Tính hai mặt của Internet

Internet với sự phát triển như vũ bão hầu như đã phá tan mọi rào cản thông tin trong đời sống xã hội hiện nay.Việt Nam lại được xếp hạng đứng hàng đầu thế giới về tốc độ phát triển Internet. Đây là điều đáng mừng hay đáng lo đối với truyền thống văn hóa của dân tộc?

Chúng ta thấy gì qua sự kiện 4 cô gái đồng tính chỉ từ 17 đến 20 tuổi đã tổ chức vụ giết tài xế taxi để “cướp giật tài sản” ở Quận 3, TPHCM; về vụ 2 học sinh lớp 10 & 11 đã chuẩn bị kế hoạch tổ chức “đính hôn” ngay tại sân trường ở Biên Hòa Đồng Nai, trước sự bất lực của gia đình; và với vụ án “mẹ ruột đánh chết con” ở huyện Bình Chánh, TPHCM… Chúng ta có thể hiểu thế nào về tình hình gia tăng tội phạm ở lứa tuổi thanh thiếu niên đã đến mức báo động đỏ? Lương tâm xã hội phải suy nghĩ thế nào khi mà người lớn đã bắt đầu thể hiện sự bất lực của mình (qua cách hành xử dã man, đầy bạo lực, bất công phổ biến của người lớn đối với trẻ em)?... Phải chăng những tệ nạn xã hội bùng phát những năm gần đây là do những ảnh hưởng xấu của những cảnh bạo lực và kích dục tìm thấy nhan nhản trên mạng Internet?

 

Không ai có thể phủ nhận những ưu thế mà mạng Internet đã đem lại cho đời sống xã hội đầy ắp những thông tin có tính toàn cầu, nhưng cũng chưa quốc gia nào có sự nghiên cứu đầy đủ những hậu quả ghê gớm mà nó đã để lại trong lòng đời sống văn hóa của xã hội ngày nay. Mạng Internet đã góp phần to lớn phát triển kinh tế nhưng nó cũng đã vượt qua mọi “rào cản” có tính đặc thù của mỗi quốc gia về chính trị, pháp luật, tôn giáo, của đạo đức và luân lý xã hội; Nó có thể làm thay đổi cả tư duy, lối sống, văn hóa của xã hội loài người đương đại.

 

Chỉ cần ngồi trước máy tính đã được nối mạng, người ta có thể nhận được đủ loại thông tin mình muốn tìm kiếm, thậm chí có những loại thông tin “không mời mà cứ đến” vượt ranh giới quốc gia tràn vào! Trẻ em ngày nay có thể tìm thấy vô vàn “sự thỏa mãn” về mọi mặt của đời sống tinh thần, văn hóa và cả những vấn đề tâm sinh lý đầy phức tạp - chúng có thể dễ dàng tìm ra câu trả lời cho cả những vấn đề mà hiện tại ngay bố mẹ chúng vẫn còn ngại ngùng khi đề cập.

 

Trong khi ngành giáo dục của hầu hết các quốc gia trên thế giới còn lúng túng khi trả lời câu hỏi “Làm thế nào để giáo dục giới tính, giáo dục văn hóa tiêu dùng cho trẻ em?”; Khi mà “pháo đài gia đình” đã lung lay thì chúng ta đừng mong trẻ vị thành niên có thể “an toàn” khi chính bọn trẻ non nớt ấy lại là đối tượng của chính sách “kích cầu quốc gia”, là tầm ngắm của các chiến dịch marketing, PR với quy mô toàn cầu.

 

Tiếp cận và phổ cập Internet đã trở thành sứ mạng của mỗi quốc gia, nhưng mấy ai đã kịp nghĩ đến tất cả những hậu quả ghê gớm khác mà nó đã và sẽ mang lại cho xã hội loài người? Trong trường hợp này, lợi ích của cả cộng đồng đôi khi lại có hại đối với mỗi cá nhân và mỗi gia đình.

 

 

Đã đến lúc lương tri con người cần “thức tỉnh” để bảo vệ đời sống văn hóa xã hội  trong bối cảnh phát triển của Internet hiện nay!

 

Lê Huỳnh

 

LTS Dân trí - Cái gì cũng thế, thường có tính hai mặt. Internet cũng vậy thôi, cùng với các luồng thông tin khách quan, nhanh nhạy, phong phú mang tính toàn cầu, có không ít những hãng truyền thông hay cá nhân lợi dụng ưu thế công nghệ của Internet, tung lên mạng những thông tin thất thiệt, không khách quan, xuất phát từ quan điểm của họ và vì lợi ích của họ.

 

Muốn khai thác Internet có hiệu quả, người sử dụng Internet phải biết tìm nguồn tra cứu thích hợp với nhu cầu thông tin của mình, hơn thế còn phải biết xử lý và chọn lọc thông tin, hay nói cách khác là biết loại trừ những thông tin thất thiệt và biết “tiêu hóa” thông tin có ích để biến thành tri thức của mình. Cho nên việc mở rộng Internet là cần thiết, nhưng phải được sử dung cho những mục đích có lợi như phục vụ học tập, nghiên cứu, tìm kiếm những thông tin kinh tế, khoa học, công nghệ, giao lưu với bạn hàng,v.v. Nếu sử dụng Internet để truy cập vào những trang Web đen tìm những trò tiêu không lành mạnh thì thật là nguy hại, đặc biệt là đối với tuổi vị thành niên. Vì vậy, những cửa hàng Internet cũng như việc sử dụng Internet ở trường học, ở gia đình đều cần được quản lý bằng những hình thức khác nhau, để  sử dụng cho mục đích có lợi, ngăn chặn và loại trừ những ảnh hưởng xấu. Đấy cũng là việc làm cần thiết nhằm bảo vệ truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.