Tín hiệu mới từ dòng chảy ODA và kiều hối
(Dân trí) - Song song với tin lượng vốn ODA cam kết cho Việt Nam trong năm 2011 được công bố là 7,88 tỷ USD, thị trường ngoại hối được cơ quan chức năng đánh giá là đã có những chuyển biến tích cực hơn nhờ những dòng chảy thuận lợi, bao gồm cả nguồn kiều hối.
Dòng chảy kiều hối được dự báo tiếp tục gia tăng (ảnh minh họa từ Internet).
Theo cam kết mới vừa được đưa ra tại Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ (CG) chiều 8/12 tại Hà Nội, ODA trong năm 2011 có giảm chút ít so với mức 8 tỷ USD của năm 2010.
Và theo Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Võ Hồng Phúc, thì trong những năm tới các khoản vay có lãi suất 0,75%/ năm và thời hạn 40 năm như Việt Nam đang được hưởng từ Ngân hàng Thế giới (WB) hay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) sẽ ít dần.
Như vậy là Việt Nam sẽ phải trông chờ nhiều hơn từ các khoản ODA ít ưu đãi hơn, nhưng đại diện Việt Nam cùng các chuyên gia quốc tế đều cho rằng, mức lãi suất của kênh ODA vẫn thấp hơn nhiều so với lãi suất thị trường.
WB một mặt đánh giá cao nỗ lực và tiến bộ của Việt Nam trong việc giải quyết các quan ngại từ phía các nhà tài trợ, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục cổ vũ và hỗ trợ Việt Nam trong các bước cải cách, nhằm nâng cao chất lượng sử dụng vốn ODA. Mặt khác WB cũng khuyến cáo Việt Nam nên tập trung sử dụng vốn ODA vào các chương trình cụ thể, giúp giải quyết các bất ổn hiện tại của nền kinh tế, cải thiện chất lượng hoạt động của khu vực kinh tế nhà nước và ưu tiên phát triển bền vững.
Trong một diễn biến khác, VnEconomy chiều 9/12 dẫn nguồn tin từ Ngân hàng Nhà nước, lưu ý về sự đột biến của nguồn kiều hối và trạng thái thặng dư của nguồn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài.
Theo đó, nguồn thu ngoại tệ từ kiều hối tính đến cuối tháng 11/2010 đã đạt mức 7,6 tỷ USD - tức là vượt so với dự báo 7,3 tỷ USD được Thống đốc Nguyễn Văn Giàu đưa ra hôm 2/12. Trong tháng 12/2010, ước tính lượng kiều hối sẽ đạt khoảng 770 triệu USD, nâng tổng nguồn thu từ kiều hối của cả năm 2010 lên mức 8 tỷ USD, tăng khoảng 25,6% so với tổng lượng kiều hối của cả năm 2009 (6,4 tỷ USD).
Trong 2 tháng tiếp theo, do có Tết Nguyên đán nên nguồn kiều hối được dự báo sẽ còn tiếp tục gia tăng.
Cùng với những dòng chảy khác, sự gia tăng trung bình 10-15%/ năm của nguồn kiều hối gửi về trong nước được WB đánh giá là rất đáng kể. Việt Nam là nước đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á về lượng kiều hối được chuyển về trong năm 2010, chỉ sau Philippines.
Đặc biệt trong thời điểm hiện nay, dòng chảy kiều hối càng có ý nghĩa khi tạo thêm một yếu tố thuận lợi góp phần cân đối cán cân thanh toán, ổn định cung - cầu ngoại tệ và tỷ giá trên thị trường.
Lượng kiều hối chuyển về Việt Nam trong năm nay cao hơn, theo nhận định của các chuyên gia, chủ yếu là do kinh tế đã bước đầu hồi phục. Nguồn kiều hối chuyển về Việt Nam vẫn chủ yếu từ Mỹ, Canada và một số thị trường có số lượng lao động xuất khẩu nhiều như Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia…
Thanh Nguyễn