? do đâu mà có? không được làm rõ. Cơ quan CSĐT cho cho rằng thanh kiếm này đã chém vào lưng, nhưng lưng chỉ bị sượt da và áo không bị rách, trong khi lại có vệt máu rất dài trên thanh kiếm. Vậy ai gây nên vết máu đó?.
Trước đây, trong hồ sơ ghi có thu giữ 1 cái kiếm, sau này tạo dựng lên có 2 kiếm nhưng lại kết luận 1 cái kiếm do quản lý sơ suất nên bị thất lạc. Trong lời khai có nhắc đến viên gạch nguyên khối, nhưng khi thu thập lại không tìm ra được viên gạch đó. Họ (Cơ quan CSĐT) lấy một vài lời khai để đổ lỗi cho ông Nhâm, người đã bị đánh ngất được gia đình đưa vào nhà và cho rằng, ông Nhâm đã đuổi người ta (ông Thịnh) ra ngoài và chém vào đầu ông Thịnh. Về vết chém đó, theo lời khai là chém thẳng, nhưng ảnh trong hồ sơ lại là một vòng tròn. Vậy thì thương tích đó là do cái gì tạo ra?.
Khi giám định thương tích đối với ông Nhâm và ông Kiên, Cơ quan CSĐT yêu cầu cung cấp toàn bộ hồ sơ bệnh án để giám định. Tuy nhiên, đối với Thịnh thì chỉ xác nhận trên đơn và chỉ có một bản trích lục hồ sơ bệnh án. Tôi có làm đơn để hỏi Bệnh viện 103 rằng, nếu một người bị đánh đập lún não, xương sọ bị vỡ mà chỉ nằm 12 ngày đã về đi cày thì đó phải coi là một tiến bộ y học. Đây là một dấu hiệu bất bình thường, mà cơ quan điều tra cần phải thu thập lại, chụp lại toàn bộ các vết sẹo để đưa ra giám định cho chuẩn xác nhất.
Việc này Tòa án đã trả hồ sơ yêu cầu điều tra lại, nhưng cơ quan điều tra và VKS huyện Thanh Oai làm lơ. Mặt khác, khi cơ quan điều tra bắt người giam giữ trong 1 ngày mà không có sự phê chuẩn của VKS thì đó đã đủ căn cứ về tội bắt giữ người trái pháp luật, nhưng VKS lại lờ đi.
Tôi cho rằng vụ việc không dừng lại ở đây vì có liên quan đến cán bộ làm công tác tổ chức của Đảng. Tôi nghĩ UBND TP. Hà Nội, CA TP, TA TP, VKS TP, đặc biệt là Ban Nội chính phải vào xem xét lại vụ việc, tránh để lọt tội phạm để rồi biến người bị hại trở thành bị cáo”.
Trao đổi với PV Dân trí ngày 24/9/2013, ông Nguyễn Đình Nhâm kiến nghị: “Việc điều tra không khách quan của Công an huyện Thanh Oai đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và công việc, danh dự của tôi và gia đình. Vụ việc đã kéo dài, 2 cháu tôi cũng đã bị giam giữ hơn một năm nay. Để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, tôi đề nghị Thành ủy Hà Nội, UBND TP. Hà Nội chỉ đạo, giám sát các cơ quan bảo vệ pháp luật của Thành phố điều tra, làm rõ vụ việc.
Tôi kiến nghị Công an TP. Hà Nội, Viện KSND TP. Hà Nội, TAND TP. Hà Nội tiến hành điều tra, làm rõ những dấu hiệu bất thường của cơ quan điều tra huyện Thanh Oai, không để bỏ lọt tội phạm và sớm minh oan cho tôi”.
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.
Ban Bạn đọc