Tổ chức giao thông Hà Nội: đừng “mở ra, rồi lại đậy vào”
Một số giao lộ lớn ở thành phố Hà Nội, trước đây đã lắp đặt đèn tín hiệu điều khiển giao thông, nhưng không đáp ứng được lưu lượng phương tiện quá đông, gây tắc đường. Vì vậy, có lúc đặt ba-ri-e, rồi lại phải dỡ bỏ hoặc dỡ bỏ rồi lại lắp vào…
Sau một thời gian thực hiện biện pháp đó thấy sự bất cập, lại thêm sự đóng góp ý kiến của các đại biểu HĐND thành phố Hà Nội và báo chí, … đến nay cơ quan chức năng đã dỡ bỏ ba-ri-e tại một số ngã tư giao nhau giữa 2 đường chính như: La Thành - Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng - Láng… được dư luận nhân dân hoan nghênh.
Tuy nhiên, dỡ bỏ ba-ri-e mà lại cho mô tô, xe gắn máy rẽ trái tại trung tâm giao lộ-khi đèn xanh bật sáng, nếu trong giờ cao điểm mật độ xe tăng vọt, thì nhất định sẽ lại gây tắc đường.
Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn |
Và quả nhiên là như vậy, tình hình đó đã dẫn đến cuộc họp liên ngành (Giao thông vận tải, Cảnh sát giao thông địa phương) diễn ra vào ngày 15/ 6/ 2010 tại Hà Nội, lại có ý kiến đề xuất bịt lại các ngã tư vừa mới mở ba-ri-e. Điều đó khiến dư luận nhân dân “ví von” bực mình “mở ra, rồi lại đậy vào”. Và lại càng không thể “sáng đậy, đêm mở” như “sáng kiến” học nước ngoài của 1 vị lãnh đạo ngành mới đưa ra cho các “ký giả” biết vào sáng ngày 17/ 6/ 2010. Ai chả biết nước Mỹ có dải phân cách phân chia 2 chiều xe chạy buổi sáng khác, buổi chiều khác. Nước Nga có biển báo hiệu thay đổi theo thời gian… Song việc “mở, đậy” ba-ri-e ngã tư tại Hà Nội mà lại bắt chước nước ngoài, thì có khác nào “mới vớ chân voi đã tưởng cột đình”.
Tôi kiến nghị tổ chức giao thông Hà Nội đừng “mở ra, rồi lại đậy vào”, mà vẫn tiếp tục mở ba-ri-e ở một số ngã tư nêu trên. Nhưng khi đèn xanh bật sáng, cần đồng thời dùng đèn phụ (có hình mũi tên màu đỏ chỉ về bên trái, cũng bật sáng) để cấm tất cả các loại xe (kể cả ô tô, mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ) rẽ trái-tại trung tâm những ngã tư thích hợp, theo các hướng đường đôi đã có dải phân cách tương đối rộng, có thể bảo đảm bán kính quay đầu xe như đường Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng…
Thí dụ cụ thể ngã tư La Thành - Nguyễn Chí Thanh: các xe đi theo hướng đường La Thành hẹp, nên khi đèn xanh bật sáng, vẫn được rẽ trái tại trung tâm giao lộ. Riêng các xe đi theo hướng đường đôi Nguyễn Chí Thanh, khi bật đèn xanh sẽ bật luôn đèn phụ (hình mũi tên màu đỏ) không cho xe rẽ trái tại trung tâm giao lộ sang đường La Thành (mà phải đi thẳng theo đèn xanh qua ngã tư, đến chỗ quay đầu lại và rẽ phải vào đường La Thành). Như thế sẽ triệt tiêu được gần hết những điểm giao cắt các làn xe, hạn chế đến mức thấp nhất sự cố tắc đường Hà Nội.
Nguyễn Thành Lập
LTS Dân trí - Tổ chức điều phối luồng xe cộ ở các ngã tư giao thông ở các thành phố lớn như Hà Nội để xe cộ đi lại thuận tiện, không bị ùn tắc trong những giờ cao điểm là một “bài toán” khá phức tạp, vì thế đã có những phương án “cực đoan” được thực hiện nhưng xem ra ít hiệu quả.
Ý kiến đóng góp của bài viết trên đây nhằm khắc phục một phần sự bất hợp lý trong điều phối giao thông trong tình trạng hiện nay. Còn biện pháp lâu dài, vẫn cần làm đường ngầm (hoặc cầu vượt), tránh sự giao cắt của những con đường lớn trên cùng một mặt bằng mới bảo đảm cho lưu lượng xe cộ qua lại, nhất là giờ cao điểm. Nút giao thông Kim Liên đã được giải quyết như vậy nhưng điều đó đòi hỏi đầu tư lớn và thời gian xây dựng cũng không phải là ngắn.