Tiếp tay cho tham nhũng mà không biết?
Tham nhũng ngày nay hầu như là một căn bệnh lây nhiễm trên diện rộng và việc dập tắt nó trong cộng đồng gặp rất nhiều khó khăn. Đáng buồn hơn khi phải thừa nhận rằng hiện nay một bộ phận giới trẻ coi tham nhũng là chuyện “bình thường”.
Từ câu chuyện chiếc vé xe buýt
Ai cũng biết rằng khi đi xe buýt chúng ta phải mua vé. Nhưng đôi khi bạn trả tiền rồi mà không cầm vé.
Khi tôi đi xe buýt với quãng đường ngắn chỉ qua vài bến, vừa lên xe đã chuẩn bị xuống. Mỗi lần lên xe các nhân viên bán vé đều hỏi một câu: đến điểm nào? Tôi bảo:vài bến thôi.
Thường thì nhân viên bán vé đưa vé xe ngay khi tôi trả tiền mua nhưng cũng không ít lần tôi không nhận được vé nhưng tôi không đòi vé. Tôi dễ dàng bỏ qua và không nghĩ rằng mình đã tiếp tay cho tham nhũng vặt. Và điều đặc biệt là những lần ấy đều trùng với câu trả lời của tôi rằng: vài bến thôi. Nhiều người thậm chí không quan tâm chuyện mình có vé xe hay không bởi vì ngay sau khi cầm được vé liền vò trong tay hay ném vào một chỗ nào đó. Việc giữ vé có vẻ không cần thiết và gây khó chịu với nhiều người. Và bởi vậy mà nhiều người không cần cầm vé sau khi mua.
Cô bạn Lê Thị Thu Hương (SV Đại học Ngoại Thương) chia sẻ câu chuyện: “Một lần mình đi xe buýt chặng ngắn, khi gần xuống xe chú bán vé mới lại hỏi vé. Thế là mình trả tiền mua vé rồi đợi chú ấy xé vé cho những người khác xong rồi mà không xé cho mình. Mình hỏi vé thì chú nhìn mình có vẻ khó chịu và nói: “xuống bến này rồi còn cầm vé làm gì”. Mình trả lời: đã đưa tiền thì phải nhận vé làm cho chú ấy bực mình. Nhưng mình càng ngạc nhiên khi nhận thấy mọi người trên xe buýt nhìn mình kiểu như mình vừa làm sai điều gì ấy. Khi xuống xe một thanh niên còn nói với mình: “Xuống xe rồi lấy vé làm gì nữa, mất công vứt thùng rác”.
Khi đang vội đến một cuộc hẹn, khi sắp muộn học… sẽ thật phiền phức nếu bạn bị cảnh sát giao thông thổi còi vì các lỗi vi phạm . Nhiều người, đặc biệt là học sinh, sinh viên đã có cách giải quyết “nhanh gọn” nhất mà theo các bạn gọi là “xin xỏ và bồi dưỡng” các chú công an.
Hẳn không ít lần chúng ta gặp cảnh này nhưng nhiều người không hề quan tâm vì đó không phải vấn đề của mình? Nhưng bạn không biết rằng mình đang tiếp tay cho tham nhũng. Nếu bạn bỏ qua việc mua vé mà không được cầm vé, chủ động đưa” bồi dưỡng” thì chính bạn là một móc xích của tham nhũng vặt: người đưa tham nhũng.
Nói về tham nhũng ai cũng đau lòng khi nhận ra nó là căn bệnh lây nhiễm trên diện rộng và việc dập tắt nó trong cộng đồng gặp rất nhiều khó khăn. Đau lòng hơn nữa khi phải thừa nhận rằng hiện nay một bộ phận học sinh, sinh viên, thanh niên coi tham nhũng là vấn đề “Bình thường”.
Sinh viên nhìn tham nhũng với con mắt bàng quan?
Trong một cuộc điều tra nhỏ, hỏi 50 bạn sinh viên khác nhau về thái độ của các bạn với tham nhũng thì hầu hết đều cho rằng tham nhũng ở Việt Nam là quá nhiều, nhưng chỉ tác động vừa phải tới cuộc sống mỗi người và mức độ quan tâm của giới trẻ đến vấn đề này là rất ít, tâm lí chung đều cho đó là vấn đề lớn của xã hội, nhưng mình không tham gia và chưa quan tâm nhiều. Các bạn không hề biết rằng hàng ngày mình cũng đang có những hành động tiếp tay cho tham nhũng vặt.
Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn |
Quay trở lại những câu chuyện của sinh viên, thanh niên hiện nay. Mỗi đợt thi về lại chứng kiến cái cảnh “ lo lót thầy cô”. Nhiều bạn không hề muốn điều này nhưng “Vì đó là phong trào” (Đào Huyền Trang-ĐH Lao động& Xã hội) nên các bạn phải theo. Tâm lí chung của những cô cậu sinh viên ấy là sợ bị cô lập, lo lắng vì mình đơn độc, và kết quả cuối cùng là các bạn nhắm mắt làm theo cái phong trào tai hại ấy.Đây cũng là một biểu hiện trong số những kết quả điều tra của cuộc điều tra về tham nhũng. Cuộc điều tra này được Ban nội chính Trung ương và Cơ quan Phát triển quốc tế Thụy Điển thực hiện từ tháng 3/2005 ở 7 tỉnh, thành phố là: Sơn La, Hà Nội, Hải Dương, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, TPHCM, Đồng Tháp và 3 bộ: Công nghiệp, Xây dựng và Giao thông - Vận tải trong đó 38% công chức hoàn toàn đồng ý rằng “ do bè cánh, nếu ai không tham nhũng thì bị đào thải”. Kết quả này phản ánh nét tâm lí chung của cộng đồng. Và thật xót xa khi nhận ra rằng tham nhũng có mặt ở mọi nơi và dường như nó vẫn được mọi người “ tự giác” hoặc đành lòng chấp nhận.
Thanh niên là chủ nhân tương lai của đất nước, vậy mà những chủ nhân tương lai ấy lại đang nhiễm phải căn bệnh nguy hiểm có sức hủy hoại nền kinh tế và thậm chí hủy họai cả lương tri của một dân tộc vốn là Anh hùng trong các thời kỳ chống ngọai xâm! Ngay cả việc nhìn nhận tham nhũng, cách phòng ngừa tham nhũng …vẫn còn mơ hồ với các bạn trẻ. Và không phải chỉ có ở nông thôn mà ngay cả ở các thành phố lớn, các bạn đang thiếu kiến thức về các vấn đề xã hội. Nguy hiểm hơn khi một bộ phận các bạn trẻ không quan tâm tới các vấn đề này.
Khi tham gia diễn đàn “Xã hội minh bạch và bền vững nằm trong tay thế hệ trẻ”, gần 50 sinh viên, học sinh của 15 trường Đại học và Trung học trên địa bàn thành phố Hà Nội đã cùng nhau tìm hiểu về tham nhũng. Các bạn đã nhìn thẳng vào vấn nạn này và cùng nhau xây dựng , đóng góp quan điểm của mình. Cùng nhau chia sẻ những hiểu biết, các bạn đã học được nhiều điều mới mẻ…
Các bạn trẻ tham gia diễn đàn “Xã hội minh bạch và bền vững nằm trong tay thế hệ trẻ”
Mong muốn của tuổi trẻ học đường về xã hội tương lai
Họ quan tâm nêu nhiều ý kiến về mảng giáo dục và kiến nghị nên thực hiện minh bạch trong tài chính ỏ các trường, đưa vấn đề tham nhũng vào chương trình giảng dạy ở các môn đạo đức và giaó dục công dân . Đồng thời thay đổi phương pháp dạy học để học sinh có hứng thú hơn với các vấn đề xã hội hiện nay. Cơ chế, bộ máy quản lí cũng cần đơn giản gọn nhẹ .Bên cạnh đó là nâng cao chât lượng đội ngũ quản lí giáo dục. Chế độ tiền lương và thưởng của giáo viên phải hợp lí, đúng năng lực. Đi đôi với việc khen thưởng cần nghiêm khắc , minh bạch trong xử phạt với các hành vi vi phạm.
Về lĩnh vực Hành chính công, mong muốn của họ là đất nước ta sẽ xây dựng được một nền hành chính công khai hóa , minh bạch hóa, hoàn thiện cơ chế quản lí một cửa.Và Trong 10 năm tới sẽ thật kì diệu nếu chúng ta có một chính phủ điện tử, việc quản lí sẽ thuận tiện, thủ tục nhanh gọn rất nhiều so với hiện nay.
Bạn Nguyễn Minh Đức (Đại Học luật Hà Nội) cho biết: “Tuy hơi táo bạo nhưng mình nghĩ tương lai nên coi hành chính công là một dich vụ. Trong dịch vụ đó, người dân trở thành khách hàng và lẽ đương nhiên khách hàng là thượng đế.Để việc phân phối quyền lợi một cách công bằng nhất cho người nghèo, chính phủ có thể xây dựng mức dịch vụ tối thiểu, bảo đảm người nghèo sẽ làm được giấy tờ nhanh nhất mà không mất công sức và thời gian. Trong khi đó các cơ quan hành chính sẽ có khả năng đáp ứng kịp thời nhu cầu dịch vụ nói chung và đặc biệt cho khách hàng có nhu cầu bức thiết. Các cơ quan hành chính sẽ có sự cạnh tranh công bằng khi đưa ra giá cả dịch vụ. Điều này sẽ loại bỏ được sự trì trệ và độc quyền. Người dân sẽ có nhiều cơ hội lựa chọn cơ quan hành chính phù hợp với mình”...
Thanh niên vốn mạnh dạn sáng tạo , nêu nhiều ý tưởng và mong muốn, nhưng việc thực hiện điều đó là vô cùng khó khăn. Kết quả khảo sát cho thấy thanh niên vẫn thờ ơ với việc chống tham nhũng. Làm thế nào để họ quan tâm và chung tay vì một tương lai tốt đẹp như mong muốn? Chính công tác tuyên truyền của chúng ta chưa thực sự hiệu quả. Sinh viên, học sinh và một bộ phận lớn thanh niên còn thiếu kiến thức về tham nhũng và các vấn đề xã hội nóng bỏng. Thiết nghĩ chúng ta nên tổ chức các cuộc thi tìm hiểu kiến thức dưới dạng Gameshow, diễn đàn để thế hệ trẻ nói lên tiếng nói của mình và tăng thêm hiểu biết…
Nguyễn Việt Hà (Sinh viên năm 2 đại học công đoàn) cho biết: “Giới trẻ nên nói không với tiêu cực trong giáo dục, tham gia những hoạt động xã hội như các diễn đàn, tổ chức… về phòng chống tham nhũng”.
Câu chuyện chiếc vé xe buýt nhỏ ấy cũng đủ để chúng ta cùng suy ngẫm. Tham nhũng không thể được tạo thành từ một phía. Người tham nhũng đáng lên án và phải nghiêm khắc xử phạt. Nhưng nếu không có người đưa thì tham nhũng đâu trở thành căn bệnh của cả một xã hội.Trách nhiệm chống tham nhũng là của toàn xã hội. Để hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn hãy bắt đầu xây dựng từ hôm nay. Tại sao thế hệ trẻ chúng ta không bắt đầu với khẩu hiệu”(Bạn Lê Thị Lan Phương-CLb Tri Thức Xanh)?.
“Xã hội minh bạch và bền vững nằm trong tay thế hệ trẻ”
Lê Thị Huệ
Học viện Báo chí và Tuyên truyền
LTS Dân trí - Có thể nói ngày nay hiện tượng tham nhũng đã lan tràn khá sâu vào mọi lĩnh vực đời sống xã hội, dần dần trở thành thói quen của cả người đưa và người nhận. Từ chuyện chiếc vé ô tô xe buýt cho đến nhiều loại “phong bì” từ nhỏ đến lớn… Nhiều người tặc lưỡi: phải như vậy công việc mới chóng vánh và chuyện đó dần dà trở thành thói quen, thậm chí trở thành “nếp sống” của mọi người. Cũng chính vì vậy mà những người có học, có tri thức như sinh viên cũng coi hiện tượng tham nhũng là chuyện bình thường!
Vì vậy, muốn chống tham nhũng có hiệu quả khi nó đã ăn sâu vào đời sống xã hội thì đi đôi với những biện pháp về cơ chế, tổ chức và dùng pháp luật để nghiêm trị, còn cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, làm cho mọi người thấy rõ sự vi phạm đạo đức cũng như tác hại sâu xa của việc đưa và nhận hối lộ cũng như các hành vi tiếp tay cho tham nhũng. Qua đó giáo dục sâu sắc cho mọi người hãy biết tự trọng, giữ lấy cái quan trọng nhất của con người là nhân cách để không trở thành kẻ tham nhũng hay đồng lõa với tham nhũng.