Tiến sĩ có đáng tôn vinh?
Trước bài “Tôn vinh không đích đáng ắt gây ra đàm tiếu” của Hàm Châu, cư dân mạng đã đọc các bài của nhà văn Nguyên Ngọc, của nguyên Giáo sư Đại học Sorbonne Bùi Trọng Liễu,…và nhiều ý kiến của độc giả về cái dự án “Bảo tồn tiến sĩ thời hiện đại”.
Tiếng nói của nhiều người, dù cho cách nói có khác nhau, đứng từ nhiều góc độ khác nhau, nhưng hầu như thống nhất một ý quan trọng là hãy dừng ngay cái dự án có một không hai trên thế giới của thế kỷ 21 này.
Từ nhiều thập niên qua, chúng ta đã tốn không ít công sức, tiền của vào việc thực hiện những chương trình, những “dự án” không rõ mục tiêu, cho nên không đem lại kết quả mong muốn. Tốt nhất bây giờ, chúng ta - cả những nhà quản lí, những trí thức thực sự, những công dân yêu nước - hãy nghĩ và cố làm một cái gì đó thực sự có ích cho dân cho nước (như mấy anh “kỹ sư” Hai lúa chẳng hạn) thì chắc thiên hạ sẽ tôn vinh, sẽ nhớ mãi; chứ dựng “Bia đá” cho “tiến sĩ” thời nay có phải công việc đáng làm và nên làm hay không?
Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn |
Lại còn phải kể đến cách hiểu của mỗi cộng đồng, mỗi vùng miền, mỗi quốc gia không phải là i sì như nhau (rất thường gặp trong các văn bản dịch). Ví dụ, người có bằng đại học của Việt Nam (bây giờ gọi là cử nhân) sang Liên xô trước đây (và Nga bây giơ) hoặc sang 1 nước XHCN Đông Âu (trước đây) làm nghiên cứu sinh 3 năm (đại học + 3), sau khi hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh, được cấp một cái bằng có tên tiếng Nga Kongugam (Candidat, tiếng Pháp), và người ta dịch sang tiếng Việt là Phó tiến sĩ, rồi qua một đêm ngủ dậy (có chính sách mới) cho nên trở thành tiến sĩ (doctor/ docteur). Sự dịch chữ Candidat thành Phó tiến sĩ, rồi sau này lại gọi chung là tiến sĩ, có lẽ chưa chuẩn, chưa đúng với bản chất sự việc, nhưng thiên hạ cứ thừa nhận.
Trong khi, nhiều quốc gia khác và ngay tại VN bây giờ, đại hoc + 2 hoặc 3 chỉ được cấp bằng thạc sĩ. Vậy có thể hiểu PTS (rồi thành tiến sĩ) chỉ ngang với thạc sĩ. Và nếu chữ thạc sĩ dịch sang tiếng Pháp, hoặc thiếu hiểu biết hoặc cố ý sẽ có thể được dùng chữ agrégé/ agrégation (gặp trường hợp này chắc chắn người Pháp sẽ kính nể (hoặc không hiểu nổi).
Còn học vị tiến sĩ (doctor/docteur) là để chỉ kết quả hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh sau đại học (đại học + 4 hoặc 5 năm). Và ai cũng hiểu một người nào đó có cái bằng tiến sĩ thời nay không hề có nghĩa là giỏi hơn người khác không có nó (bởi vì có tiến sĩ thật, tiến sĩ xịn hẳn hoi; lại có không ít tiến sĩ rởm, tiến sĩ hữu nghị, tiến sĩ mua thì nói làm gì).
Có thời gian, có tiền, và đừng quá lười thì việc có cái bằng tiến sĩ ở bất cứ đâu đều không khó. Cái khó là sau khi có bằng tiến sĩ, anh có công trình nghiên cứu nào không, có đóng góp được gì cho lĩnh vực chuyên môn mà anh bảo vệ tiến sĩ? (tất nhiên không phải làm 3 cái “công trình khoa học” đi ăn cắp của người khác để rồi bỏ xó, viết 3 bài báo cóp pi của người khác (thậm chí của sinh viên).
Và như vậy, người có học vị tiến sĩ (dù là TS thật) nếu sau khi nhận bằng không có công trình khoa học đáng ghi nhận thì còn có điều gì đáng nhắc đến sự tồn tại của vị tiến sĩ đó nữa, chứ chưa dám nói đến sự tôn vinh… khắc tên vào bia đá để ông rùa phải… cõng đời đời.
Đinh Việt Bình
LTS Dân trí - Trong tình hình nhiều năm qua, việc cấp văn bằng tiến sĩ ở nước ta chưa được tiến hành theo thông lệ quốc tế, chưa căn cứ trên những tiêu chí chuẩn xác và cũng chưa tiến hành bằng một quy trình chặt chẽ, qua sự đánh giá đáng tin cậy của một Hội đồng khoa học có đủ thẩm quyền và năng lực chuyên môn; đấy là chưa nói tình trạng mập mờ giữa bằng thật và “bằng giả”, bằng tự làm hay bằng thuê làm, rồi văn bằng “nhập ngoại” đủ các loại…
Trong tình hình như vậy, thật khó thực hiện ý tưởng (dù là tốt đẹp) khắc hàng loạt bia đá để tôn vinh đời đời những tiến sĩ thật sự đáng tôn vinh.
Người xưa đã dạy: làm việc gì có ý nghĩa to lớn cũng phải tính đến các mặt: “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Xem ra việc dựng bia tiến sĩ thời nay chưa hội đủ những điều kiện ấy.